Hàn Quốc-Triều Tiên cùng thỏa thuận để tháo ngòi nổ chiến tranh
VOV.VN- Sau cuộc đàm phán marathon trong suốt nhiều ngày qua, Hàn Quốc và Triều Tiên đã chấp nhận nhượng bộ nhằm tránh nguy cơ xảy ra chiến tranh.
Theo AFP, trong tuyên bố chung sau khi kết thúc đàm phán, Triều Tiên đã ra tuyên bố “lấy làm tiếc” về việc rải mìn khiến 2 binh sĩ Hàn Quốc bị thương. Trong khi đó, Hàn Quốc cam kết chấm dứt tuyên truyền bằng loa phóng thanh sang biên giới Triều Tiên.
Cái bắt tay lịch sử giữa đại diện Triều Tiên Hwang Pyong-so và Hàn Quốc Kim Kwan-Jin sau cuộc đàm phán giữa hai bên ngày 24/8. Ảnh AP |
Dự kiến, loa phóng thanh của Hàn Quốc sẽ “im tiếng” vào lúc 12h trưa 25/8 (giờ địa phương). Cùng thời điểm đó, Triều Tiên cũng sẽ tuyên bố dỡ bỏ tình trạng sẵn sàng chiến tranh mà lãnh đạo nước này Kim Jong-un tuyên bố tuần trước.
Ngoài ra, cả hai nước cũng đã đồng ý nối lại việc đoàn tụ các gia đình ly tán sau cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 cũng như sẽ tiến hành thêm các cuộc đàm phán chính thức tại Seoul hoặc Bình Nhưỡng vào tháng 9 tới.
Thỏa thuận trên đã giúp “xua tan” nguy cơ xảy ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh cả hai nước đều đã rầm rộ điều động binh sĩ nhằm phô trương thanh thế của mình cũng như chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng xảy ra chiến tranh.
Căng thẳng vẫn diễn ra trong quá trình đàm phán với việc Hàn Quốc và Mỹ đã điều máy bay chiến đấu bay trên lãnh thổ Hàn Quốc trong khi Triều Tiên được cho là đã điều tới 2/3 trong tổng số 70 tàu ngầm của mình.
Nhà đàm phán hàng đầu của Hàn Quốc, Cố vấn An ninh Quốc gia Kim Kwan-Jin cho biết, thỏa thuận này đã giúp hạ nhiệt cuộc khủng hoảng hiện nay và tạo ra động lực cho mối quan hệ liên Triều trong tương lai.
Ông Kim đã mô tả việc Triều Tiên bày tỏ lấy làm tiếc vụ rải mìn là “rất có ý nghĩa” và khẳng định, việc đạt được điều này đã choán hết hầu hết thời gian đàm phán giữa ông và người đồng cấp Triều Tiên Hwang Pyong-so- một tay chân thân cận của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
“Chúng tôi phải buộc được Triều Tiên bày tỏ quan điểm về vụ việc đó”, ông Kim nói.
Ông Kim cũng cho biết, việc Hàn Quốc chấp nhận ngừng phát thanh tuyên truyền nhằm về biên giới Triều Tiên chỉ được thực hiện với điều kiện Triều Tiên “không được có những hành vi bất thường”.
“Chúng tôi cũng phải nhấn mạnh điểm này bởi nếu không Triều Tiên có thể có những hành động khiêu khích trong tương lai gây ảnh hưởng đến an ninh của Hàn Quốc”, ông Kim nói thêm.
Trước đó, Triều Tiên đã nhiều lần lên tiếng từ chối nhận trách nhiệm về việc rải mìn và tuyên bố chung Hàn- Triều ngày 25/8 cũng tránh quy trách nhiệm về vụ nói trên cho phía Triều Tiên.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, việc Triều Tiên bày tỏ “lấy làm tiếc” có ý nghĩa hơn cả những gì mà cả hai bên và giới quan sát quốc tế trông đợi.
“Các thỏa thuận liên Triều từ trước tới nay đều có những lời lẽ cực kỳ mơ hồ”, ông Jeung Young-Tae tại Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc tại Seoul nhận định.
“Tuy nhiên, theo ngôn ngữ ngoại giao thì đây là một lời xin lỗi rõ ràng về vụ rải bom khiến 2 binh sĩ Hàn Quốc bị thương”, ông Jeung cho biết.
Thỏa thuận mà Hàn Quốc và Triều Tiên vừa đạt được đã nhận được sự hoan nghênh của các nước láng giềng như Trung Quốc và Nhật Bản. Cả Trung Quốc và Nhật Bản đều coi căng thẳng liên- Triều là mối lo ngại ngày một gia tăng và liên tục kêu gọi hai bên phải hết sức kiềm chế .
Thỏa thuận này cũng được coi là giúp Mỹ có thể “thở phào” bởi Mỹ có tới 30.000 binh sĩ đồn trú tại Hàn Quốc và đã nhiều lần lên tiếng cam kết bảo vệ đồng minh.
“Trong các thỏa thuận như thế này, mọi điều xấu xa đều được đề cập chi tiết. Tuy nhiên, thỏa thuận mới này cũng thể hiện một bước ngoặt trong tình hình căng thẳng hiện nay nhằm hướng tới những cuộc đối thoại tiếp theo trong tương lai”, ông Yang Moo-Jin, một Giáo sư chuyên nghiên cứu về Triều Tiên tại Seoul nhận định./.