Cưỡng hiếp phụ nữ ở Ai Cập mang động cơ chính trị

VOV.VN - Tình trạng này tại xứ Kim Tự Tháp đã đạt đến mức độ mà người ta gọi là “khủng bố tình dục”.

Thời gian qua liên tục xảy ra các vụ hiếp dâm và tấn công tình dục đối với phụ nữ trong các cuộc biểu tình ở Ai Cập, thu hút sự chú ý của giới truyền thông cũng như giới hoạt động nhân quyền và nữ quyền thế giới. Nạn nhân bao gồm không chỉ người bản xứ, người biểu tình mà còn cả phụ nữ nước ngoài và các nhà báo.

Thực trạng

Nạn bạo hành tình dục đối với nữ giới do phân biệt giới tính có ít nhất từ thời Tổng thống Mubarak còn cầm quyền. Sau hai cuộc “cách mạng” vừa rồi, tình hình dường như không được cải thiện mà còn tệ hại hơn. Thậm chí có nguồn tin nói thực trạng đau xót này xảy ra với phụ nữ Ai Cập trong suốt 6 thập kỷ qua.

Phụ nữ Ai Cập (ảnh: AFP)

Một cuộc điều tra của UNICEF năm 2012 cho thấy, có đến 91% phụ nữ Ai Cập tuổi từ 15-49 bị cắt xẻo bộ phận sinh dục. Theo một cơ quan khác của Liên Hợp Quốc, 99,3% phụ nữ Ai Cập được phỏng vấn cho biết họ từng hứng chịu bạo lực tình dục. Còn cuộc điều tra năm 2008 của Trung tâm Nữ quyền Ai Cập tiết lộ có 83% phụ nữ nước này bị tấn công tình dục trong cuộc đời mình, một nửa trong số này bị quấy rối tình dục hàng ngày. Cũng vẫn theo nghiên cứu này, có tới 98% phụ nữ ngoại quốc ở Ai Cập trải qua tình trạng bị quấy rối tình dục.

Cuộc “cách mạng” thành công lần 1 (lật đổ ông Hosni Mubarak) năm 2011 được đánh dấu bằng 1 loạt vụ hiếp dâm và tấn công tình dục tập thể ngay trên quảng trường Tahrir giữa thủ đô Cairo, trong đó nổi bật là vụ tấn công “hội đồng” đối với nữ nhà báo của đài CBS (Mỹ) Lara Logan.

Gần đây, cuối tháng 6/2013 một nữ nhà báo Hà Lan 22 tuổi cũng bị cưỡng hiếp tập thể trên quảng trường Tahrir, khiến cô phải trải qua phẫu thuật vì những vết thương nghiêm trọng.

Riêng đêm 30/6, tổ chức Operation Anti-Sexual Harassment (OASH - Chiến dịch Chống quấy rối Tình dục) ghi nhận có những 46 trường hợp tấn công và quấy rối tình dục xảy ra với phụ nữ. Theo trang web firstpost.com, từ 28/6 đến 4/7 có 101 vụ như vậy.

Tờ New York Times phản ánh, trong ngày 25/1/2013 (kỷ niệm 2 năm cuộc cách mạng lật đổ ông Mubarak) có ít nhất 18 phụ nữ (gồm cả nữ nhà báo Ai Cập) bị tấn công tình dục khi diễn ra cuộc biểu tình chống lại chính quyền mới do Tổ chức Anh em Hồi giáo lãnh đạo.

Phụ nữ Ai Cập biểu tình vào ngày 25/1/2013, kỷ niệm 2 năm cách mạng lật đổ Tổng thống Mubarak (ảnh: Reuters)

Mức độ tấn công tàn bạo đến mức nhiều nạn nhân phải nhập viện, một số bị đâm vào cơ quan sinh dục và phải phẫu thuật tử cung.

Về mặt tâm lý, tất nhiên họ cũng bị tổn thương. New York Times cho hay, Yasmine al Baramawy, một nạn nhân của tấn công tình dục trên quảng trường Tahrir vào năm 2012, “đã bất giác đưa tay giữ chặt lấy quần của mình” khi xem cảnh phố Mohamed Mahmoud (gần quảng trường Tahrir) phát trên truyền hình mới đây.

Hình thức tấn công

Thực ra trước khi xảy ra các cuộc bạo loạn Mùa Xuân Arab thì phụ nữ Ai Cập cũng đã rất hay bị trêu ghẹo ngay trên đường phố, và chuyện đó được coi là bình thường trong xã hội nước này, theo nguồn Washington Post.

Hồi diễn ra các cuộc biểu tình chống Tổng thống Mubarak đương nhiệm, đã có những báo cáo về việc quân đội tiến hành “kiểm tra trinh tiết” đối với những phụ nữ biểu tình. Theo các báo cáo này, quân đội cố tình nhục mạ phụ nữ bằng cách lấy cớ chứng minh họ không cưỡng hiếp phụ nữ biểu tình, làm cho những phụ nữ này không còn ý chí tham gia biểu tình nữa.

Còn trong các vụ nêu ở phần trên, các đám đông nam giới (có thể gồm đến trăm người) quây lấy một người phụ nữ rồi lột trần truồng họ ra để sờ mó, cưỡng hiếp hoặc tấn công bằng vũ khí thô sơ. Thời gian sờ soạng và đánh đập tập thể như vậy có thể kéo dài từ nửa tiếng đến một tiếng đồng hồ. Không những vậy, bọn họ còn quay phim chụp ảnh nạn nhân.

Nhiều nạn nhân bị lột hết y phục và kéo qua các con phố để tất cả mọi người đều nhìn thấy. Những kẻ xâm phạm không ngần ngại gọi nạn nhân bằng những ngôn từ xúc phạm như “chó” hay “con điếm”.

Có cô gái bị đám đàn ông dùng dao cắt gần hết quần áo rồi buộc lên mui xe ô tô đưa đi quanh phố để hành hạ tinh thần.

Những kẻ tấn công nhiều khi giả vờ giúp nạn nhân nhưng rồi rốt cục cũng “xâm phạm” vào cơ thể nữ giới. Có nạn nhân kể lại, khi xe cấp cứu đến, toàn bộ những người đàn ông xung quanh đều la to lên là mình đang cố gắng cứu cô, khiến cô mất phương hướng, không còn biết đâu là kẻ tấn công và người bảo vệ nữa.

Nhiều nạn nhân các vụ tấn công như thế này sau đó nói rằng lúc gặp nạn, họ cảm thấy như mình sắp chết đến nơi.

Lara Logan, nữ phóng viên thường trú của đài CBS (Mỹ), người đã giành nhiều giải thưởng báo chí, là một ví dụ điển hình về việc tấn công tàn bạo của đám đông nam giới Ai Cập nhằm vào phụ nữ nước ngoài ngay trên quảng trường Tahrir.

Nữ nhà báo đài CBS, Lara Logan (ảnh: website Lara Logan)

Sau quãng thời gian trầm lắng 2 tháng kể từ khi bị tấn công tình dục, Logan đã lên sóng của chính đài CBS để chia sẻ về chuyến tác nghiệp khủng khiếp của mình tại Ai Cập, với mục đích phá vỡ sự yên lặng ở những nữ nhà báo lâm vào hoàn cảnh tương tự và lên tiếng chống lại bạo lực tình dục.

Trong chương trình truyền hình hơn 1 tiếng đồng hồ của đài CBS, Logan đã chia sẻ tỉ mỉ và thẳng thắn những gì đã diễn ra với mình cùng cảm giác, suy nghĩ của mình khi đó.

Sự việc xảy ra vào đêm 11/2/2011, khi Tổng thống Mubarak tuyên bố từ chức. Hàng vạn người đổ ra quảng trường Tahrir ở Cairo để ăn mừng. Logan cùng ê-kíp quay phim của mình đã có mặt tại quảng trường để phản ánh sự kiện lớn này. Cô tác nghiệp an toàn trong hơn 1 tiếng đồng hồ ban đầu. Nhưng khi pin camera của nhóm Logan cạn, thì điều không may bắt đầu xảy ra.

Đám đông quây lấy Logan, tách cô khỏi các đồng nghiệp nam. Logan cố gắng bấu víu lấy 1 đồng nghiệp nam nhưng rồi cuối cùng vẫn bị lôi tuột đi. Logan càng kêu gào thì đám đông càng điên loạn hơn. Họ lột và xé quần áo ngoài rồi cả đồ lót của Logan. Khi nữ phóng viên không còn mảnh vải nào che thân thì lũ đàn ông này bắt đầu giơ điện thoại di động liêp tiếp chụp ảnh nạn nhân. Logan chới với trong biển người. Theo lời kể của Logan, cô đã bị hết kẻ này đến kẻ khác hiếp… bằng tay, lặp đi lặp lại, hết phía trước lại phía sau, trên khắp cơ thể.

Không chỉ vậy, cô còn bị chúng đánh đập bằng cán cờ, gậy gộc và mọi thứ sẵn có trong tay. Bọn chúng còn giật mạnh mái tóc của cô đặng “lột da đầu”. Những gã đàn ông này còn vặn vẹo đầu Logan, kéo căng cơ thể cô ra nhiều hướng như thể muốn phanh thây cô thành nhiều mảnh, khiến cô bị đau nhức hết các cơ và lỏng hết các khớp.

Ban đầu Logan còn xấu hổ và chỉ mải nghĩ đến khía cạnh bị xâm phạm tình dục. Nhưng sau đó cô chỉ lo làm thế nào bảo toàn được mạng sống trước đám đông đang giày vò cơ thể mình. Rồi cô cảm thấy mình sắp chết đến nơi. Rất may sau đó Logan đã được 1 nhóm phụ nữ Ai Cập và binh lính nước này cứu thoát. Khi ấy, Logan đã hoàn toàn tả tơi, bầm tím, tóc vương vãi khắp nơi. Cô sau đó phải nhập viện để điều trị.

Vụ việc Logan cho thấy, tấn công tình dục là phương tiện để khủng bố tinh thần nữ giới, làm cho họ hoảng loạn, kinh sợ. Trường hợp này khác với các vụ hiếp dâm đơn lẻ hoặc tập thể ở Ấn Độ, mà mục đích thường là để tìm kiếm khoái lạc tình dục đơn thuần.

Căn nguyên

Cách mạng mang lại điều tốt đẹp hơn cho xã hội, nhưng trớ trêu thay thân phận những người phụ nữ sau những cuộc “cách mạng” vừa rồi tại Ai Cập lại tệ hại hơn. Chính những người phụ nữ đã sát cánh với những người đàn ông tham gia biểu tình đòi thay đổi chế độ lại trở thành mục tiêu hàng đầu cho các cuộc tấn công và họ nhìn chung không được bảo vệ.

Nữ nhà báo Lara Logan chỉ ít phút trước khi bị tấn công tình dục tập thể trên quảng trường Tahrir. Trong ảnh chụp từ clip của chương trình 60 minutes của CBS, 1 đồng nghiệp nam (tận cùng bên trái) đang cố che chắn cho Logan

Tình hình đáng buồn này càng làm chúng ta ngạc nhiên hơn khi nó diễn ra ở một đất nước có bề dày lịch sử và từng là một cái nôi văn minh rực rỡ của loài người, có ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều nền văn minh khác.

Ai Cập nằm vào vị trí chiến lược tại Bắc Phi nên cũng bị nhiều nước khác nhòm ngó và xâm lược, giống như Iran. Đáng kể nhất là cuộc chinh phục của người Arab, kéo theo quá trình Arab hóa và Hồi giáo hóa xã hội Ai Cập. Mức độ Arab hóa ở đây lớn đến mức người Ai Cập bỏ cả tiếng Ai Cập bản địa của tổ tiên mình để chuyển sang dùng tiếng Arab (tiếng Ai Cập bản địa hiện nay chỉ còn được 1 bộ phận rất nhỏ trong dân chúng sử dụng, dù rằng vể mặt gene, đa số người Ai Cập hiện đại đều là con cháu của người Ai Cập cổ đại). Tên nước chính thức cũng là Cộng hòa Arab Ai Cập.

Trong bối cảnh đấy, xã hội Ai Cập được nhiều người đánh giá là có mức độ truyền thống và bảo thủ cao, cùng với tư tưởng trọng nam khinh nữ rất mạnh. Xã hội này đặc biệt coi trọng chuyện trinh tiết. Một phụ nữ Ai Cập chưa lập gia đình mà bị phát hiện không còn trinh tiết sẽ bị hắt hủi và khó lấy chồng.

Khi người dân Ai Cập - trong đó có nhiều phụ nữ - xuống đường biểu tình lật đổ ông Mubarak năm 2011, họ mong muốn có một chế độ mới “dân chủ” hơn. Tuy nhiên, ngược với mong muốn của họ (cũng như của người Mỹ), lực lượng mới lên nắm quyền lại là tổ chức Anh em Hồi giáo và tổ chức này mau chóng tìm cách đẩy mạnh Hồi giáo hóa Ai Cập, mưu toan xây dựng chế độ thần quyền theo gương Cộng hòa Hồi giáo Iran.

Về mặt chính trị, tỷ lệ nữ giới trong quốc hội dưới thời Tổng thống Morsi (thuộc tổ chức Anh em Hồi giáo) nắm quyền chỉ là 8 trong 498 ghế, và 4 trong 8 ghế này lại thuộc về các phụ nữ có chân trong tổ chức Anh em Hồi giáo (nguồn: Foreign Policy in Focus tại địa chỉ fpig.org). Trong khi đó, theo trang Europe’s World, thời Mubarak ít ra có tới 64 ghế trong quốc hội được “cơ cấu” dành riêng cho phụ nữ. Cũng theo Foreign Policy in Focus, phụ nữ chỉ chiếm 7% trong Hội đồng Hiến pháp được lập ra để soạn thảo hiến pháp Ai Cập thời ông Morsi.

Hồi năm 2011, tổ chức Anh em Hồi giáo đã cố gắng gắn hình ảnh ông Mubarak với tư tưởng phương Tây, bao gồm cả phong trào nữ quyền. Theo RT, tháng 3/2013, website của tổ chức này đăng bài lên án một dự thảo của Liên Hợp Quốc về chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ, coi dự thảo này là “phá hoại gia đình và làm tan rã xã hội”.

Bị hiếp dâm đã là đau khổ rồi, nhiều chị em Ai Cập lại còn bị đổ lỗi vì những điều không may xảy đến với mình. Tờ New York Times số ra ngày 25/3/2013 dẫn lời 1 tướng cảnh sát Ai Cập, Adel Maqsoud, hùng hồn khẳng định “đôi lúc một cô gái đóng góp 100% vào việc mình bị hiếp dâm do cô ta tự đặt mình vào tình huống này”. 

Vẫn theo tờ báo này, một quan chức của chính đảng thuộc Anh em Hồi giáo, Reda al-Hefnawi, đã chất vấn tại quốc hội: “Tại sao người ta lại đòi hỏi Bộ Nội vụ phải đi bảo vệ 1 phụ nữ khi chị ta đứng giữa cánh đàn ông (khi tham gia biểu tình ở nơi công cộng)?”

Một số nhân vật tôn giáo tỏ thái độ cực đoan đối với các nhà hoạt động nữ. Trang tin Al Arabiya cho hay, nhà thuyết pháp phái Salafi của Ai Cập Ahmad Abdullah đã gọi những phụ nữ biểu tình trên quảng trường Tahrir là “những mụ yêu tinh” “vô liêm sỉ chỉ muốn được hiếp dâm”.

Như vậy ngay trong giới chính trị và tôn giáo đã có sự phân biệt giới tính khá rõ chống lại phụ nữ.

Nhưng sự phân biệt không dừng lại ở đó. Nạn nhân các vụ tấn công tình dục còn bị miệt thị trong bệnh viện và đồn cảnh sát. Bài viết của tác giả Nina Burleigh trên CNN cho biết, cảnh sát nhiều khi coi các nạn nhân nữ của các vụ cưỡng hiếp như là gái mại dâm. Nạn nhân Moheeb khi trả lời phỏng vấn của New York Times cho hay, sau khi nhập viện, cô được các y tá khuyên giữ yên lặng để bảo toàn thanh danh.

Lara Logan lên truyền hình kể về cơn ác mộng của mình khi đi tác nghiệp tại Tahrir (ảnh chụp clip của CBS)

Do chữ trinh rất quan trọng trong xã hội Ai Cập nên các nạn nhân nữ của bạo hành tình dục thường ngại trình báo với cảnh sát hoặc đến cơ sơ y tế để điều trị vết thương. Vả lại, các vụ việc thường khó xác định thủ phạm hoặc khó truy tố đối tượng gây án, nên các nạn nhân càng ít hy vọng vào việc trình báo.

Có lẽ nắm rõ “điểm yếu” này của phái nữ Ai Cập nên người ta cứ “nhè” các nhà hoạt động nữ và cả các nhà báo nữ để “khủng bố tình dục”, làm lung lay tinh thần của họ, khiến họ không dám tham gia biểu tình hoặc đưa tin về biểu tình.

Thời ông Morsi lên cầm quyền, lực lượng cảnh sát hạn chế xuất hiện ở nơi công cộng để tránh đụng độ trực tiếp với người biểu tình. Đây có thể là một nguyên nhân khiến kẻ xấu được đà lấn tới và thả sức phạm tội với chị em.

Hiện nay vẫn chưa xác định rõ chính xác những kẻ thực hiện tấn công tình dục tập thể đối với phụ nữ trong các cuộc biểu tình ở Ai Cập. Đó có thể là những kẻ thảo khấu “đục nước béo cò”, lợi dụng lúc hỗn loạn và số đông để “phạm tội mà không bị trừng phạt”. Đó cũng có thể là những kẻ quá phấn khích vì thành công của “cách mạng”. Cũng không loại trừ một khả năng rất lớn mà nhiều người đề cập, đó là “an ninh mặc thường phục” hoặc các lực lượng chính trị cố tình tấn công phụ nữ để cản trở biểu tình hoặc vu vạ cho chính quyền.

Nhưng dù thủ phạm là ai, vẫn có 1 mẫu số chung – địa vị người phụ nữ rất thấp trong xã hội Ai Cập đương đại. Các cuộc tấn công này gửi đi 1 thông điệp rõ ràng: Chỗ của phụ nữ là ở nhà chứ không phải là ở nơi công cộng, và phụ nữ hãy tránh xa chính trị, đừng cố bảo vệ quyền lợi của mình./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thoát khỏi xung đột phe phái ở Ai Cập - viễn cảnh xa vời
Thoát khỏi xung đột phe phái ở Ai Cập - viễn cảnh xa vời

(VOV) - Theo giới quan sát, dù đã có Tổng thống lâm thời mới, song tình hình Ai Cập sẽ còn nhiều biến động thời gian tới.

Thoát khỏi xung đột phe phái ở Ai Cập - viễn cảnh xa vời

Thoát khỏi xung đột phe phái ở Ai Cập - viễn cảnh xa vời

(VOV) - Theo giới quan sát, dù đã có Tổng thống lâm thời mới, song tình hình Ai Cập sẽ còn nhiều biến động thời gian tới.

Phận nữ múa cột ở Macau
Phận nữ múa cột ở Macau

(VOV) - Đặc khu hành chính Macau nổi tiếng không chỉ bởi những sòng bạc mà còn cả công nghiệp giải trí dành cho quý ông.

Phận nữ múa cột ở Macau

Phận nữ múa cột ở Macau

(VOV) - Đặc khu hành chính Macau nổi tiếng không chỉ bởi những sòng bạc mà còn cả công nghiệp giải trí dành cho quý ông.

Iran nhìn từ bên trong
Iran nhìn từ bên trong

(VOV) - Những bức ảnh dưới đây cho ta góc nhìn mới về xứ sở Ba Tư huyền bí đầy lôi cuốn.

Iran nhìn từ bên trong

Iran nhìn từ bên trong

(VOV) - Những bức ảnh dưới đây cho ta góc nhìn mới về xứ sở Ba Tư huyền bí đầy lôi cuốn.