Loại mật mã không thể phá giải giúp phe Đồng minh chiến thắng trong Thế chiến II
VOV.VN - Năm 1942, Thủy quân lục chiến Mỹ đã gọi nhập ngũ 29 người Navajo nhằm tạo ra một bảng mã sử dụng trên Chiến trường Thái Bình Dương. Loại mật mã không thể phá giải này đã góp phần quan trọng giúp phe đồng minh giành chiến thắng trước Nhật Bản trong Thế chiến II.
Năm 1942, Thủy quân lục chiến Mỹ đã gọi nhập ngũ 29 người Navajo nhằm tạo ra một bảng mã sử dụng trên Chiến trường Thái Bình Dương. Loại mật mã không thể phá giải này đã góp phần quan trọng giúp phe đồng minh giành chiến thắng trước Nhật Bản trong Thế chiến II.
Trong Thế chiến II, các nước thuộc phe Đồng minh cần một cách truyền tải thông điệp bí mật mà quân địch không thể giải mã được. Vì vậy, năm 1942, Thủy quân lục chiến Mỹ đã gọi nhập ngũ một nhóm người Navajo để thực hiện nhiệm vụ này.
29 người được gọi nhập ngũ ban đầu được giao nhiệm vụ tạo ra một mật mã không thể phá giải bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của họ. Tiếng Navajo rất phức tạp và cho đến giữa thế kỷ 20 nó vẫn chỉ được truyền miệng chứ chưa có văn tự. Ngoài nhóm người bản địa sống ở khu vực Tây Nam nước Mỹ nói tiếng Navajo, gần như không ai có thể hiểu được ngôn ngữ này. Đó cũng chính là lý do khiến ngôn ngữ Navajo trở thành ứng viên hoàn hảo để tạo ra một mật mã thời chiến.
Trong 3 năm cuối của Thế chiến II, hàng trăm người Navajo đã phục vụ trong quân ngũ tại Chiến trường Thái Bình Dương, giúp mã hóa, truyền tải và giải mã các thông điệp về hoạt động của quân Nhật, vị trí pháo binh, kế hoạch chiến đấu và nhiều thông tin khác. Họ đóng một vai trò quan trọng trong chiến thắng của phe Đồng minh, nhưng ít ai biết rằng những nỗ lực của họ đã không được công nhận trong suốt nhiều thập kỷ.
Phải đến năm 1968, vai trò quan trọng của những Navajo trong Thế chiến II mới được công bố và mãi đến năm 2000 họ mới được vinh danh chính thức.
Sự ra đời của mật mã Navajo
Năm 1942, phe Đồng minh gặp khó khăn ở cả 2 chiến trường của Thế chiến II. Lúc này, phát xít Đức đã chiếm đóng Pháp và nước Anh vẫn đang vật lộn để đối phó với ảnh hưởng của cuộc ném bom Blitz do quân Đức thực hiện. Việc liên lạc giữa các binh sĩ của phe Đồng minh cũng ngày càng trở nên khó khăn khi quân Nhật liên tục phá giải được các mật mã của họ.
Ý tưởng về mật mã Navajo xuất phát từ một kỹ sư xây dựng, Philip Johnston, đến từ Los Angeles. Là con của một nhà truyền giáo từng tiếp cận gần gũi các bộ lạc Navajo, chính Johnson cũng sử dụng nhuần nhuyễn thứ ngôn ngữ này.
Năm 1942, trong một chuyến thăm căn cứ thủy quân lục chiến Mỹ Elliot tại San Diego, Johnson nói với một sĩ quan truyền tin cao cấp, trung tá James E.Jones, rằng tiếng Navajo có thể được sử dụng để tạo nên một thứ “mật mã vô địch”. Jones tỏ ra hoài nghi, nhưng Johnson đã đề nghị cho phép mình chứng minh điều đó.
Tháng 5/1942, 29 người Navajo được gọi phục vụ trong quân ngũ, để trở thành các nhân viên dịch mật mã. Những người này đã lấy các từ trong tiếng Navajo và chuyển chúng sang thuật ngữ quân sự.
Theo Bảo tàng Quốc gia về Người Mỹ bản địa, Hạ sĩ William McCabe, một trong những người được gọi vào quân ngũ ban đầu, giải thích: “Tất cả các dịch vụ, như quân đội, các sư đoàn, các công ty, các tiểu đoàn, các trung đoàn… chúng tôi chỉ việc đặt tên chúng theo tên các thị tộc. Chúng tôi phân loại máy bay theo tên các loài chim… đại bàng là máy bay ném bom, diều hâu là máy bay ném bom bổ nhào, máy bay tuần tra là quạ và chim ruồi là máy bay chiến đấu”.
Họ cũng đã tạo ra một bảng chữ cái, trong đó chữ cái đầu tiên của một từ Navajo tương ứng với một chữ cái trong tiếng Anh. Ví dụ, từ “con kiến” - “wo-la-chee”, đại diện cho chữ “A”. Ngoài bảng chữ cái, bộ mã ban đầu bao gồm 211 thuật ngữ từ vựng.
Sau khi bộ mã được tạo ra, họ bắt đầu thử nghiệm nó.
Những người Navajo ra chiến trường
Khác với các mật mã quân sự thông thường, vốn dài và phức tạp, phải viết ra và truyền tải cho người nhận rồi sau đó mất hàng giờ để giải mã trên thiết bị điện tử, sự ưu việt của mã Navajo nằm ở sự đơn giản của nó. Mã này chỉ dựa vào miệng người gửi và tai người nhận, giúp việc giải mã nhanh chóng và dễ dàng hơn rất nhiều. Trong cuộc thử nghiệm ban đầu, những người Navajo đã dịch, gửi và giải mã một thông điệp trong chưa đầy 3 phút.
Bộ mã này còn có một ưu điểm nữa: do các từ vựng tiếng Navajo và các từ tương ứng trong tiếng Anh được chọn ngẫu nhiên, nên ngay cả khi ai đó học được tiếng Navajo, họ cũng không thể phá mã vì họ sẽ chỉ thấy một danh sách các từ Navajo có vẻ như không có nghĩa.
Lãnh đạo Thủy quân lục chiến Mỹ đã rất ấn tượng. Họ ngay lập tức bắt đầu áp dụng bộ mã này tại chiến trường Thái Bình Dương và gọi vào quân ngũ thêm nhiều người Navajo để truyền và dịch mật mã.
Vai trò của bộ mã Navajo đáng chú ý nhất là trong Trận Iwo Jima. Trong suốt 2 ngày liền, 6 người Navajo đã làm việc suốt ngày đêm, gửi và nhận hơn 800 thông điệp mà không mắc phải một sai sót nào trong việc giải mã chúng.
Trung tá phụ trách thông tin liên lạc Howard Connor đã ca ngợi nỗ lực của những người Navajo rằng: “Nếu không có người Navajo, Thủy quân lục chiến sẽ không bao giờ thắng được trận Iwo Jima”.
Những người Navajo phục vụ trong Thủy quân lục chiến Mỹ cho đến khi kết thúc chiến tranh và đến lúc đó bộ mã của họ vẫn chưa từng bị phá giải. Tuy nhiên, phải vài thập kỷ sau, vai trò quan trọng của họ trong Thế chiến II mới được công nhận.
Di sản của những người dịch mật mã Navajo
Sau khi Thế chiến II kết thúc, người Navajo bị cấm tiết lộ về vai trò của họ để phòng trường hợp quân đội Mỹ vẫn cần sử dụng ngôn ngữ của họ một lần nữa trong tương lai. Họ thậm chí không được phép kể với gia đình về công việc của mình.
Mãi đến năm 1968, hơn 20 năm sau khi chiến tranh kết thúc, vai trò của họ mới được giải mật và những người dịch mật mã Navajo mới có thể công khai kể về những gì họ đã làm. Nhưng cũng phải mất thêm nhiều năm nữa, vai trò quan trọng của họ mới được công nhận chính thức.
Năm 1982, Tổng thống Ronald Reagan tuyên bố ngày 14/8 là “Ngày của những người dịch mật mã Navajo”. Năm 2000, Tổng thống Bill Clinton quyết định tặng huân chương cho 29 người Navajo đầu tiên được gọi vào quân ngũ để tại ra bộ mật mã “không thể phá giải” cho lục quân Mỹ.