Cuộc tìm kiếm công lý chưa có hồi kết của gia đình các nạn nhân vụ khủng bố 11/9/2001
VOV.VN - 20 năm sau vụ khủng bố 11/9/2001, gia đình các nạn nhân và cả những người anh hùng vẫn luôn cảm thấy dằn vặt với câu hỏi cơ bản nhất nhưng chưa được giải đáp: Làm sao thảm kịch đó có thể xảy ra và ai là người phải chịu trách nhiệm?
“Làm thế nào 19 người có thể thực hiện cuộc tấn công khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại?”, Brett Eagleson đặt câu hỏi.
Cha của Eagleson, ông Bruce đã thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố khi đang làm việc bên dưới Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York thời điểm đó.
Vấn đề trách nhiệm không phải là câu hỏi duy nhất còn đang bỏ ngỏ. Đối với hàng trăm gia đình, bao gồm cả Eagleson, thi thể nhưng người thân yêu không bao giờ tìm lại được. Điều này càng làm khoét sâu hơn nỗi đau thương vốn đã rất lớn của họ.
Andy Card, Chánh văn phòng của Tổng thống George W. Bush, cho biết các cuộc tấn công dường như vượt mọi tưởng tượng.
“Không ai nghĩ rằng một chiếc máy bay thương mại bị cướp và sau đó được sử dụng như một vũ khí hủy diệt hàng loạt với một phi công sẵn sàng liều chết của mình để cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người khác”, ông Card nói.
20 năm vết thương không thể chữa lành
Âm mưu có phần đơn giản và nhưng vô cùng tàn độc: Vào sáng ngày 9/11/2001, những kẻ không tặc đã lên 4 chuyến bay riêng rẽ đến California, nhắm mục tiêu chiến lược vào các máy bay xuyên lục địa vì những chuyến bay như vậy thường chở theo rất nhiều nhiên liệu. Những kẻ khủng bố đặt vé khoang hạng nhất do gần buồng lái.
Trong vòng 2 giờ, những chiếc máy bay đã tấn công cả tòa tháp Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York và Lầu Năm Góc ở Washington D.C. Chiếc máy bay thứ 4 và cuối cùng đã lao xuống một cánh đồng ở Pennsylvania sau khi hành khách cố gắng chiếm lại máy bay từ không tặc. Người ta tin rằng không tặc đã tìm cách điều khiển chiếc máy bay này để lao vào Nhà Trắng hoặc Điện Capitol.
Tại Nhà Trắng, có sự lộn xộn và hỗn loạn. Hầu hết các nhân viên được sơ tán trong khi các quan chức an ninh quốc gia chủ chốt vẫn tìm mọi cách đánh giá những gì đang xảy ra và liệu có thể làm gì để ngăn chặn.
Roger Cressey, thành viên cấp cao của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết: “Vào thời điểm đó, chúng tôi nghĩ rằng có thể có tới 11 máy bay bị cướp”.
Ở thành phố New York là khung cảnh kinh hoàng và tuyệt vọng. Những đám đông tìm cách chạy khỏi tòa tháp khổng lồ của Trung tâm Thương mại Thế giới. Những người ở các tầng trên cao nhảy khỏi tòa nhà một cách tuyệt vọng để thoát khỏi lửa và khói.
Theo dõi các sự kiện được chiếu trên truyền hình, người Mỹ ban đầu hy vọng rằng những gì xảy ra ở Tòa tháp đôi chỉ là một tai nạn đáng tiếc - có lẽ là do phi công gặp phải tình huống y tế khẩn cấp nào đó. Tuy nhiên, ngay sau đó, thực tế đã trở nên rõ ràng.
“Đó là một cuộc tấn công. Bạn không cần phải là một chuyên gia chống khủng bố để biết rằng cái ác đang xuất hiện”, Tom Ridge, Thống đốc bang Pennsylvania, cho biết vào ngày 11/9.
Những anh hùng của buổi sáng hôm đó là những người phản ứng đầu tiên. 441 nhân viên cứu hộ khẩn cấp đã thiệt mạng khi tòa tháp đôi sụp đổ, trong đó có Moira Smith, người phụ nữ duy nhất trong số 23 sĩ quan Cơ quan cảnh sát New York (NYPD) thiệt mạng ngày hôm đó.
“Nhiều người nói với gia đình tôi rằng, họ có thể thoát nạn ngày hôm đó là nhờ mẹ tôi”, Patricia Smith, con gái của Moira cho biết.
Patricia chỉ mới 2 tuổi vào ngày 11/9/2001. Cô không có ký ức về mẹ mình, nhưng có thể tạo ra một bức tranh chi tiết từ những hồi ức của các thành viên khác trong gia đình.
Chính Moira Smith là một trong những người đâu tiên gọi điện thông báo về sự cố tại Trung tâm Thương mại Thế giới. Các nhân chứng cho biết nữ cảnh sát đã hướng dẫn hàng trăm người đến nơi an toàn khi các tòa tháp bị cháy. Huy hiệu và thi thể của Moira Smith được tìm thấy từ đống đổ nát của Ground Zero 6 tháng sau cuộc tấn công.
Nhưng rất nhiều gia đình không tìm được thi thể của người thân sau vụ khủng bố kinh hoàng. Tính đến năm 2019, hơn 1.100 gia đình có người thân vẫn được liệt kê là mất tích vì không thể tìm hoặc xác định được hài cốt, trong đó có người thân của gia đình Bruce Eagleson.
Brett Eagleson, mới 15 tuổi khi cha anh qua đời, cho biết: “Chúng tôi chưa bao giờ tìm lại được cha tôi, thậm chí không một dấu vết. Ở một khía cạnh nào đó, chúng tôi phải chấp nhận rằng ông đã mất”.
Những vết thương không thể chữa lành đã thúc đẩy Văn phòng giám định y khoa New York nỗ lực không ngừng để xác định hài cốt. Hai mươi năm sau các vụ tấn công, một nhóm các nhà khoa học pháp y vẫn tiếp tục khôi phục các mẫu ADN bằng cách sử dụng công nghệ ngày càng cải tiến.
“Công lý bị trì hoãn là công lý bị từ chối”
Suốt nhiều năm kể từ khi vụ khủng bố xảy ra, Eagleson đã dồn mọi quan tâm vào một trong những câu hỏi “bí ẩn” nhất: Ai đã hỗ trợ và tiếp tay cho những kẻ tấn công al-Qaeda?
Eagleson và hàng nghìn thành viên khác trong gia đình của những nạn nhân vụ 11/9/2001 vẫn theo đuổi vụ kiện tập thể chống lại Saudi Arabia - một đồng minh quan trọng của Mỹ ở Trung Đông, nơi “sản sinh ra” Osama bin Laden và phần lớn trong số 19 tên không tặc.
Năm 2017, họ nộp đơn kiện, tìm cách buộc Saudi Arabia phải chịu trách nhiệm về sự đồng lõa của mình trong các vụ tấn công khủng bố năm 2001.
Ủy ban 11/9 của lưỡng đảng Mỹ năm 2004 kết luận rằng “không có bằng chứng nào cho thấy chính phủ Saudi Arabia, với tư cách là một tổ chức hoặc cá nhân các quan chức cấp cao, cố ý hỗ trợ al Qaeda”. Phía Saudi Arabia đã viện dẫn kết luận này để tuyên bố mình vô can suốt 17 năm qua.
Nhưng nhiều người vẫn hoài nghi về kết luận đó. John Farmer, cố vấn cấp cao của Ủy ban 11/9, cho rằng các nhà điều tra vào thời điểm đó có thể chưa nắm bắt được bức tranh toàn cảnh về vai trò của Saudi Arabia. Các thành phần “bất hảo” trong chính phủ Saudi Arabia khi đó có thể đóng vai trò tích cực hơn so với những gì FBI và các cơ quan khác điều tra được trong những tháng đầu tiên sau các cuộc tấn công.
Eagleson tin rằng kết luận của Ủy ban 11/9 là sai lầm và chính phủ Mỹ biết nhiều hơn những gì họ đang chia sẻ với công chúng Mỹ.
“Người dân Mỹ cần phải biết rằng, Ủy ban 11/9 đã kết thúc vào năm 2004, nhưng FBI tiếp tục điều tra vai trò của Saudi Arabia trong vụ 11/9 cho đến năm 2016 theo chiến dịch bí mật mang tên Chiến dịch Encore”, Eagleson nói.
Tuy nhiên, việc chính phủ Mỹ không sẵn sàng chia sẻ các tài liệu quan trọng liên quan đến Chiến dịch Encore và các cuộc điều tra khác đã trở thành một rào cản lớn đối với các đương sự.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta, người đảm nhận vai trò Giám đốc CIA và giám sát sứ mệnh dẫn đến việc tiêu diệt Osama bin Laden ở Pakistan năm 2011, cho biết: “Do tính chất bí mật của tình báo, tôi phải nói rằng người dân Mỹ có thể không biết được mọi thứ liên quan. Tôi nói như vậy không có nghĩa là vẫn còn những điều tối mật, nhưng chúng tôi nghĩ rằng có những người biết Osama bin Laden âm mưu những gì và biết những nguy hiểm có liên quan [đến âm mưu đó]”.
Ngày 3/9 vừa qua, Tổng thống Joe Biden đã ban hành sắc lệnh hành pháp chỉ đạo Bộ Tư pháp, FBI và các cơ quan chính phủ khác xác định những hồ sơ mật liên quan đến vụ 11/9 nào có thể công bố trước dư luận. Sắc lệnh yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp phải công bố các hồ sơ đã được giải mật trong vòng 6 tháng tới.
Đối với gia đình các nạn nhân vụ 11/9, đây là điều có ý nghĩa. Nhưng những gì đã xảy ra mà chưa có câu trả lời suốt 2 thập kỷ qua vẫn là một nỗi thất vọng đối với người thân của các nạn nhân.
“Công lý bị trì hoãn là công lý bị từ chối. Cho đến bây giờ, sau 20 năm, chúng tô vẫn chưa có công lý”, Patricia Smith nói./.