Ấn tượng Lý Quang Diệu trong lời điếu của các quan chức Singapore
VOV.VN- Đám tang của ông Lý Quang Diệu có sự tham dự của 2.200 người, trong đó có nhiều quan chức Singapore và các quan chức từ 20 nước trên thế giới.
Straits Times đã trích dẫn một số bài diễn văn rất cảm động tại lễ tang ông Lý Quang Diệu, trong đó đáng chú ý nhất là của hai người con trai ông, Thủ tướng Lý Hiển Long và Lý Hiển Dương cũng như các quan chức và cựu quan chức hàng đầu Singapore như Tổng thống Tony Tan và Bộ trưởng cao cấp Goh Chok Tong.
Điếu văn của Thủ tướng Lý Hiển Long
“Từ đống tro tàn của sự chia rẽ, ông đã dựng xây nên một quốc gia. Điều dễ nhất mà ông có thể làm là thu hút cử tri Trung Quốc. Tuy nhiên, ông lại theo đuổi một hoài bão cao quý hơn là xây dựng một quốc gia đa chủng tộc và đa tôn giáo”.
“Ông Lý Quang Diệu đã hình thành nên Singapore từ cá tính của mình. Ông đã xây dựng Singapore trở thành một quốc gia sạch đẹp và không có tham nhũng. Ông sống rất thanh đạm, những thói quen của ông rất giản dị và ông đã truyền những giá trị này đến Chính phủ của mình”.
“Tôi nhớ có đêm chúng tôi ngủ trên sàn trong phòng ngủ của bố mẹ tôi tại Temasek ở Kuala Lumpur (Malaysia) bởi lúc đó nhà chúng tôi là nơi các bộ trưởng Singapore đến nhóm họp”.
Tổng thống Tony Tan
“Tôi nhớ một lần ông Lý Quang Diệu đòi đến thăm lại phòng làm việc của ông vào năm 2013 (lúc đó là văn phòng của ông Tony Tan), dù lúc đó ông rất yếu. Vì lo ngại đến tình hình sức khỏe của ông, tôi dự định đến thăm ông nhưng ông lại yêu cầu đến văn phòng của tôi. Tôi biết ông đã phải rất cố gắng nhưng ông làm vậy để thể hiện sự tôn trọng với Văn phòng Tổng thống”.
“Ông Lý Quang Diệu luôn coi sự hòa hợp là nền tảng của dân tộc Singapore. Ông Lý Quang Diệu đã xây dựng nên một quốc gia mà người dân chia sẻ những giá trị chung vượt qua mọi khác biệt về chủng tộc và tôn giáo. Khi Singapore giành được độc lập, chúng tôi là một xã hội chia rẽ. Nhưng một tuần trước, người dân Singapore từ khắp cả nước đã đến viếng ông Lý Quang Diệu. Hàng dài người đã xếp hàng một cách kiên nhẫn hàng giờ liền để nói lời vĩnh biệt ông tại Nhà Quốc hội Singapore (nơi quàn thi hài ông Lý Quang Diệu). Rất nhiều cá nhân và doanh nghiệp Singapore đã hỗ trợ ăn uống và nghỉ ngơi cho những người đồng bào của mình tham gia lễ viếng. Điều này rõ ràng sẽ làm ông Lý Quang Diệu tự hào bởi đây là những gì mà ông đã theo đuổi suốt cuộc đời mình- xây dựng một dân tộc thống nhất, luôn tôn trọng và yêu thương đồng bào của mình.
“Hơn một tuần qua, chúng tôi đã than khóc về sự ra đi của một người đàn ông và kỷ nguyên của ông. Sẽ không bao giờ có một Lý Quang Diệu thứ hai. Không ai có thể thay thế ông hoặc làm được những gì ông đã làm”.
Bộ trưởng Cao cấp Goh Chok Tong
“Với người Singapore, ông Lý Quang Diệu là Thủ tướng đầu tiên, nhà lãnh đạo luôn đấu tranh cho nền độc lập dân tộc là người đã biến Singapore từ một quốc gia ở Thế giới thứ 3 thành một quốc gia hàng đầu. Ông là người cha lập quốc của Singapore. Đối với tôi, ông luôn là một người thầy”.
“Ông Lý Quang Diệu luôn quan tâm đến sự sống còn của Singapore sau khi ông qua đời. Ông luôn muốn được người ta đánh giá về điều này chứ không phải về một Singapore mà ông dày công xây dựng hay điều kiện sống của nhân dân đã được ông cải thiện như thế nào”.
“Ông Lý Quang Diệu đã thay đổi cuộc sống của chúng ta. Điều này chạm đến tâm can của từng người dân Singapore. Chúng ta tiếc thương ông nhưng tôi tin rằng, ông sẽ nói: “Sao phải làm thế, cuộc sống là vậy mà”.
Cựu Chánh Văn phòng Thủ tướng Ong Pang Boon
“Ông Lý Quang Diệu là một chính trị gia lỗi lạc và có khả năng nhìn xa, trông rộng. Ông có thể tận dụng tối đa mọi cơ hội để thúc đẩy sự nghiệp chính trị của mình và phục vụ lợi ích của Đảng Hành động Nhân dân (PAP)”.
“Ông ấy là một Thủ tướng tận tâm với một nhãn quan đặt biệt. Trong các cuộc họp Nội các, luôn có những quan điểm trái chiều nhau trong một số vấn đề, tuy nhiên, sau các cuộc thảo luận sôi nổi, ông Lý Quang Diệu cũng dễ dàng chấp nhận những quan điểm trái chiều”.
“Ông luôn dành từng giây, từng phút để nghĩ cách cải thiện đất nước Singapore và điều kiện sống cho người dân. Khi nào ông cho rằng, một chính sách có lợi cho người dân, ông sẽ thực hiện ngay chính sách đó dù nó có làm tổn hại đến danh tiếng của ông”.
Cựu Bộ trưởng S. Dhanabalan
“Việc nhiều người đồn đoán rằng, ông Lý Quang Diệu luôn áp đặt ý kiến của mình lên các đảng đối lập là điều không đúng. Ông luôn tranh đấu để những ý tưởng của mình được Nội các công nhận và điều này không phải là bởi khi đó ông đang làm Thủ tướng mà bởi sức nặng trong từng lời phản biện của ông”.
“Một điều vẫn luôn luôn khắc sâu trong tâm khảm của tôi là việc ông Lý Quang Diệu dành rất nhiều thời gian và tâm sức để chuẩn bị cho chúng tôi có khả năng đương đầu với những khó khăn phía trước”.
Cựu Quốc Vụ khanh Cao cấp Sidek Saniff
“Ông Lý Quang Diệu là một nhà lãnh đạo cứng rắn nhưng ông luôn đưa ra lời khuyên hữu ích cho cấp dưới của mình. Ông luôn nói rằng, đừng vòng vo, hãy cởi mở, tập trung và kiên định với mục tiêu của mình nhưng phải luôn giữ được sự lịch thiệp. Ông luôn khuyên mọi người cần tập trung vào giáo dục vì điều này có thể giúp thế hệ sau của chúng ta trở thành một thế hệ đáng tin cậy của đất nước”.
“Vào năm 1979, khi tôi tháp tùng ông Hon Sui Sen, Bộ trưởng Tài Chính lúc đó đến Trung Quốc, ông Lý Quang Diệu hỏi tôi xem liệu tôi có chống chịu nổi cái lạnh ở đó không. Ông hỏi: “Cậu có áo khoác không?” và tôi nói rằng nếu cần tôi sẽ mua. Ông đáp lại: “Đừng làm vậy, đừng phí tiền thế, cậu Ahamd Mattar có một chiếc áo khoác rất tốt, hãy mượn cậu ấy”. Sau đó ông lại hỏi, thế cậu có giầy chưa?”. Tôi trả lời, tôi chưa có và sẽ đi mua. Ông ấy lại nói: “Đừng phí tiền thế, mượn cậu Goh Chok Tong ấy”. Sau đó tôi đã đến Trung Quốc với chiếc áo khoác và đôi giầy đi mượn”.
“Ông Lý Quang Diệu là một người rất giản dị và luôn đi thẳng vào vấn đề. Những gì tôi nói ở trên minh chứng rõ cho điều này. Ông ấy quan tâm đến chúng tôi như cha với con và luôn để ý đến những chi tiết nhỏ nhất”.
“Ông Lý Quang Diệu là một nhà chính khách, người chỉ xuất hiện một lần trong nhiều thập kỷ và để lại dấu ấn sâu đậm đến nhân dân trong nước và trên toàn thế giới”.
Lãnh đạo Liên đoàn G. Muthukumarasamy
“Ông Lý Quang Diệu đã mở đường để cộng đồng người Ấn ở Singapore phát triển. Ông ấy đã yêu cầu phụ nữ Ấn Độ tham gia làm việc và cam kết sẽ bảo đảm an toàn cho những phụ nữ Ấn Độ đi làm về muộn”.
“Ông Lý Quang Diệu luôn kêu gọi những người lao động có thu nhập thấp phải học hành. Ông cho rằng, có rất nhiều khóa học có ích cho họ để cải thiện bản thân và các kỹ năng nghề nghiệp của mình”.
Lãnh đạo Cộng đồng Tanjong Pagar Leong Chun Loong
“Trong các dịp đón chào Năm mới, chúng tôi thường đốt pháo rồi sau đó hát Quốc ca. Trong một dịp như vậy, quả pháo mà chúng tôi đốt không nổ và chúng tôi cảm thấy mất kiến nhẫn và người dẫn chương trình quyết định chuyển sang đoạn hát Quốc ca. Tuy nhiên, khi bản Quốc ca vừa vang lên, quả pháo mà chúng tôi đã đốt đột nhiên nổ. Chúng tôi nghĩ rằng điều này khá hài hước, nhưng ông Lý Quang Diệu lại không cho là như vậy: “Nếu chúng ta không thể làm việc này tốt thì chúng ta sẽ điều hành đất nước như thế nào”.
“Trong một buổi gặp mặt Cộng đồng Tanjong Pagar, chúng tôi đã dựng một sân khấu cho buổi lễ này. Các quan chức được ngồi trên sân khấu trong khi người dân ngồi bên dưới. Lúc đó trời rất nóng và ông Lý Quang Diệu nhận thấy người dân phải ngồi dưới nắng trong khi chúng tôi, các quan chức, lại ngồi trong bóng râm. Ông đã hỏi xem chúng tôi sẽ thay đổi điều này như thế nào bởi ông luôn quan tâm đến người dân và mong chúng tôi đặt lợi ích của họ lên hàng đầu”.
“Trong các bữa tiệc, ông Lý Quang Diệu luôn ngồi gần lãnh đạo địa phương để có thể trao đổi với họ. Khi được nghe bạn bè của mình điều hành địa phương tốt, mặt ông sẽ ánh lên sự tự hào”.
Con trai thứ hai của ông Lý Quang Diệu, ông Lý Hiển Dương
“Nếu được sống khác, ông Lý Quang Diệu sẽ là một doanh nhân rất thành đạt. Tuy nhiên, ông ấy chọn cách cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp phục vụ nhân dân Singapore và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho họ. Ông ấy luôn mong cho 3 đứa con của mình có tuổi thơ bình thường chứ không muốn chúng tôi nhận được bất kỳ một ưu đãi nào”.
“Việc con cháu đến thăm ông bà luôn là niềm vui, hạnh phúc cho bố mẹ tôi. Mẹ tôi là một người khá cổ điển nên bà rất vui khi vợ tôi sinh con trai. Trong khi đó, với bố tôi, tôi luôn cho rằng, ông sẽ vẫn vui như vậy dù ông có 3 đứa cháu gái đi chăng nữa. Khi các cháu còn nhỏ, ông thường cho chúng đi chơi cùng mình vào buổi tối khi ông đi dạo. Vào dịp cuối tuần, ông sẽ dẫn chúng đi thăm vườn thú, các trung tâm khoa học và nhiều nơi khác nữa”.
“Khi ông hơn 70 tuổi, ông ít dành thời gian cho các công việc xã hội và vì thế ông và bà cho đó là cơ hội tuyệt vời để có thể dành nhiều thời gian hơn với các cháu”./.