Đảo Bikini đã bị Mỹ biến thành bãi thử hạt nhân như thế nào?
VOV.VN - Từ năm 1946 đến 1958, Mỹ đã thực hiện 23 cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân tại đảo san hô Bikini ở Thái Bình Dương, buộc những người dân bản địa phải rời khỏi quê hương. Rạn san hô của đảo Bikini cho đến ngày nay vẫn bị nhiễm phóng xạ ở cấp độ nguy hiểm.
Vào một ngày của năm 1946, Chuẩn đô đốc Mỹ Ben Wyatt đã đến đảo san hô Bikini, nằm ở quần đảo Marshall giữa Australia và Hawaii. Ông mang đến một thông điệp cho 167 người dân sống tại đây: Chính phủ Mỹ muốn sử dụng đảo này làm nơi thử nghiệm hạt nhân và tất cả những người sống ở đây sẽ phải rời đi.
Ông Wyatt nói với họ rằng sự hy sinh của họ sẽ là vì “lợi ích của nhân loại” và tất cả người dân trên đảo đã miễn cưỡng đồng ý. Không lâu sau đó, các cuộc thử nghiệm hạt nhân tại đảo Bikini bắt đầu với Chiến dịch Crossroads.
Từ năm 1946 đến 1958, Mỹ đã tiến hành 67 cuộc thử nghiệm hạt nhân ở quần đảo Marshall, trong đó 23 cuộc thử nghiệm diễn ra tại Bikini.
Các cuộc thử nghiệm hạt nhân tại Bikini đã để lại những vết sẹo hằn sâu và không thể khắc phục trên khu vực này. Dù đã gần 8 thập kỷ trôi qua, quần đảo Marshall vẫn đang phải vật lộn với hậu quả của các vụ thử nghiệm này cho đến ngày nay.
Lời hứa “chấm dứt tất cả các cuộc chiến tranh trên thế giới”
Câu chuyện về các cuộc thử nghiệm hạt nhân ở đảo Bikini thực sự bắt đầu vào tháng 8/1945, khi Mỹ thả 2 quả bom nguyên tử xuống các thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản. Sự tàn phá kinh khủng của những vũ khí này báo hiệu sự kết thúc của Thế chiến II và đánh dấu khởi đầu của thời đại hạt nhân.
Sau chiến tranh, Tổng thống Harry S. Truman chỉ đạo quân đội tiếp tục thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Ông đã yêu cầu họ “xác định tác động của bom nguyên tử đối với các tàu chiến của Mỹ”.
Trước khi những cuộc thử nghiệm như vậy có thể bắt đầu, các lãnh đạo quân đội cần phải tìm một địa điểm phù hợp. Họ đã chọn quần đảo Marshall, một lãnh thổ trước đây do Nhật Bản nắm giữ và Mỹ đã chiếm đóng trong Thế chiến II. Chuỗi đảo xa xôi này có vẻ là một lựa chọn lý tưởng với hàng chục đảo san hô biệt lập và ít dân cư, bao gồm cả Bikini và Enewetak.
Hơn nữa, các đảo san hô này vừa cách xa các tuyến đường hàng hải, lại vừa dễ tiếp cận với các phi công máy bay ném bom. Vấn đề còn lại chỉ là cư dân địa phương.
Trước khi các cuộc thử nghiệm hạt nhân diễn ra, Chuẩn đô đốc Ben H. Wyatt, khi đó là thống đốc quân sự của quần đảo Marshall, đã đến đảo Bikini để gặp 167 người dân sống ở đó. Ông thông báo rằng họ sẽ phải rời khỏi nhà, nhưng hứa hẹn sự hy sinh của họ sẽ là “vì lợi ích của nhân loại” và sẽ “chấm dứt tất cả các cuộc chiến tranh trên thế giới.”
Dù những hứa hẹn của ông Wyatt khiến người dân hoang mang, nhưng người đứng đầu đảo Bikini, đã đồng ý sơ tán người dân trong thời gian thử nghiệm.
Và như vậy, các cuộc thử nghiệm hạt nhân tại Bikini Atoll đã bắt đầu.
Từ Chiến dịch Crossroads đến Castle Bravo
Sau khi người dân đảo Bikini sơ tán, quân đội Mỹ bắt đầu chuẩn bị cho các cuộc thử nghiệm hạt nhân. Khoảng 242 tàu chiến, 156 máy bay và 25.000 thiết bị đo bức xạ xạ đã được gửi đến đây cùng với hơn 5.000 con chuột, lợn và dê, tất cả đều sẽ trở thành “chuột bạch hạt nhân”. Sau đó, quân đội đã tiến hành Chiến dịch Crossroads vào tháng 7/1946.
Chiến dịch này nhằm “nghiên cứu tác động của vũ khí hạt nhân đối với tàu chiến, thiết bị và vật liệu” và nó đã được 131 phóng viên từ các tờ báo, tạp chí và đài phát thanh trên toàn thế giới bao gồm cả Liên Xô theo dõi. Chiến dịch bắt đầu vào ngày 1/7/1946 với cuộc thử nghiệm Able.
Trong cuộc thử nghiệm này, quân đội Mỹ đã tập hợp một “hạm đội mục tiêu” gồm 95 tàu chiến với động vật trên tàu để kiểm tra tác động của bức xạ đối với các sinh vật. Sau đó, một chiếc B-29 đã thả một quả bom nguyên tử mang biệt danh “Gilda”.
Mặc dù máy bay ném bom đã trượt mục tiêu 600 mét, nhưng cuộc thử nghiệm vẫn diễn ra suôn sẻ. Theo Atomic Heritage Foundation, 5 tàu chiến đã bị chìm và các nhà khoa học đã có thể nghiên cứu tác động của bức xạ đối với các động vật thử nghiệm. Kết luận của họ là: “một tàu chiến lớn, cách vụ nổ khoảng 1,7km sẽ không bị chìm, nhưng thủy thủ đoàn sẽ chết vì đợt sóng bức xạ từ quả bom và chỉ còn lại một con tàu ma, trôi dạt vô định trên đại dương bao la”.
Chiến dịch Crossroads còn bao gồm một cuộc thử nghiệm nữa. Trong cuộc thử nghiệm Baker vào ngày 25/7, một quả bom nguyên tử đã được kích nổ ở độ sâu 27 mét dưới mặt nước.
Vụ nổ tạo ra một miệng hố sâu 9 mét và rộng gần 600 mét. Trên mặt nước, tác động thậm chí còn kinh khủng hơn: vụ nổ kích hoạt một khối nước khổng lồ vọt lên trời. “Mái vòm phun nước” cao gần 2km và có những bức tường nước dày 90 mét. Nó cũng gây ra một trận sóng thần với một con sóng cao 28 mét.
Nước đã bao phủ đội tàu thử nghiệm. Tất cả động vật trên tàu đều chết ngay lập tức sau vụ nổ hoặc ngay sau đó do bị nhiễm xạ.
Chiến dịch Crossroads kết thúc vào ngày 10/8/1946 nhưng các cuộc thử nghiệm hạt nhân ở đảo Bikini vẫn chưa kết thúc.
Sau các cuộc thử nghiệm khác tại đảo san hô Enewetak, quân đội Mỹ quay lại Bikini để thực hiện thử nghiệm Castle Bravo vào ngày 1/3/1954. Cuộc thử nghiệm này liên quan đến một quả bom hydro — nhưng các nhà khoa học đã đánh giá thấp sức mạnh của nó.
Khi quả bom nặng 23.500 pound (10,4 tấn) phát nổ, sức nổ của nó lớn gấp 3 lần dự kiến và mạnh gấp 1.000 lần so với các vũ khí hạt nhân đã thả xuống Nhật Bản trong Thế chiến II. Nó khiến phóng xạ rơi xuống các đảo san hô gần đó, trong khi nhiều người dân không hề hay biết về mối nguy hiểm.
“Vài giờ sau vụ nổ Castle Bravo, bắt đầu có mưa rơi xuống đảo san hô Rongelap”, Atomic Heritage Foundation dẫn lời một thành viên của Quốc hội Quần đảo Marshall cho biết. “Rongelap bị bao phủ bởi một lớp bụi trắng mịn như bột. Không ai biết đó là bụi phóng xạ. Trẻ con vẫn hồn nhiên chơi trong ‘tuyết’, thậm chí còn ăn nó”.
Các cuộc thử nghiệm hạt nhân, bao gồm Chiến dịch Crossroads và những cuộc thử nghiệm sau đó, đã gây ra những hậu quả tàn khốc cho đảo Bikini nói riêng và cả quần đảo Marshall nói chung.
Hậu quả khủng khiếp
Khi người dân đảo Bikini đồng ý rời khỏi quê hương trong thời gian thử nghiệm hạt nhân, họ nghĩ rằng họ sẽ có thể trở lại vào một ngày nào đó. Nhưng thực tế lại vô cùng đau buồn.
Trong suốt những năm tháng sau đó, người dân Bikini Atoll phải sống chật vật.
Jack Niedenthal, một cư dân của Quần đảo Marshall, đã viết trên tờ The Guardian vào năm 2002 rằng, những người dân của đảo Bikini ban đầu đã được đưa đến đảo Rongerik cách đó 200km. Do thiếu nguồn thực phẩm, họ đã xin được trở lại Bikini nhưng lại bị chuyển đến đảo Kwajalein, rồi đến đảo Kili. Trong suốt quãng thời gian đó, họ không ngừng hỏi các quan chức về khả năng trở lại quê nhà. Đến cuối thập niên 1960, họ tưởng rằng điều đó là có thể.
Năm 1969, Mỹ đã bắt đầu “dọn dẹp” Bikini Atoll. Cùng năm đó, nhiều cư dân cũ của đảo đã quay lại và Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Mỹ hứa rằng: “Hầu như không còn phóng xạ và chúng tôi không tìm thấy tác động rõ ràng nào đối với cây cối hay động vật”.
Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn đúng. Vào năm 1978, các thí nghiệm đã phát hiện ra rằng đồng vị phóng xạ cesi-137 đã “ăn” vào môi trường, ảnh hưởng đến thức ăn của người dân trên đảo. Mức độ cesi-137 trong cơ thể những người sống ở đảo Bikini cũng cao đáng kể và họ lại phải di cư một lần nữa.
20 năm sau, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) vẫn khuyến cáo rằng không nên sống lâu dài trên đảo Bikini do phóng xạ ở mức cao nguy hiểm.