Cuộc đấu súng định mệnh của Đại thi hào Nga Pushkin
VOV.VN - Để bảo toàn danh dự của mình, “Mặt trời thi ca Nga” Pushkin quyết định đấu súng với kẻ được cho là đã quan hệ vụng trộm với vợ của ông. Viên đạn định mệnh đã phá nát xương đùi của đại thi hào, khiến ông qua đời một thời gian ngắn sau đó.
Nhà thơ Pushkin đã đấu súng hơn 20 lần. Nhưng lần này (xảy ra vào ngày 8/2/1837), ông đã bị thương nặng và tử vong sau đó. Cái chết của Pushkin trở thành một bi kịch của nước Nga khi ấy.

Đấu súng bên bờ sông chiều đông
Khi đó trời tối dần. Bốn người đã đến bên tả ngạn sông Chyornaya ở thành phố Saint Petersburg, lúc hơn 4 giờ chiều. Tại đó có Alexander Pushkin, người tấn công ông (một nam thanh niên người Pháp tên là Georges d'Anthès) và hai người giúp việc. Thời đó, nơi này chỉ là một khu vực xa xôi của ngoại ô Saint Petersburg, với tuyết rơi dày đến đầu gối và những nhà gianh trống rỗng.
Trong những cuộc đọ súng trước đó, tay súng Pushkin luôn trong trạng thái hưng phấn, vui vẻ hoạt bát như chính nhân vật chính của ông trong truyện “Phát bắn”. Nhưng lần này lại khác. Ông ấy bị trầm cảm do danh dự của ông và danh dự của vợ ông đã bị xúc phạm.
Toàn bộ giới quý tộc thành Saint Petersburg bàn tán xôn xao về nhà thơ Pushkin bị “cắm sừng” và việc vợ ông là Natalia Goncharova quan hệ vụng trộm với d'Anthès. Nhà thơ thậm chí còn nhận được những bức thư nặc danh chế giễu ông. Do vậy, Pushkin cảm thấy không còn chịu đựng thêm được nữa và quyết định thách đấu súng với nam thanh niên người Pháp d'Anthès, người sau đó đã kết hôn với chị gái của vợ Pushkin.
Hoàng đế Nga Nicholas I đã triệu tập Pushkin đến để trao đổi. Sau đó, nhà thơ thu hồi lời thách đấu.
Tuy nhiên, những lời đùa ác ý không dừng lại. Pushkin, nổi tiếng với tính cách nóng như lửa, đã gửi một bức thư đầy phẫn nộ cho Baron Heeckeren - cha nuôi của d'Anthès. Heeckeren là một đặc phái viên đầy quyền lực của Hà Lan tại Saint Petersburg. Sau khi nghe tin về việc này, d'Anthès đã không thể chịu đựng thêm được nữa và buộc phải đề nghị Pushkin tham gia đọ súng.
Pushkin phải đồng ý với những điều khoản rất khắc nghiệt. Họ sẽ phải đọ súng ở cự ly tối đa là 20 bước chân và tối thiểu là 10 bước. Với khoảng cách ngắn như vậy, nguy cơ cao là 2 tay súng cùng tử vong.
Pushkin và d'Anthès cùng cởi bỏ áo khoác vứt lên tuyết. Theo lệnh hướng dẫn đấu súng, hai đối thủ bắt đầu tiến về phía nhau, thu hẹp khoảng cách (đến ngưỡng tối thiểu là 10 bước).
Bạn bè và những người giúp việc của Pushkin nuôi hy vọng đến phút cuối sẽ có cơ hội hòa giải hai đối thủ.
Lúc đó một nhân chứng tình cờ đi qua đây cũng có thể giúp hủy cuộc đấu súng chết người này. Vào thời điểm đó, những cuộc đọ súng hay đọ kiếm để bảo toàn danh dự như thế này đã bị cấm. Hoàng đế Nga khi ấy trừng phạt nặng nề những ai tham dự những sự kiện như vậy.
Nhưng đã không có điều bất ngờ nào xảy ra cả. D'Anthès nổ súng trước, khi bước tới sát ngưỡng tối thiểu. Viên đạn găm vào bụng Pushkin và nhà thơ gục xuống. Khẩu súng rơi khỏi tay ông và nằm trên tuyết trắng.

Bị trọng thương, vẫn quyết bắn đối thủ
Người giúp việc đổ xô đến chỗ Pushkin nhưng ông dứt khoát xua họ đi. Pushkin không chịu đầu hàng. Ông tuyên bố: “Tôi vẫn bắn được”. Họ bèn trao cho ông một khẩu súng ngắn khác. Theo quy tắc đấu súng, điều này bị cấm. Tuy phát hiện ra điều ấy, d'Anthès không hề phản đối.
Pushkin dốc toàn lực còn lại để bắn. Viên đạn găm trúng vào vùng ngực của d'Anthès nhưng anh này có vẻ không hề hấn gì. Người ta về sau đồn rằng anh ta đeo giáp lưới che chắn vùng ngực nhưng điều này rất khó xảy ra vì nếu bị phát hiện, đây sẽ là điều sỉ nhục đối với bất cứ một quý tộc nào. Trên thực tế, chính một chiếc khuy sắt trên bộ đồng phục của d'Anthès đã cứu mạng cho anh ta.
Pushkin được đưa về nhà vào lúc 7 giờ rưỡi tối trên xe ngựa của Heeckeren. Người ta phát hiện ra rằng nhà thơ đã bị nát một xương đùi và mất nhiều máu.
Đại thi hào Pushkin được đặt lên ghế tràng kỷ. Ông thoi thóp tại đó trong khoảng 2 ngày trước khi thực sự lìa đời. Suốt thời gian đó, phu nhân của Pushkin khóc nức nở khôn nguôi. Tin đồn lan truyền khắp thành Saint Petersburg.
Đại thi hào trút hơi thở cuối cùng vào lúc 2 giờ 45 phút chiều 10/2. Trước khi qua đời, biết mình khó qua khỏi, Pushkin gửi cho d'Anthès một bức thư tha thứ.
Sa hoàng Nicholas I đã tha thứ cho Pushkin và chăm sóc toàn bộ gia đình của nhà thơ. Nhà vua chi trả mọi khoản nợ và dành khoản tiền trợ cấp cho bà quả phụ và con gái của họ trước khi kết hôn. Tuy nhiên, Sa hoàng quyết định không tổ chức lễ tang long trọng cho Pushkin do hoàn cảnh tử vong của ông.
Ngoài ra, Nicholas I e ngại nếu tổ chức trọng thể tang lễ, có thể sẽ xảy ra bạo động trong dân chúng trong quá trình đám tang di chuyển do người dân chỉ trích trách nhiệm của giới chức trong cái chết của đại thi hào.
Do vậy, lễ mai táng nhà thơ Pushkin được tổ chức bí mật gần dinh thự của Pushkin tại tỉnh Pskov.
>> Xem thêm: Đại thi hào Pushkin đã phải cách ly phòng dịch tả ở Nga như thế nào?