Hàn Quốc lại phải chờ phiên điều trần thứ 2 về luận tội Tổng thống
VOV.VN - Chính trường Hàn Quốc tiếp tục phức tạp khi Tổng thống Park Geun-hye không xuất hiện tại phiên điều trần đầu tiên về vụ luận tội bà.
Chiều 3/1, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc tổ chức phiên điều trần công khai đầu tiên về vụ luận tội Tổng thống Park Geun-hye liên quan tới bê bối chính trị lớn nhất trong lịch sử nước này.
Bà Park. Ảnh: MercoPress.
Tuy nhiên sự vắng mặt của nhân vật chính, bà Park Geun-hye, đã khiến phiên điều trần phải nhanh chóng kết thúc sau khi bắt đầu được 9 phút.
Phiên điều trần chính thức đầu tiên diễn ra lúc 14h chiều nay (giờ địa phương), nhưng do Tổng thống Park Geun-hye không xuất hiện tại tòa nên sau đó Chánh án Park Han-chul đã buộc phải tuyên bố ngừng phiên điều trần.
Theo quy định, tòa án có thể xúc tiến các cuộc tranh luận về vụ luận tội mà không cần sự có mặt của bị cáo, nếu người này từ chối yêu cầu trình diện tại tòa lần 2.
Như vậy, việc tranh luận về vụ luận tội Tổng thống Park Geun-hye sẽ được hoãn lại đến phiên điều trần thứ 2, dự kiến sẽ được tiến hành vào ngày 5/1 tới. Nếu bà Park Geun-hye vẫn không có mặt thì việc tranh luận sẽ được tiến hành thông qua người được ủy nhiệm của bà. Phiên điều trần thứ 3 dự kiến được tổ chức vào ngày 10/1 tới.
Một số các nghi phạm chính trong vụ này đã được yêu cầu tham gia điều trần như bạn thân của Tổng thống Hàn Quốc, bà Choi Soon-sil, cựu thư ký An Chong-bum, phụ trách việc điều phối chính sách của Tổng thống và cựu thư ký Jeong Ho-seong, phụ trách các vấn đề cá nhân của Tổng thống.
Các cựu phụ tá khác của Tổng thống như Ahn Bong-geun và Lee Jae-man, cùng hàng loạt cựu quan chức bao gồm Yoon Jeon-chu và Lee Young-sun cũng được yêu cầu xuất hiện tại tòa với tư cách là “nhân chứng”.
Một ngày trước khi diễn ra phiên điều trần công khai đầu tiên, Chánh án Park Han-chul khẳng định công chúng Hàn Quốc đang rất chờ đợi một “quyết định nhanh chóng và công bằng” của tòa án: “Vì công lý và sự công bằng, Tòa án hiến pháp Hàn Quốc cam kết sẽ nỗ lực hết mình để tiến hành việc xem xét một cách chặt chẽ và hợp lý vụ luận tội này."
Trước đó, Tổng thống Park Geun-hye bị Quốc hội Hàn Quốc luận tội ngày 9/12 vừa qua với những cáo buộc bà dính líu đến một loạt hành vi được cho là phạm tội của người bạn thân Choi Soon-sil. Người phụ nữ này bị cáo buộc lạm dụng mối quan hệ với Tổng thống Park Geun-hye để giành được những ưu đãi về kinh doanh và cá nhân mặc dù không nắm giữ chức vụ nào trong Chính phủ Hàn Quốc.
Trong một diễn biến mới nhất liên quan tới nhân vật trung tâm vụ bê bối - bà Choi Soon-sil, Chính phủ Hàn Quốc vừa yêu cầu con gái bà này, cô Chung Yoo-ra, phải nộp lại hộ chiếu và buộc phải trở về Hàn Quốc để phục vụ cho công tác điều tra.
Cách đây vài ngày, cô Chung Yoo-ra đã bị bắt giữ tại thành phố Aalborg của Đan Mạch với cáo buộc lưu trú bất hợp pháp. Người này cũng đang vướng vào cáo buộc lợi dụng mối quan hệ của mẹ mình với Tổng thống Park Geun-hye nên đã nhận được sự ưu ái đặc biệt của một trường đại học danh tiếng bậc nhất tại Seoul. Theo luật hiện hành, hộ chiếu của cô Chung Yoo-ra sẽ bị vô hiệu hóa trong 1 tuần tới.
Giới chức Hàn Quốc hôm nay cũng thông báo, nước này đã yêu cầu nhà chức trách Đan Mạch dẫn độ cô Chung Yoo-ra về nước. Hiện vụ bắt giữ và dẫn độ con gái của bà Choi Soon-sil đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận tại Hàn Quốc.
Tuy nhiên, luật sư bào chữa cho cô Chung Yoo-ra, Jan Sshneider vừa lên tiếng bày tỏ sự thất vọng về những diễn biến gần đây đối với thân chủ của mình: “Tôi nghĩ thật đáng thất vọng khi cảnh sát và tòa án Đan Mạch bị kéo vào vụ bê bối chính trị của Hàn Quốc, vụ việc đáng lẽ chẳng liên quan gì tới Đan Mạch. Tôi cảm thấy thất vọng trước những kết quả ngày hôm nay.”
Trước đó, các công tố viên đặc biệt điều tra vụ bê bối liên quan đến Tổng thống Park Geun-hye và bà Choi Soon-sil thậm chí còn đề nghị tổ chức cảnh sát quốc tế Interpol đưa tên của Chung Yoo-ra vào danh sách truy nã sau khi người này không chấp hành lệnh triệu tập được lặp lại nhiều lần của nhóm điều tra./.