Các phiến quân truy đuổi Trung Quốc ra khỏi Pakistan là ai?
VOV.VN - Các phiến quân tộc người Baloch đang tăng cường tấn công mục tiêu là các lợi ích Trung Quốc và công dân Trung Quốc làm việc cho dự án Vành đai và Con đường ở Pakistan.
Hồi cuối tháng 12/2020 đã xảy ra vụ sát hại 7 binh sĩ bán vũ trang ở tỉnh Balochistan, tây nam Pakistan. Đây là vụ tấn công mới nhất mà trong đó các phiến quân nhắm vào các dự án và công dân Trung Quốc liên quan đến dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) trị giá nhiều tỷ USD.
Mặc dù chưa có nhóm phiến quân nào nhận trách nhiệm ngay về vụ tấn công vào chốt kiểm soát của lính biên phòng ở khu vực Harnai, giới chức không loại trừ sự dính líu của các nhóm tiểu tộc Baloch (BSNG) đang chiến đấu chống lại quân đội Pakistan và giờ đây chống lại cả các lợi ích Trung Quốc ở tỉnh giàu khoáng sản này của Pakistan.
Các vụ tàn sát này cho thấy nguy cơ ngày càng gia tăng đối với các khoản đầu tư hàng tỷ đô la của Trung Quốc ở cảng Gwadar và khu thương mại tự do gắn với nó, cả hai đều thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.
Phiến quân thay đổi phương thức, gia tăng tấn công các lợi ích của Trung Quốc
Balochistan là tỉnh lớn nhất Pakistan xét về diện tích và người tộc Baloch ở đây ước tính chiếm tới 9% tổng dân số Pakistan.
Cuộc nổi dậy của dân Baloch ở tỉnh này đã tồn tại trong nhiều thập kỷ. Trong các năm gần đây, cuộc nổi dậy có phần dịu đi. Nhưng các nỗ lực trấn áp của giới chức Pakistan nhằm bảo vệ lợi ích thương mại của Trung Quốc tại đây có vẻ như “đổ thêm dầu vào lửa”, khiến bạo lực ở đây gia tăng và niềm tin của Trung Quốc vào CPEC bị lung lay.
Tariq Pervez - một cựu cảnh sát viên và điều phối viên của Cơ quan Chống khủng bố Quốc gia (NACTA) cho biết, các biện pháp bạo lực mạnh tay của chính quyền đã khiến các vụ tấn công của phiến quân giảm tới 74% trong 5 năm qua.
Tuy nhiên hiện nay các nhóm phiến quân Baloch đã tập hợp lại và thích nghi với tình hình, thay đổi phương thức tấn công, chủ động nhắm tới các công dân và lợi ích của Trung Quốc.
Trước đây, các nhóm BSNG dựa chủ yếu vào các thiết bị nổ tự chế để tấn công cơ sở hạ tầng bao gồm các đoạn đường ray và chiến thuật du kích nhằm gieo rắc nỗi khiếp đảm lên giới chức an ninh. Thời trước, các phiến quân Baloch không bao giờ sử dụng lối tấn công tự sát – chiến thuật hay được các phiến quân cực đoan tôn giáo áp dụng. Nhưng nay tình hình đã thay đổi khi các phiến quân này không chỉ gia tăng đánh bom tự sát mà còn mở các cuộc tấn công tinh vi hơn liên quan đến việc bắt cóc con tin.
Thay đổi này được thể hiện qua các cuộc tấn công nhằm vào lãnh sự quán Trung Quốc ở Karachi vào năm 2018, khách sạn Pearl Continental Hotel Gwadar 2019 do Trung Quốc xây và có các công dân Trung Quốc hay đến lưu trú, và vụ tấn công vào sàn chứng khoán Karachi do người Trung Quốc quản lý vào năm 2020.
Cách tiếp cận mới của phiến quân Baloch là gia tăng tấn công vào các lợi ích tài chính, thương mại, và công vụ của Trung Quốc.
Quân đội Pakistan gần đây đã gia tăng các hoạt động tấn công lực lượng ly khai Baloch có nơi ẩn náu ở tận tỉnh Kandahar của Afghanistan, tiêu diệt một số phiến quân này ngay trên đất Afghanistan. Còn các thủ lĩnh Baloch đã ra các thông cáo báo chí lên án loạt sát hại mới nhất của quân đội Pakistan, họ hối thúc cộng đồng quốc tế lưu ý về cái mà họ gọi là vụ “thảm sát Baloch”.
Tinh thần chống Trung Quốc hằn sâu trong tư tưởng phiến quân
Tâm lý bài Trung Quốc bắt đầu xâm nhập vào hệ tư tưởng của phiến quân Baloch kể từ năm 2018, khi các nhóm ly khai Baloch sáp nhập với nhau thành Phong trào Tự do Dân tộc Baloch (viết tắt là BRAS).
Liên minh mới này đã giành được sự ủng hộ của các tổ chức phiến quân đóng ở tỉnh Sindh, tạo thêm sức mạnh cho các cuộc tấn công chính phủ và tấn công Trung Quốc.
Về mặt ý thức hệ, BRAS ủng hộ một vùng Balochistan rộng lớn ly khai và độc lập bao gồm cả tỉnh Balochistan của Pakistan và các vùng tộc người Baloch ở Iran và Afghanistan. BRAS đang ngày càng chống đối vai trò của các thế lực bên ngoài bao gồm cả Trung Quốc. Các nhóm Baloch xem Trung Quốc như thế lực can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Balochistan.
Các nhóm người Baloch tin rằng dự án CPEC do chính quyền Islamabad lãnh đạo và quân đội Pakistan quản lý cuối cùng đều nhằm bòn rút tài nguyên của Balochistan, bao gồm cả các mỏ quặng, mà không mang lại lợi ích cho người dân Baloch địa phương, vốn nằm trong các cộng đồng nghèo nhất ở Pakistan.
Kể cả các lực lượng dân tộc Baloch nghiêng về phương án một Balochistan tự trị bên trong Pakistan cũng phản đối sự tham gia và đầu tư của Trung Quốc tại tỉnh này. Tình cảm chống Trung Quốc của họ bắt nguồn từ nỗi sợ như sau: Các khoản đầu tư liên quan đến CPEC cuối cùng sẽ làm thay đổi nhân khẩu của tỉnh Balochistan, biến dân số Baloch thành bộ phận thiểu số ở chính quê hương của họ.
Các báo cáo cho thấy nhiều người Baloch sống gần Gwadar đã bán đất đai của mình với giá như vứt đi cho người ngoài, bao gồm cả người Trung Quốc và các nhóm tộc người khác của Pakistan – những người này đang cày sâu vào các khu vực thương mại tự do của hải cảng được Trung Quốc hậu thuẫn nhằm chớp lấy các cơ hội đầu tư đang nổi lên.
Một nghiên cứu của Harrison Akins tại Trung tâm Chính sách Công của Đại học Tennessee (Mỹ) cho thấy khoảng 71.000 công dân Trung Quốc đến Pakistan trong năm 2016. Dựa trên các thỏa thuận CPEC, nghiên cứu này dự báo rằng khoảng một triệu người sẽ định cư ở Balochistan trong vài năm tới.
Trích dẫn một nghiên cứu của Hiệp hội Các Phòng Thương mại và Công nghiệp Pakistan, báo cáo nói trên dự báo công dân Trung Quốc sẽ vượt xa số cư dân Baloch bản địa vào năm 2048 với đà nhập cư hiện nay.
Trung Quốc lạnh nhạt với dự án, có thể phải đưa quân tới Pakistan
Vẫn báo cáo này cho biết: “Bất chấp hàng tỷ USD đầu tư, 71% tổng dân số Balochistan vẫn sống ở mức độ nghèo đa chiều, so với chỉ 31% ở Punjab và 43% ở Sindh”.
Trong bối cảnh đó, dù quân đội Pakistan đã tổ chức lực lượng an ninh đông tới 15.000 người để bảo vệ 24/7 cho các cơ sở và công nhân Trung Quốc, phía Trung Quốc vẫn ngày càng lo ngại về mối đe dọa đối với họ ở tỉnh Balochistan.
Khi tình hình an ninh xấu đi, có các đồn đoán cho rằng Bắc Kinh sẽ lạnh nhạt với dự án CPEC. Trước đây Trung Quốc cam kết tới 60 tỷ USD cho xây dựng cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ CPEC, nhưng cho đến nay chưa đến một nửa số tiền này được rót vào dự án. Bắc Kinh có nhiều dấu hiệu rút khỏi các cam kết đối với một dự án nâng cấp đường sắt có tên là ML-1.
Mặt khác, nếu tình hình xấu hơn nữa, Trung Quốc có thể đưa Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tới đồn trú ở Pakistan để bảo vệ các lợi ích và cơ sở của họ tại đây, mặc dù động thái nếu được thực thi sẽ rất gây tranh cãi. Luật pháp sở tại không cho phép quân đội nước ngoài được triển khai trên đất Pakistan, nhưng nhà nước Pakistan có thể yêu cầu các nước bên ngoài gửi lực lượng “gìn giữ hòa bình” tới đây vì mục đích an ninh.
Trong bối cảnh đó, một số người ở Pakistan nhận xét rằng lực lượng “gìn giữ hòa bình” Trung Quốc đã đóng quân ở Nam Sudan, nơi Bắc Kinh tham gia vào hoạt động liên quan đến các mỏ dầu và khu vực vận tải.
Bắc Kinh gần đây cũng bóng gió về khả năng triển khai quân chống lại tổ chức Hồi giáo cực đoan IS ở Iraq, nơi Bắc Kinh đã đầu tư hàng tỷ USD vào ngành dầu mỏ của quốc gia Tây Á hoang tàn vì chiến tranh này./.