Hiểm họa khôn lường nếu đội bóng nhí Thái Lan tự lặn ra khỏi hang
VOV.VN - Việc phải học lặn để thoát khỏi hang Tham Luang đang khiến đội bóng thiếu niên đối mặt với nhiều hiểm họa khôn lường.
Các chuyên gia cứu hộ cho biết 12 thành viên đội bóng thiếu niên Thái Lan và huấn luyện viên của họ đang được dạy kỹ năng sử dụng trang thiết bị lặn để tự lặn ra khỏi hang. Tuy nhiên phương án này có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Bơm nước từ hang Tham Luang, nơi đội bóng nhí Thái Lan bị mắc kẹt. (Ảnh: AP). |
Thoát nước trong hang
Lực lượng cứu hộ đang làm mọi thứ để thoát nước trong hệ thống hang động, giúp các nạn nhân bị mắc kẹt có thể đi di chuyển bằng cách lội trong hang, thay vì học bơi và sử dụng thiết bị lặn.
Phát biểu với báo chí, Poonsak Woongsatngiem, một nhân viên cứu hộ thuộc Bộ Nội vụ Thái Lan cho biết, họ đang cố gắng rút nước bên trong hốc thứ 3 của hang, nhờ vậy sẽ giúp các nạn nhân có thể mang áo phao và lội nước. Nếu mực nước rút đến thắt lưng, áp lực đối với nạn nhân và các thợ lặn giàu kinh nghiệm sẽ giảm đi nhiều.
“Mực nước giữa hốc thứ 3 và vị trí các nạn nhận đang đứng vẫn rất cao. Chúng tôi đang đặt các đường ống tại đây để thoát nhiều nước nhất có thể. Chúng tôi không thể tính được lượng nước bơm ra khỏi hang bởi dù nỗ lực thế nào thì vẫn có nước tràn vào trong hang. Hy vọng trời sẽ không mưa. Nếu nước rút và đội bóng tới được hốc thứ 3 thì họ sẽ tiếp tục phải lội nước thêm 2,5km nữa mới tới được cửa hang”.
Wang Ying Jie, một thợ lặn người Trung Quốc cho biết, đội bóng vẫn phải đối mặt với nguy hiểm vì sẽ có chỗ mực nước sâu tối đa là 6 mét.
Sau khi được tìm thấy, đội bóng Thái Lan đối mặt với nguy cơ gì?
Nếu đội bóng không thể lội ra ngoài …
Các thành viên trong đội bóng từ 11 đến 16 tuổi và huấn luyện viên 25 tuổi đang ở trên một gò đất cao, cách cửa hang 4km. Nếu không thể lội ra ngoài, họ sẽ buộc phải bơi và sử dụng thiết bị lặn. Để ra được tới cửa hang, các nạn nhân cần phải lặn 2km qua các đường hầm tối om. Hành trình này sẽ kéo dài tới 4 tiếng.
Trước hết, đội bóng sẽ được cung cấp bộ quần áo lặn, mặt nạ, ống thở. Tiếp đến họ sẽ được cung cấp oxy từ thiết bị chuyên dụng của hải quân. Thợ lặn sẽ sử dụng một sợi dây thừng nhỏ mắc dọc lối đi và hướng dẫn từng người một lặn theo lối này. Các bình oxy sẽ được đặt dọc lối đi, với khoảng cách từ 25 đến 50 mét vì vậy thành viên đội bóng sẽ luôn được cung cấp đủ oxy trong trường hợp cần thiết.
Ruangrit Chankuanyuen, một thợ lặn cho biết, không thành viên nhí nào trong đội bóng biết bơi nhưng kỹ năng bơi lội không cần thiết trong việc học sử dụng thiết bị lặn. “Chúng tôi cần huấn luyện cho họ cách sử dụng các trang thiết bị lặn, đặc biệt là ống thở”, Ruangrit nói.
Thể trạng quá yếu
Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, do bị mắc kẹt nhiều ngày trong hang nên thể trạng của đội bóng và huấn luyện viên của họ rất yếu. Vì thế họ sẽ gặp nhiều rủi ro trong quá trình học lặn. CNN dẫn thông báo từ đội ngũ bác sỹ cho biết, 2 trong số các nạn nhân đã bị kiệt sức vì suy dinh dưỡng.
Phát biểu với CNN, Cade Courtley, cựu nhân viên thuộc lực lượng đặc nhiệm SEAL của Hải quân Mỹ nhận định, xét đến tình trạng thể chất của đội bóng và những thách thức trong hang, thì việc lặn ra khỏi hang được coi là phương sách cuối cùng. “Chúng ta có rất nhiều thời gian. Thêm vào đó, các thành viên trong đội bóng đều không bị đe dọa đến tính mạng. Nhưng nếu không tính toán cẩn thận và kỹ lưỡng, mọi thứ sẽ “sai một li đi một dặm”. Dù không muốn nhưng tôi vẫn phải cảnh báo rằng, một số nạn nhân có thể bị tử vong khi học sử dụng thiết bị lặn vì sức khỏe kém hơn so với bình thường và các em còn quá nhỏ”.
Courtley nói rằng, hiện giờ các nhân viên cứu hộ đang bơm nước ra khỏi hang, tuy nhiên, các trận mưa lớn có thể cản trở nỗ lực này và trong thời gian chờ đợi, các nạn nhân có thể đối mặt với tình trạng thiếu oxy do khí CO2 bị tích lũy quá nhiều.
Một nhân viên cứu hộ cho biết, nhiều khu vực trên lối đi dẫn tới nơi đội bóng được tìm thấy vẫn bị ngập nước sâu, vì thế lặn là cách duy nhất để thoát ra ngoài. Hiện tại, lực lượng đặc nhiệm SEAL của Hải quân Thái Lan đã triển khai thêm 30 thành viên tham gia công việc cứu hộ.
Lần lượt từng người được đưa ra ngoài
Ông Narongsak Osatanakorn, tỉnh trưởng tỉnh Chiang Rai cho biết, ông đã yêu cầu các thành viên của lực lượng SEAL đánh giá rủi ro đối với mỗi phương án cứu đội bóng. Theo vị quan chức này, 13 thành viên trong đội sẽ không được cùng lúc đưa ra ngoài. “Nếu các điều kiện đều phù hợp và thành viên nào đó đã sẵn sàng, chúng tôi sẽ đưa họ ra ngoài. Tôi đã yêu cầu chuẩn bị 13 thiết bị lặn và đưa chúng vào trong hang”.
Các chuyên gia cho rằng, phương án an toàn nhất hiện nay là giúp các thành viên trong đội bóng trụ vững tại nơi họ tìm thấy và chờ nước lũ rút đi. Tuy nhiên, việc chờ đợi có thể mất nhiều tháng vì mùa mưa tại Thái Lan thường kéo dài đến tháng 10. Những thợ lặn giàu kinh nghiệm sẽ kèm cặp và giúp các nạn nhân đi qua vùng nước tối tăm, song nguy hiểm vẫn đầy rẫy.
Claus Rasmusen, một huấn luyện viên lặn cho biết: “Tôi muốn nói đến việc di chuyển hàng dài km dưới nước với tầm nhìn gần như bằng 0. Điều đó rất khó khăn. Không ai có thể dạy các thành viên trong đội bóng kỹ năng đầy đủ về việc lặn trong hang, nhưng tạo tâm lý thoải mái và một môi trường an toàn cho họ thì có thể”./.
Cứu đội bóng Thái Lan bị mắc kẹt: Chờ nước rút hay dạy kỹ năng lặn?