Giới khoa học cảnh báo xu hướng nắng nóng “gây sốc”
VOV.VN - Các nhà khoa học cảnh báo về xu hướng nắng nóng gay gắt “gây sốc”, sau khi năm 2023 nổi lên là năm nóng nhất thế giới được ghi nhận.
Trong báo cáo phân tích khí hậu toàn cầu hàng năm, Cơ quan Khí tượng Mỹ (NOAA) đã xác nhận phát hiện của các nhà khoa học EU rằng năm 2023 là năm nóng nhất kể từ khi lập ghi chép dữ liệu vào năm 1850, với nhiệt độ lên cao hơn mức trung bình thời tiền công nghiệp là 1,35 độ C (2,43 độ F). Lượng nhiệt được lưu trữ ở các tầng trên của đại dương cũng đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái.
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) hôm qua cũng xác nhận năm 2023 là một năm nóng kỷ lục và thế giới đã ấm hơn 1,2 độ C so với mức trung bình thời tiền công nghiệp, dựa trên nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 10 năm từ 2014 đến 2023. Nguyên nhân là do biến đổi khí hậu, đốt nhiên liệu hóa thạch, cùng với mô hình khí hậu El Nino xuất hiện vào nửa cuối năm 2023.
Nhà khoa học về trái đất của cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), Liz Hoy cho biết: “Tháng 7/2023 cũng là tháng nóng nhất mà chúng tôi ghi nhận được. Và nếu chúng ta nhìn lại thập kỷ vừa qua, 10 năm qua là những năm ấm nhất, điều này thực sự gây sốc. Với sự thay đổi khí hậu và nhiệt độ toàn cầu ngày càng tăng, điều đó không có nghĩa là chúng ta sẽ có nhiệt độ ấm hơn ở mọi lúc mà những sự kiện thời tiết biến đổi sẽ đa dạng và cực đoan hơn.
Vì vậy, khi chúng ta có một cơn bão, nó có thể cực đoan hơn hoặc khi chúng ta gặp hạn hán, nó sẽ kéo dài hoặc một trận mưa bão dữ dội kéo dài hơn. Và chúng ta chắc chắn đã chứng kiến điều đó trên khắp Bắc Mỹ và thậm chí ở Nam Mỹ, nơi những sự kiện thời tiết khắc nghiệt xảy ra thường xuyên hơn so với quá khứ hoặc với nhiều biến đổi hơn so với những gì chúng ta từng thấy trong quá khứ”.
Cơ quan Khí tượng Mỹ cho biết nhiều khả năng năm 2024 sẽ ấm hơn năm 2023 và 99% khả năng sẽ nằm trong số 5 năm ấm nhất được ghi nhận.