Hiệp ước START mới giúp thế giới an toàn hơn

Như vậy, thế giới có quyền hy vọng một thế giới không chạy đua vũ trang giữa hai cường quốc quân sự lớn nhất thế giới

Ngày 29/1, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã chính thức ký các văn bản của Hiệp ước START mới sau khi được Quốc hội thông qua.

Theo đó, Hiệp ước này sẽ chính thức có hiệu lực vào đầu tháng 2 tới, mở ra một hy vọng mới về một thế giới không chạy đua vũ trang và giảm thiểu các loại vũ khí mang đầu đạn hạt nhân giữa hai cường quốc quân sự lớn nhất thế giới.

Cuối cùng, Hiệp ước START mới đã chính thức được phê chuẩn cả ở hai bên Bờ đại dương, là bước đi cuối cùng để mở ra một chương mới trong lịch sử vũ khí hạt nhân, giúp phần còn lại của thế giới yên tâm hơn vì hai cường quốc về vũ khí hạt nhân đã có bước nhượng bộ đáng kể về việc cắt giảm kho vũ khí hạt nhân.

Trong bài phát biểu ngày 28/1 sau lễ ký, Tổng thống Dmitry Medvedev cho biết, Hiệp ước START mới sẽ chính thức có hiệu lực sau khi trao đổi các tài liệu đã phê chuẩn, việc này sẽ được tiến hành trong cuộc gặp sắp tới giữa ngoại trưởng hai nước.

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã chính thức ký các văn bản của Hiệp ước START mới (Ảnh: AP)

Hiệp định START mới được hai Tổng thống Nga và Mỹ ký tại Praha, thủ đô Cộng hòa Czech hồi tháng 4/2010, nhằm thay thế Hiệp định START cũ đã hết hạn vào tháng 12/2009.

Mục tiêu ghi trong Hiệp định là nhằm hạn chế số đầu đạn hạt nhân tối đa của mỗi nước xuống còn 1.550 trong vòng 7 năm tới đây. Tức là giảm khoảng 30% so với mức giới hạn của năm 2002.

Hai nước có thể tiến hành kiểm tra kho vũ khí hạt nhân của nhau, giảm thiểu các mối nghi ngờ giữa hai bên.

Ngoài ra Hiệp ước START mới còn giới hạn số phương tiện phóng đầu đạn hạt nhân. Cụ thể, mỗi nước chỉ được triển khai không quá 700 phương tiện phóng đầu đạn hạt nhân như tên lửa đạn đạo hoặc máy bay ném bom chiến lược.

Con số này giảm chỉ còn bằng gần một nửa so với 1.600 phương tiện được quy định trong Hiệp ước START cũ.

Theo các nhà phân tích, nếu cả hai bên tôn trọng Hiệp ước này thì trong vòng 10- 15 năm tới, nhiều loại vũ khí tấn công chiến lược của cả hai cường quốc này sẽ bị hủy bỏ.

Tuy nhiên, thế giới vẫn trông đợi hai quốc gia này xem xét cắt giảm cả kho vũ khí hạt nhân phi chiến lược. Thậm chí, ngay cả Nga cũng lo ngại về vấn đề này.

Bên cạnh đó, hai bên cũng sẽ phải tiếp tục thảo luận về một chủ đề quan trọng tại cuộc đàm phán tương lai là hệ thống phòng thủ tên lửa chung. Vấn đề này đã được thảo luận tại cuộc gặp ở Lisbon, Bồ Đào Nha hồi năm ngoái. Các bên đều nhận thức rõ mục đích chung và phải thể hiện ý chí chính trị để tìm cách giải quyết có nhân nhượng lẫn nhau./.

Các tin liên quan: Thượng viện Nga thông qua START mới
  • Thủ tướng Nga đánh giá cao START mới với Mỹ
  • Nga, Mỹ và Hiệp ước START mới
  • Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên