Hãng hàng không Mỹ cấm hai bé gái lên máy bay vì mặc quần legging
VOV.VN - Hãng hàng không Mỹ United Airlines đã khiến dư luận tranh cãi sau khi không cho hai cô bé lên máy bay chỉ vì họ mặc quần bó legging.
Vụ việc được bà Shannon Watts, nhà sáng lập tổ chức kêu gọi cải tổ luật kiểm soát súng Moms Demand Action ở Mỹ và cũng là một hành khách trên chuyến bay, đăng tải trên mạng xã hội Twitter.
Hãng hàng không Mỹ United Airlines đã khiến dư luận tranh cãi sau khi không cho hai cô bé lên máy bay chỉ vì họ mặc quần bó legging. (Ảnh minh họa: Channel News Asia)
Bà nói rằng nhân viên của hãng đã buộc hai bé gái phải mặc váy ngoài quần legging nếu không họ sẽ không được lên máy bay.
Watts còn cho biết thêm, một cô gái khác cũng mặc quần legging ban đầu cũng không được cho lên máy bay và chỉ được được đáp chuyến bay khởi hành từ sân bay quốc tế Denver đến thành phố Minneapolis sau khi đã thay đồ.
Theo tờ New York Times, phát ngôn viên của hãng United Airlines, ông Jonathan Guerin cho biết,hai bé gái không được phép lên máy bay mà phải “chỉnh lại trang phục” và đợi chuyến bay kế tiếp tới Minneapolis. Hiện ông cũng không rõ họ đã lên máy bay hay chưa.
Cô Watts nhấn mạnh: “Đó chỉ là một đứa bé 10 tuổi, mặc chiếc quần tất xám. Nhìn rất ổn và phù hợp. Từ lúc nào mà hãng hàng không lại thành cảnh sát kiểm soát trang phục nữ giới vậy?”
Sự việc đã thu hút nhiều sự chú ý của cư dân mạng.
“Tôi nghĩ việc cấm đoán này chỉ xảy ra với Taliban chứ không phải với một hãng hàng không lớn ở phương Tây”, một người dùng Twitter bình luận.
Người mẫu Mỹ Chrissy Teigen viết trên Twitter: “Tôi từng bay với hãng United Airlines trước đây và không mặc quần, chỉ có áo thun dài như váy. Lần tới tôi sẽ chỉ mặc quần jeans và khăn quàng cổ”.
Sau đó, hãng hàng không này giải thích rằng hai bé gái này có loại vé đặc biệt, theo dạng là người thân của nhân viên. Và khi nhân viên hoặc người thân của mình lên máy bay, họ phải tuân thủ các quy định về trang phục của hãng bay đó, còn đối với những khách hàng bình thường, “quần legging hoàn toàn được chào đón”./.
Tòa phúc thẩm liên bang Mỹ bác kháng cáo về sắc lệnh cấm nhập cảnh