5 lần Mỹ sử dụng vũ lực quân sự phản tác dụng
VOV.VN - Siêu cường hàng đầu Mỹ đã vấp phải nhiều đắng cay khi can thiệp bằng vũ lực quân sự vào một số điểm nóng trên thế giới.
Mỹ tiếp tục làm siêu cường số 1 trên hành tinh hiện nay. Nền kinh tế trị giá 19.000 tỷ USD của nước này là niềm ghen tị của nhiều nước trên thế giới. Lực lượng vũ trang của Mỹ có mức độ nhà nghề đứng đầu thế giới. Không những vậy, Mỹ còn có hệ thống liên minh và đối tác mở rộng từ những nơi xa nhất của Tây bán cầu cho tới vùng vịnh Persian.
Lính Mỹ bắn súng cối. Ảnh: Flickr.
Tuy nhiên các siêu cường cũng có thể mắc các sai lầm chiến lược khiến danh tiếng của họ bị tổn hại. Mỹ không phải là trường hợp ngoại lệ.
Giới chức Washington có trong tay quân đội hiện đại nhất thế giới về mặt công nghệ. Thế nhưng lịch sử đương đại đã nhiều lần chỉ ra rằng việc triển khai quân đội Mỹ mà không có mục tiêu rõ ràng và khả thi dẫn dắt chiến lược thì giới chức Mỹ ắt sẽ rơi vào tình trạng phiêu lưu, lãng phí, “lợi bất cập hại”.
1. Chiến tranh Việt Nam (giai đoạn 1962-1975)
Không cuộc chiến nào trong lịch sử nước Mỹ lại có ảnh hưởng tiêu cực như cuộc xung đột quân sự dài tới hơn một thập kỷ mà Mỹ tham gia ở Việt Nam. Ban đầu Mỹ chỉ muốn thực thi nhiệm vụ cố vấn cho chính quyền “Việt Nam Cộng hòa” (do Mỹ dựng lên) vào đầu thập niên 1960. Rốt cuộc họ bị lôi cuốn vào một “bãi mìn khổng lồ” đã tiêu tốn hàng núi tiền của nước này và khiến hơn 58.000 lính Mỹ phải bỏ mạng.
Mục tiêu chính sách của Mỹ ở miền Nam Việt Nam khi ấy khá đơn giản: ngăn chặn làn sóng XHCN ở Đông Nam Á và giữ cho miền Nam Việt Nam ở trong vòng kiểm soát của Mỹ.
Tuy nhiên cuộc chiến trên bộ của Mỹ sau đó ở vùng đất này đã vấp phải một phong trào nổi dậy mãnh liệt cũng như thái độ quyết tâm của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sự hỗ trợ của phe XHCN quốc tế.
Ngay từ đầu Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson đã hoài nghi sâu sắc về khả năng giữ được miền Nam Việt Nam trong vòng kiểm soát của Mỹ. Ấy thế nhưng ông này vẫn nâng đáng kể số lượng quân Mỹ có mặt tại đây, lên tới mức hơn nửa triệu quân trong 4 năm tiếp theo. Chính sách leo thang rồi giảm leo thang của Tổng thống Mỹ Richard Nixon kế nhiệm chỉ càng làm cho xung đột này kéo dài một cách không cần thiết.
Thế rồi người Mỹ vẫn phải chấp nhận thất bại cay đắng vào tháng 4/1975, khi những cỗ xe tăng của quân giải phóng miền Nam Việt Nam lăn bánh vào dinh Độc lập và thống nhất hai miền Việt Nam.
Vài thập kỷ sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara thừa nhận rằng chính quyền Johnson đã sai: “Chúng tôi khi đó nhận định sai ý đồ địa chính trị của đối phương, và chúng tôi đã phóng đại mối đe dọa của họ đối với nước Mỹ”.
2. Lebanon (1982-1984)
Năm 1982, Lebanon không còn là một nước độc lập. Các lực lượng quân sự của Israel, Palestine và Syria đã tham gia vào một cuộc đấu quyền lực, ủng hộ các nhóm dân quân khác nhau khi đó đang chia tách mạng lưới xã hội của đất nước Lebanon.
Lo ngại một cuộc chiến Arab-Israel nữa sẽ xảy ra, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã ký một sắc lệnh an ninh quốc gia về việc quân đội Mỹ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình đa quốc gia tại đây, coi việc “củng cố năng lực của chính quyền Lebanon trong kiểm soát, quản trị và bảo vệ lãnh thổ của mình” là chính sách chính thức của Mỹ.
Tuy nhiên Lebanon lúc đó như một thùng thuốc súng chưa sẵn sàng cho giải pháp hòa bình. Các lực lượng trong khu vực vẫn cạnh tranh thế thượng phong. Lực lượng PLO (Tổ chức Giải phóng Palestine) chậm rút lui, quân đội Syria cũng từ chối rút đi. Bạo lực quân sự tiếp diễn. Thủy quân lục chiến Mỹ trở thành mục tiêu cho các phần tử đánh bom liều chết của tổ chức Hezbollah.
Rồi một ngày, một phi công Mỹ bị bắn rơi và bắt giữ. Điều này trở thành cái cớ để giới lập pháp Mỹ thêm quyết tâm kêu gọi rút quân Mỹ khỏi bãi lầy này. Đến mùa xuân 1984, Tổng thống Mỹ Reagan đã làm đúng như vậy.
3. Iraq (2003-2011)
Mặc dù ít đẫm máu đối với quân Mỹ so với cuộc phiêu lưu của Mỹ ở Việt Nam cách đây hơn 40 năm, việc Mỹ đánh chiếm Iraq vào năm 2003 sẽ mãi được nhắc tới như một thảm họa đối ngoại lớn nhất của Mỹ kể từ Chiến tranh Việt Nam.
Mục đích của cuộc xâm chiếm 2003 là để lật đổ chế độ của Tổng thống Iraq Saddam Hussein và thiết lập một chế độ thân Mỹ ở đây. Quyết định tiến hành chiến tranh của chính quyền Bush dựa nhiều vào định kiến hơn là sự phán xét hợp lý.
Ken Adelson, một quan chức kiểm soát vũ khí trong chính quyền Bush, dự báo đây sẽ chỉ là một cuộc dạo chơi cho các lực lượng Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó Donald Rumsfeld cam kết với người Mỹ rằng cuộc chiến tranh này sẽ kết thúc trong vài tháng. Còn Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Paul Wolfowitz chứng thực với Quốc hội Mỹ rằng hầu hết việc tái thiết hậu chiến tại Iraq sẽ được chi trả bằng lợi nhuận của Baghdad từ dầu mỏ.
Ám ảnh trận chiến của quân đội Mỹ nhằm lật đổ Tổng thống Iraq Hussein
Không có nhận định nào trong số này trở thành hiện thực. Cả quan chức dân sự và quân sự của Mỹ đều bị bất ngờ trước mức độ gia tăng chết người của các cuộc nổi dậy của người Hồi giáo dòng Sunni và Shiite ở Iraq. Tình trạng bè phái vượt lên trên chủ nghĩa dân tộc. Các chiến binh thánh chiến Sunni như được tiếp thêm luồng sinh khí mới khi tổ chức khủng bố al-Qaeda lợi dụng tình hình này để mở rộng hoạt động vào Iraq và gây ra tình trạng bạo lực ở thủ đô Baghdad. Và nội bộ chính quyền Iraq được thành lập sau sự ra đi của Saddam Hussein cũng có lắm vấn đề liên quan đến bệnh bè phái, nạn tham nhũng...
Theo Dự án Chi phí Chiến tranh của Đại học Brown, Mỹ đã chi 822 tỷ USD cho các hoạt động quốc phòng ở Afghanistan từ năm 2003.
4. Libya (2011)
Trước tình hình bạo loạn ở Libya trong cơn lốc Mùa xuân Arab, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào tháng 3/2011 đã nhanh chóng thông qua một nghị quyết cho phép bảo vệ thường dân bằng mọi phương tiện cần thiết, trong đó có cả vũ lực.
Thế nhưng chỉ trong vòng vài tuần lễ, liên minh quân sự do NATO chỉ huy chống lại nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi đã biến chuyển từ chỗ bảo vệ dân thường sang mục tiêu thay đổi chế độ. Trong vài tháng, ông Gaddafi đã bị lật đổ. Tháng 10/2011, nhà lãnh đạo này đã bị các lực lượng nổi dậy hành quyết.
Sau đó Libya lại rơi vào tình trạng hỗn loạn. Chính phủ Libya được Liên Hợp Quốc công nhận chỉ nắm chút ít quyền lực ở Tripoli. Dự trữ dầu của nước này là mục tiêu của các cuộc chiến giữa các phe phái vũ trang. Và Mỹ đã không đạt được lợi ích an ninh nào sau khi can thiệp vào đây.
5. Afghanistan (2001 đến nay)
Loạt tấn công khủng bố 11/9 ở New York, Washington và Pennsylvania (Mỹ) đã phủ lên toàn nước Mỹ nỗi buồn đau và sự tức giận lớn lao. Người dân Mỹ muốn trả thù và chính quyền Tổng thống Bush đã nhanh chóng đáp ứng điều đó.
Vào tháng 12/2001, chế độ Taliban chứa chấp tổ chức al-Qaeda đã bị đánh tan tác. Nhiều viên phó của trùm khủng bố Osama bin Laden đã bị tiêu diệt hoặc bắt giữ.
Nhưng sau khi nhiệm vụ này đã hoàn thành, người Mỹ không đóng gói hành lý và hồi hương. Thay vào đó, họ tiếp tục cuộc thử nghiệm khoa học xã hội. Mục tiêu không còn tập trung vào truy quét tàn dư của al-Qaeda mà là vào xây dựng một hệ thống chính quyền tập trung theo mô hình phương Tây từ dưới lên. Binh sĩ Mỹ giờ đóng vài trò của người giám hộ cho một trật tự chính trị mới hoàn toàn.
Hơn 17 năm sau, Afghanistan vẫn còn rất nhiều rắc rối về mặt an ninh. Mỹ vẫn phải duy trì 14.000 lính Mỹ tại đây. Chính quyền Afghanistan hầu như phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài. Quân đội nước này cũng gặp phải nhiều vấn đề như lãnh đạo yếu kém, chiến thuật kém, tham nhũng, thiếu vũ khí. Gần 30.000 binh sĩ Afghanistan đã bị phiến quân giết chết kể từ năm 2015 – tỷ lệ tử vong cao khiến nhiều người Afghanistan chỉ trông ngóng xuất ngũ khi hết thời hạn phục vụ. Nhiều người không thể chờ được và đã đào ngũ./.