Hồ sơ mật: BBC phối hợp với chính quyền để thanh lọc đặc vụ Liên Xô
VOV.VN - Cơ quan truyền thông BBC được cho là đã từng theo dõi các nhà báo của chính mình để phát hiện những người cánh tả thân Liên Xô và muốn tạo phản.
Theo các tài liệu của Nội các Anh, Tổ hợp Phát thanh Truyền hình Anh Quốc (BBC) đã tìm kiếm sự giúp đỡ của một cơ quan thuộc chính quyền Anh để nhận diện các “phần tử lật đổ” trong hàng ngũ nhà báo của cơ quan truyền thông này,
Các tài liệu trên được công bố vào ngày 24/7/2018 cho Tàng thư Quốc gia ở London, Anh Quốc.
Trụ sở Đài BBC. Ảnh: AP. |
Đối phó với tuyên truyền của Liên Xô
Hồi năm 1974, Charles Curran khi đó là Tổng Giám đốc BBC, yêu cầu triệu tập một cuộc họp giữa Ban quản trị BBC và một cơ quan chính quyền có tên gọi Cục Nghiên cứu Thông tin (IRD) thuộc Bộ Ngoại giao Anh.
IRD được thành lập vào đầu Chiến tranh Lanh, vào năm 1948 nhằm “chống lại mối đe dọa do hệ thống tuyên truyền lật đổ của Liên Xô tung ra nhằm vào lợi ích của Anh và phương Tây”.
Dựa trên các nguồn thông tin mở hoặc không quá mở, cục này đã chuẩn bị các báo cáo ngắn, làm rõ các chính sách và chiến thuật của khối XHCN, và cung cấp các báo cáo này cho các cá nhân và tổ chức được lựa chọn ở nước ngoài (thông qua Bộ Ngoại giao Anh) và bên trong lãnh thổ Anh. Những cá nhân và tổ chức này có thể sử dụng thông tin từ các báo cáo để thông báo lại cho công chúng.
Về sau các báo cáo này được mở rộng để phản ánh mọi hoạt động, tổ chức hoặc các nhóm nào bị xem là có tính chất “tạo phản”, không chỉ ở Anh mà còn ở châu Âu và trong khối Thịnh vượng chung Vương quốc Anh. Và, thẩm quyền của việc báo cáo này được điều chỉnh từ chỗ chỉ đơn thuần “thông báo” sang “gây ảnh hưởng”, “để giúp công chúng hiểu chính xác hơn các vấn đề đối ngoại, và do đó tham gia gây ảnh hưởng, ủng hộ các mục tiêu của Anh Quốc”.
Các báo cáo này được cung cấp với điều kiện là không nêu công khai nguồn tin chính thức.
Một cách khác để phát tán thông tin “chống lật đổ” là làm rò rỉ thông tin này cho “các nhà bình luận đáng tin cậy”, thí dụ như các nhà báo.
Theo dõi nội bộ các cơ quan của Anh
Trong suốt quá trình tồn tại của IRD, các mối liên hệ của tổ chức này với Cơ quan Mật vụ Anh cũng như với một tổ chức tư nhân chuyên theo dõi chống cộng tên là IRIS (cơ quan thông tin nghiên cứu công nghiệp) là một nguyên nhân gây bối rối cho nhiều đời chính phủ Anh. IRIS là một tổ chức tích cực trong việc “vạch trần và chống lại” các xu hướng cánh tả trong các công đoàn.
Bức thư mà Tổng Giám đốc BBC gửi cho IRD vào năm 1974. Ảnh: Tàng thư Quốc gia London. |
Công việc của IRD quá nhạy cảm bởi vì liên quan đến mối quan tâm đặc biệt của các quan chức chính phủ Anh dành cho các hoạt động của các chính đảng hoàn toàn hợp pháp (như Đảng Cộng sản Anh) hay các phong trào như Chiến dịch Giải trừ Hạt nhân.
Năm 1969, sự ủy thác của Ủy ban Nội các (chủ quản của IRD) đã được mở rộng để “bao trùm lên tất cả các hoạt động lật đổ trong nước... như là các hoạt động biểu tình của sinh viên, phong trào quyền lực của người da đen (Black Power), chủ nghĩa khủng bố, và chủ nghĩa cực đoan Ireland, kể cả của người Cộng hòa và người Tin lành”.
Mối liên hệ của IRD với Cục Nghiên cứu CRD của đảng Bảo thủ Anh và IRIS kéo theo việc ngay cả các đảng viên của Công đảng Anh cũng không hoàn toàn miễn trừ trước sự xoi mói của các tổ chức này.
Nỗi ám ảnh của nhóm đào tẩu từ khối XHCN
Việc BBC mời IRD tham gia thanh lọc nội bộ bắt nguồn từ 2 hoặc 3 nhân vật bất đồng chính kiến chạy khỏi khối Đông Âu XHCN sang Anh và làm việc cho Đài BBC. Các nhân vật này lo ngại về tình hình bên trong BBC. Nhóm “cận vệ già” này lo rằng mỗi làn sóng người di tản mới từ khối Xô viết sang và được tuyển về làm việc tại Thế giới vụ của BBC đều là điệp viên của cơ quan tình báo Xô viết.
Điệp viên “hoàn hảo” trao kế hoạch tác chiến của Đức cho Liên Xô
Khi đó Thế giới vụ của BBC có tới hơn 2.000 nhân viên. Nhưng lời phàn nàn từ 2 hoặc 3 người trong số đó cũng đủ để BBC đề nghị IRD giúp họ biết về “các phương pháp kinh điển để xâm nhập vào lĩnh vực phát thanh truyền hình”.
Các quan chức trong nội các Anh thấy đề nghị này của BBC là quá nhạy cảm về chính trị và lo rằng BBC có thể gây khó xử cho chính quyền.
Nhưng IRD đã chớp lấy cơ hội này để phát triển “một cuộc đối thoại bí mật với ban lãnh đạo cấp cao của BBC về các vấn đề cụ thể trong lĩnh vực này, như là việc kết nối với các tổ chức lật đổ của các cá nhân nhà sản xuất chương trình”.
Người đứng đầu IRD, Barker, viết rằng vấn đề ảnh hưởng của phong trào lật đổ trong truyền thông, đặc biệt là ngành phát thanh truyền hình, “đã từ lâu giành được sự quan tâm của cơ quan An ninh và chính tổ chức IRD”.
Lĩnh vực này quả thực nhạy cảm đối với không chỉ chính quyền Anh mà cả BBC.
Theo một ghi chú mật về IRD, tổ chức này tham gia hoạt động tuyên truyền mật chủ yếu hướng ra nước ngoài. Và Thế giới vụ của BBC là một đối tác hoàn hảo cho IRD.
Năm 2015 BBC bị tố đã theo dõi chính nhân viên của mình sau khi lộ thông tin gần 150 tài khoản email của nhân viên hãng này bị truy cập hoặc theo dõi trong thời gian 2 năm vì nhiều lý do. BBC tuyên bố họ có lý do hợp pháp để làm vậy nhưng Liên minh Nhà báo Quốc gia (của Anh) không tin vào điều đó./.