Hé lộ về bài phát biểu trước khi rời Nhà Trắng của Tổng thống Obama
VOV.VN - 8h tối 10/1 theo giờ Mỹ (9h sáng 11/1 giờ Việt Nam), Tổng thống Obama sẽ có bài phát biểu chia tay Nhà Trắng từ Chicago thay vì thủ đô Washington.
Chính quyền của Tổng thống Obama đã chuẩn bị cho bài phát biểu chia tay Nhà Trắng của ông từ mùa hè 2016 khi ông cùng phát ngôn viên Jen Psaki và các cố vấn hàng đầu khác vạch ra lộ trình cho những tháng cuối cùng của 2 nhiệm kỳ Tổng thống.
Hàng nghìn người xếp hàng chờ mua vé tham dự sự kiện Tổng thống Obama phát biểu chia tay Nhà Trắng. Ảnh: Chicago Tribune. |
Tại sao không phải từ Washington?
Vì sự kiện này không bắt buộc phải tổ chức tại thủ đô Washington, ông Obama đã quyết định chọn phát biểu chia tay từ trung tâm hội nghị McCormick Place ở Chicago.
Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Tổng thống Obama chọn Chicago không phải vì đây là quê hương của ông mà vì đây là nơi ông bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình, là nơi ông “thực sự học bài học đầu tiên, đó là hành động của mỗi cá nhân và của mọi người sẽ tạo ra sự thay đổi thực sự”.
Bà Psaki ước tính có hơn 14.000 người sẽ có mặt tại trung tâm hội nghị McCormick Place để lắng nghe bài phát biểu của Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama. Ngoài hàng nghìn người xếp hàng dài trước trung tâm hội nghị McCormick Place để mua vé tham dự sự kiện này, Đệ nhất phu nhân Michelle Obama, Phó Tổng thống Joe Biden cùng phu nhân Jill Biden cũng sẽ có mặt.
Tổng thống Obama sẽ nói gì trước khi rời Nhà Trắng?
Chi tiết của bài phát biểu vẫn còn là một bí mật song người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki tiết lộ rằng bài phát biểu này sẽ ngắn hơn Thông điệp liên bang trước đây của ông Obama. Điều đó có nghĩa rằng bài phát biểu có thể kéo dài dưới 1 tiếng đồng hồ.
Tổng thống Obama và người chuyên viết diễn văn cho ông, Cody Keenan, thảo luận về nội dung bài phát biểu chia tay Nhà Trắng. Ảnh: Chicago Tribune |
Bà Jen Psaki cũng cho biết bài phát biểu chia tay của Tổng thống Obama sẽ không nhằm ôn lại những vinh quang của nhiệm kỳ mà để kêu gọi thế hệ lãnh đạo tiếp theo hành động.
Cố vấn cấp cao của Tổng thống Obama, bà Valerie Jarrett thì cho biết ông Obama mong muốn thúc đẩy mọi người tham gia vào cuộc đấu tranh vì quyền dân chủ cho chính họ. Bà Valerie cũng khẳng định bài phát biểu chia tay sẽ không hồi tưởng lại bước tiến 8 năm qua của nước Mỹ mà sẽ nhìn về tương lai phía trước.
Mặc dù Nhà Trắng bác bỏ suy đoán rằng bài phát biểu này sẽ ôn lại di sản của ông Obama, Tổng thống sắp mãn nhiệm vẫn được cho là sẽ đề cập một số thành tựu nổi bật.
Tiếp xúc với báo giới trước thềm sự kiện này, cố vấn cấp cao Valerie Jarrett đã nhắc lại việc ông Obama kế thừa một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng cũng như sự kiện tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden năm 2011.
Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Obama cũng có thể sẽ nhắc lại thông điệp chiến dịch tranh cử một thời của ông đó là “Hy vọng và thay đổi”./.
Nhà Trắng mới đây cũng công bố một bộ số liệu cho thấy những mốc son trong 2 nhiệm kỳ Tổng thống của ông Obama, trong đó nổi bật là:
1. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ từ mức 7,8% khi ông Obama nhậm chức đầu năm 2009 (đạt đỉnh điểm 10% tháng 10/2009) giảm xuống còn 4,6% trong tháng 11/2016.
2. Tỷ lệ người dân Mỹ không có bảo hiểm y tế từ mức 16% trong năm 2010 giảm xuống 8,9% trong năm 2016.
3. Số binh sỹ Mỹ triển khai tới Iraq và Afghanistan từ 176.800 người trong năm 2009 giảm xuống còn 144.000 trong năm 2010 và chỉ còn 14.400 trong năm 2016.
4. Tỷ lệ tốt nghiệp trung học ở Mỹ từ mức 75% trong năm học 2009-2010 đã tăng lên 83% trong năm học 2014-2015.
5. Năm 2009, chỉ có 4 bang ở Mỹ chấp nhận hôn nhân đồng giới và nay toàn nước Mỹ đã chấp nhận điều này.