Hậu Brexit: Anh- EU “không từ bỏ cơ hội” đạt thỏa thuận trước cuối năm
VOV.VN - Sau gần một năm đàm phán bế tắc, Anh và Liên minh châu Âu đang bước vào những tuần đàm phán nước rút nhằm đạt được thỏa thuận về các mối quan hệ thương mại hậu Brexit.
Không còn những tuyên bố theo kiểu “Thà không có thỏa thuận còn hơn là một thỏa thuận tồi”, hai bên đều nhất trí phải tăng cường nỗ lực hơn nữa để thu hẹp những bất đồng trong khoảng thời gian còn lại ít ỏi này.
Sau các cuộc thảo luận không như kỳ vọng, cả Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen đều nhất trí các bên phải nối lại đàm phán ngay trong ngày hôm nay tại Brussels và “phải nỗ lực hơn nữa” để xác định xem liệu những bất đồng có thể được hóa giải hay không. Hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ gặp lại nhau vào tối mai (7/12).
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen nhấn mạnh: “Thực tế là tiến bộ đã đạt được trong nhiều lĩnh vực và chúng tôi hoan nghênh điều này. Tuy nhiên, sự khác biệt đáng kể vẫn còn ở 3 vấn đề quan trọng: sân chơi bình đẳng, quản trị và nghề cá. Cùng với Thủ tướng Boris Johnson, chúng tôi nhất trí rằng, sẽ không có thỏa thuận nào là khả thi nếu những vấn đề này không được giải quyết. Với nhận thức sâu sắc về mức độ nghiêm trọng của những khác biệt này, chúng tôi đồng ý rằng các nhóm đàm phán cần phải nỗ lực hơn nữa để đánh giá xem liệu những bất đồng này có thể hóa giải hay không”.
Trước đó hôm 4/12, Anh và Liên minh châu Âu đã phải dừng vòng đàm phán mới nhất về các mối quan hệ tương lai sau khi không thể tìm được tiếng nói chung trong một số vấn đề. Ba rào cản chính khiến các bên không thể đi tới thỏa thuận là những đảm bảo theo yêu cầu của Anh về cạnh tranh, cách thức giải quyết bất đồng trong thỏa thuận tương lai và khả năng tiếp cận của ngư dân châu Âu với vùng đánh bắt của Anh.
Mặc dù chiếm tỷ trọng thấp trong nền kinh tế, song nghề cá lại là một trong những ưu tiên hàng đầu của cả 2 bên. Anh muốn các đối tác châu Âu phải tôn trọng chủ quyền của Anh với tư cách là một Nhà nước ven biển. Chính phủ Pháp ngày 4/12 cảnh báo nước này sẽ không ngần ngại phủ quyết nếu thỏa thuận đe dọa đến lợi ích lâu dài của nước này.
Cũng giống như nhiều đối tác châu Âu khác, Pháp lo ngại Liên minh châu Âu sẽ đưa ra quá nhiều nhượng bộ với nước Anh nhằm tránh nguy cơ không thỏa thuận. Bộ trưởng Pháp phụ trách các vấn đề đối ngoại và châu Âu Clement Beaune nhấn mạnh: “Pháp cam kết bảo vệ lợi ích của ngư dân và những điều kiện thương mại công bằng. Tôi nghĩ đây cũng là điều mà các đối tác của chúng tôi mong muốn. Nếu có một thỏa thuận không tốt, không đảm bảo được những điều này, thì chúng tôi sẽ phản đối. Đây cũng là lập trường lâu nay của Pháp”.
Sau tuần đàm phán nhiều căng thẳng này, Hạ viện Anh sẽ xem xét lần 2 dự thảo thị trường nội địa gây tranh cãi, một trong những vấn đề có thể quyết định thành bại của các cuộc thảo luận. Bất chấp mọi cảnh báo của Liên minh châu Âu, Chính phủ Anh vẫn muốn thúc đẩy dến cùng dự thảo luật gây tranh cãi này sau thất bại tại Thượng viện. Theo chính quyền của Thủ tướng Boris Johnson, đây là “lưới an ninh” giúp bảo vệ nước Anh trong trường hợp không đạt được thỏa thuận. Trong khi đó, người châu Âu lại coi đây là một bước đi gây khó dễ của Anh và có nguy cơ làm sói mòn lòng tin đối với khả năng thực hiện các cam kết của London.
Nếu Anh và Liên minh châu Âu thất bại, ngay từ đầu năm 2021, trao đổi thương mại giữa hai bên sẽ phải tuân theo các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đồng nghĩa với những quy định về hải quan và hạn ngạch khó khăn hơn, có thể dẫn tới một cú số mới về kinh tế làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19./.