Giá lương thực tăng cao đẩy nhiều người Châu Á vào cảnh đói nghèo

Lạm phát lương thực trong nước ở nhiều nền kinh tế trong khu vực Châu Á đã đạt mức trung bình 10% trong đầu năm 2011.

Giá lương thực toàn cầu tăng cao kỷ lục trong 2 tháng đầu năm 2011 đang đe dọa đẩy hàng triệu người dân ở các nước Châu Á đang phát triển vào cảnh cùng cực. Cảnh báo này được đưa ra trong một báo cáo mới của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) có tiêu đề “Lạm phát giá lương thực toàn cầu và các nước Châu Á đang phát triển”.

Giá lương thực đã được dự đoán sẽ tiếp tục tăng dần kể từ sau mức tăng đột biến vào năm 2008. Báo cáo cho rằng chi phí sản xuất đối với nhiều loại cây lương thực ở Châu Á đã tăng nhanh và liên tục kể từ giữa năm ngoái, đồng thời giá dầu thô đạt mức cao nhất trong vòng 31 tháng vào tháng ba là những bước thụt lùi của khu vực vốn đã phục hồi nhanh chóng và mạnh mẽ kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Lạm phát lương thực trong nước ở nhiều nền kinh tế trong khu vực Châu Á đã đạt mức trung bình 10% trong đầu năm 2011. Nghiên cứu của ADB cho thấy việc tăng giá lương thực 10% ở các nước Châu Á đang phát triển, nơi cư trú của 3,3 tỷ người, có thể đẩy thêm 64 triệu người vào cảnh nghèo khổ với thu nhập dưới mức 1,25 USD/ngày.

Ông Changyong Rhee, Trưởng Ban Kinh tế của ADB, cho rằng: “Đối với những gia đình nghèo ở các nước Châu Á đang phát triển, những người hiện đã dành hơn 60% thu nhập của mình cho lương thực, giá lương thực tăng cao sẽ càng làm giảm khả năng chi trả của họ cho các dịch vụ y tế và giáo dục. Nếu như không được kiểm soát, cuộc khủng hoảng lương thực sẽ xói mòn những thành quả giảm đói nghèo mà Châu Á đã đạt được trong thời gian gần đây”.

Báo cáo cũng cho biết nếu như từ giờ đến cuối năm, giá cả lương thực toàn cầu và giá dầu tiếp tục tăng cao như trong đầu năm 2011, tăng trưởng kinh tế của khu vực có thể giảm tới 1,5%.

Báo cáo cho rằng trong ngắn hạn, với việc dự trữ ngũ cốc đang giảm, giá cả lương thực có thể sẽ tiếp tục biến động và giữ ở mức cao. Thêm vào đó là các nhân tố cơ cấu và chu kỳ đã từng xuất hiện trong cuộc khủng hoảng 2007-2008, bao gồm nhu cầu lương thực tăng lên ở các nước đang phát triển có dân số đông và có thu nhập cao, việc cạnh tranh sử dụng ngũ cốc cho các mục đích khác, diện tích đất nông nghiệp suy giảm, năng suất thu hoạch chững lại và thụt lùi.

Báo cáo ghi nhận rằng sản lượng giảm sút do thời tiết xấu cùng với đồng USD yếu, giá dầu cao và lệnh cấm xuất khẩu tại một số nước sản xuất lương thực chính là những nguyên nhân chủ yếu tạo áp lực tăng giá toàn cầu kể từ tháng sáu năm ngoái, với mức tăng hai chữ số đối với giá của lúa mỳ, ngô, đường, dầu ăn, sản phẩm sữa và thịt. Giá gạo nhiều khả năng sẽ tiếp tục xu hướng tăng do ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết La Nina vẫn tiếp diễn, buộc người tiêu dùng phải tìm kiếm những sản phẩm thay thế ít tốn kém hơn nhưng cũng ít dinh dưỡng hơn.

Theo TS Rhee: “Để ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng, điều quan trọng là các nước cần kiềm chế việc áp dụng lệnh cấm xuất khẩu đối với các mặt hàng lương thực, đồng thời tăng cường hệ thống an sinh xã hội. Các nỗ lực để ổn định sản xuất cần được chú trọng với việc đầu tư thêm cho cơ sở hạ tầng nông nghiệp để nâng cao sản lượng lương thực và mở rộng hệ thống kho chứa, đảm bảo rằng lương thực sản xuất ra không bị lãng phí”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên