Lý do Pháp không công bố điều tra về thất bại Điện Biên Phủ

VOV.VN - Đối với nước Pháp thế kỷ 20, đây là một sự kiện lớn làm thay đổi hầu như toàn bộ vai trò cường quốc địa chính trị của Pháp.

Chính thắc mắc và mong muốn tìm hiểu về dư chấn thực sự của Điện Biên Phủ trong xã hội Pháp 60 năm qua đã thôi thúc phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam thường trú tại Pháp tìm hiểu và tiếp cận được thông tin về Ủy ban điều tra thất bại tại Điện Biên Phủ - những thông tin đã được nước Pháp coi là “ bí mật quốc gia” trong suốt 50 năm.

>> Xem thêm: Bí mật 50 năm của Pháp về điều tra trận Điện Biên

Khi triển khai loạt bài về Điện Biên Phủ, tôi luôn có một thắc mắc, đó là không hiểu sự kiện Điện Biên Phủ đã để lại dư chấn như thế nào trong lòng xã hội Pháp. Chúng ta đã được nghe nói đến nhiều, được xem nhiều phim ảnh kể về “hội chứng chiến tranh” của những binh lính Mỹ sau khi kết thúc chiến tranh ở Việt Nam, nhưng chúng ta hầu như chưa được biết đến liệu người Pháp có một “hội chứng chiến tranh” tương tự hay không. Điều này thúc đẩy tôi đi tìm hiểu và gặp gỡ các chuyên gia quân sự, sử học của Pháp và một số người đã đôi chút đề cập đến Ủy ban điều tra. Từ những thông tin ban đầu đó, tôi đã tìm đến trung tâm lịch sử quốc phòng của Bộ Quốc phòng Pháp và tiếp cận được nguồn tư liệu phải nói là vô cùng thú vị và độc đáo này.

Phòng đọc tại Trung tâm Lịch sử Bộ Quốc phòng Pháp 


Trong lịch sử nước Pháp thế kỷ 20, Điện Biên Phủ là một sự kiện lớn, làm thay đổi hầu như toàn bộ vai trò cường quốc địa chính trị của Pháp trên thế giới, nhưng Điện Biên Phủ lại được nói đến rất ít. Với nhiều người Pháp, Điện Biên Phủ giống như một cuộc chiến bị lãng quên.

Người Pháp đã hứng chịu một sang chấn tâm lý nặng nề sau thất bại ở Điện Biên Phủ, họ đã lập ra một Ủy ban điều tra cấp cao nhưng rồi không dám công bố cho công luận Pháp biết các kết quả của Ủy ban điều tra đó. Như trong bức thư của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp thời đó, ông Billotte gửi cho Thủ tướng Pháp khi đó là Mendes France thì “vì ảnh hưởng to lớn của báo cáo này đến xã hội Pháp, tài liệu này phải được xếp vào dạng tuyệt mật”. Và thực tế là người Pháp đã giữ bí mật tài liệu này trong suốt 50 năm, nhiều tướng lĩnh cấp thấp cũng không được biết đến trong thời gian dài.

Phải đến năm 2005, khi thời hạn bảo mật hết, người dân Pháp mới có thể tiếp cận với những tài liệu này. Nó hé lộ những bí mật ở cấp cao nhất của cuộc chiến mà quân đội Pháp tiến hành ở Đông Dương, đặc biệt là ở Điện Biên Phủ và nó cũng hé lộ cả một trạng thái tâm lý không phương hướng của giới chức chính trị và quân đội Pháp thời đó.”

Tướng Navarre “ấm ức vì bị oan” nên mới có cuộc điều tra

Việc ra đời Ủy ban điều tra cấp cao về thất bại ở Điện Biên Phủ này là cả một câu chuyện dài, với rất nhiều xung đột và mâu thuẫn. Trước hết phải khẳng định rằng việc điều tra về thất bại tại Điện Biên Phủ không xuất phát từ nhu cầu của chính quyền hay quân đội Pháp, ngược lại, họ đã từng muốn chôn vùi quãng thời gian không đáng tự hào của Pháp ở Điện Biên Phủ.

Mỗi tài liệu đăng ký đọc đều có gắn tên người đọc, thẻ đọc và mã số cẩn thận (Đây là phiếu của hộp hồ sơ mã số GR 1R 232)


Nếu không có sự ấm ức và quyết tâm của tướng Navarre, sẽ không bao giờ có một Ủy ban như thế được thành lập để đánh giá toàn bộ trách nhiệm của giới quân đội và chính trị liên quan đến sự kiện Điện Biên Phủ. Sau Điện Biên Phủ, trở về Pháp, tướng Navarre bị giới chức quân đội lạnh nhạt, gần như bị gạt ra rìa dù không có một hình phạt chính thức nào đối với ông. Uất ức vì cảm thấy bị đổ oan và phải gánh chịu mọi tội lỗi, cuối năm 1954, tướng Navarre kêu cứu lên chính phủ Pháp và đề nghị phải lập một Ủy ban điều tra rõ trách nhiệm của các tướng lĩnh và giới chức chính trị trong trận Điện Biên Phủ.

>> Xem thêm: Pháp thua tại Điện Biên Phủ là tất yếu lịch sử

Yêu cầu này ban đầu bị gạt bỏ một cách thẳng thừng vì khi đó, cả giới chính trị lẫn quân đội Pháp đều muốn nhanh chóng quên đi thất bại cay đắng ở Điện Biên Phủ và họ lo ngại rằng việc khơi dậy quá khứ sẽ ảnh hưởng xấu đến tinh thần và hình ảnh của quân đội Pháp ở thời điểm đó đang phải đối mặt với nhiều cuộc chiến ở Bắc Phi. Trong suốt nhiều tháng, từ cuối 1954 đến đầu 1955, các tranh cãi giữa các bên về việc lập Ủy ban điều tra hay không diễn ra dai dẳng, tướng Navarre có nguy cơ bị điều về bộ phận chỉ huy quân dự bị, tức là sẽ không còn quyền hành gì.

Ngòi nổ quyết định vấn đề đến từ chính những bài báo, xuất hiện rải rác từ giữa năm 1954 rồi tháng 1/1955. Các bài báo được cho là của phe tướng Cogny - tư lệnh quân Pháp ở miền Bắc Việt Nam, người có mâu thuẫn nặng nề với tướng Navarre- kết tội tướng Navarre đã phạm những sai lầm nghiêm trọng trong chỉ huy chiến dịch. Ông Navarre nổi giận và dọa sẽ tung hê sự thật trên tờ Le Figaro. Trước nguy cơ không kiểm soát được mâu thuẫn nội bộ, chính quyền Pháp buộc phải thương lượng lại với tướng Navarre và thống nhất tướng Navarre sẽ không tiết lộ các tình tiết nhạy cảm với báo chí, đổi lại sẽ có một Ủy ban điều tra được thành lập theo yêu cầu của ông. Đến ngày 31/3/1955, Ủy ban điều tra chính thức được thành lập, gồm toàn các tướng lĩnh cấp cao của quân đội, đứng đầu là tướng Catroux.

Thêm một điểm thú vị là nội bộ Pháp đã tranh cãi nhiều về tính chất cũng như tên gọi của ủy ban điều tra. Sẽ là Ủy ban, hay Hội đồng hay chỉ là một ban điều tra trong Bộ quốc phòng. Nhiều người trong giới chức chính trị và quân đội khi đó muốn tránh dùng từ “Ủy ban – Commission” vì trước đó đã có một tiền lệ là một từng có những điều tra nặng nề về các trận đánh ở biên giới Tây Bắc với Trung Quốc năm 1950. Với Điện Biên Phủ, phía Bộ Quốc phòng khi đó chỉ muốn thành lập một “ban nhiệm vụ - mission” với ý là thông tin về các việc đã xảy ra chứ không muốn dùng từ “Ủy ban – commission” do lo ngại các hệ lụy pháp lý sau đó. Nhưng sau nhiều đấu tranh nội bộ, đến ngày 31/3/1955, Ủy ban điều tra trận Điện Biên Phủ cũng được thành lập.

Ai thay vào vị trí tướng Navarre cũng thế cả

Ủy ban điều tra đã hoạt động từ ngày 31/3/1955 đến ngày 3/9 năm đó thì hoàn tất công việc. Đã có 22 phiên làm việc, bao gồm cả các phiên điều trần với từng tướng lĩnh Pháp ở Điện Biên Phủ như tướng Navarre, tướng Cogny, tướng De Castries… Ủy ban này được trao tất cả mọi quyền hành, được tiếp cận tất cả các hồ sơ tuyệt mật về tác chiến, tình báo của quân đội Pháp.  Báo cáo cuối cùng của Ủy ban điều tra được làm thành 3 bản, gửi cho 3 nơi là Tổng thống Pháp, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, tức Thủ tướng Pháp và Bộ trưởng Quốc phòng. Tất cả đều được xếp vào hạng tài liệu tuyệt mật, phải sau 50 năm mới được giải mật.

Bản ghi chép tay của Thư ký Ủy ban điều tra Mozat về công việc và kết luận của ủy ban


Khi tôi tiếp cận với bộ hồ sơ tại Trung tâm lịch sử Bộ quốc phòng Pháp, thì thấy những tập hồ sơ dày với các câu hỏi rất chi tiết đi vào từng quyết định, diễn biến của trận Điện Biên Phủ. Bộ tư liệu cũng có đầy đủ sơ đồ chiến trường, các điện mật gửi các đơn vị tác chiến, thư từ trao đổi giữa các tướng lĩnh và giới chức quân đội…. Và đặc biệt có cả những cuộn băng cối ghi lại toàn bộ các phiên điều trần của các tướng lĩnh với Ủy ban điều tra.”

Báo cáo kết luận của Ủy ban điều tra gồm 6 phần, bắt đầu từ kế hoạch của tướng Navarre ở Điện Biên Phủ đến việc triển khai kế hoạch rồi vai trò và trách nhiệm chỉ huy của từng tướng lĩnh. Những kết luận của ủy ban điều tra không quá mới mẻ so với những gì phía Việt Nam chúng ta biết trong thời gian qua, nhưng chắc chắn lại gây sốc lớn cho nước Pháp, người dân Pháp. 

Ủy ban điều tra kết luận rằng sự thất bại của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ và cả Đông Dương là một hệ quả tất yếu của một loạt các sai lầm về chính trị, quân sự trong nhiều năm. Trong 9 năm tiến hành chiến tranh với quân đội Việt Minh, nước Pháp thay đến 19 đời Thủ tướng nên không có một sự tiếp nối về chính sách, trong khi giới quân đội thì chủ quan, khinh địch, không lường được hết sức mạnh và sự quyết tâm vô cùng to lớn của quân đội Việt Nam trong cuộc chiến giành độc lập dân tộc.

>> Xem thêm: Mỹ định dùng bom hạt nhân giải cứu Điện Biên Phủ

Với riêng trận chiến Điện Biên Phủ, Ủy ban đã kết luận rằng tướng Navarre đã phạm sai lầm chiến lược khi thiết lập cứ điểm Điện Biên Phủ bởi Điện Biên Phủ cách xa bờ biển, xa các căn cứ tiếp viện của quân Pháp nên quân Pháp không được tiếp viện kịp thời. Các tướng lĩnh Pháp cũng đã đánh giá sai khả năng của pháo binh và đặc biệt là pháo phòng không của Việt Nam. Báo cáo đánh giá là hỏa lực của phía Việt Nam “đặc biệt hùng mạnh và hiệu quả” và xét về tổng thể, quân đội Việt Nam ít nhất là mạnh ngang với quân đội Pháp.

Sau những đánh giá như thế thì Ủy ban kết luận rằng thất bại của quân Pháp ở Điện Biên Phủ là không thể tránh khỏi và các tướng lĩnh khác, nếu thay vào vị trí của các tướng Navarre hay Cogny thì cũng không thể làm tốt hơn. Một phần rất đáng chú ý sau đó là các kiến nghị về cách giải quyết đối với các tướng lĩnh thất bại ở Điện Biên Phủ. Tướng Navarre không bị quy là tội phạm duy nhất, sau này được phục chức tư lệnh nhưng rồi cũng không được trọng dụng nên dần từ chức trong im lặng. Tướng Cogny cũng bị khiển trách, bị đề nghị “đi học lại chuyên sâu về chiến thuật quân sự” nhưng cũng vẫn giữ được chức tư lệnh. Tướng Cogny sau này sang chiến trường Bắc Phi và Trung Phi, nhưng cũng không leo cao hơn được nữa.”

Bản ghi chép tay của Thư ký Ủy ban điều tra Mozat về công việc và kết luận của ủy ban


Phải nói thực là lúc đầu tôi nghĩ rằng 60 năm đã qua rồi, các nhà nghiên cứu hai bên đã có nhiều công trình, sách viết về Điện Biên Phủ và chúng ta khó có thể tìm ra được điều gì đó mới mẻ. Đến khi phát hiện ra thông tin về ủy ban điều tra, cá nhân tôi thấy rằng lịch sử vẫn luôn có những điều thú vị để tìm hiểu, đặc biệt là khi chúng ta biết rằng có những thông tin được giữ đến 50, 100 năm mới được giải mật. Sự tồn tại của ủy ban cũng hé lộ thêm về thực tế là sau trận Điện Biên Phủ, số phận các tướng lính, các cựu binh của Pháp ra sao, bị lãng quên như thế nào trong một xã hội Pháp khi ấy không muốn nhắc lại nỗi hổ thẹn tại Điện Biên Phủ và bị cuốn ngay vào cuộc chiến tại Algeria.

>> Xem thêm: Tướng Giáp phân tích về chiến tranh nhân dân

Trong tuần tới, tôi sẽ tiếp cận lần thứ hai với bộ tư liệu, bởi cũng phải nói với các bạn rằng, dù công khai với dư luận nhưng cũng có những thủ tục chặt chẽ cho việc đăng ký chỗ và tư liệu để đọc tại trung tâm lịch sử Bộ quốc phòng Pháp.  

Có một số thông tin rất hay chúng tôi dự định sẽ giới thiệu cùng các thính giả, độc giả của Đài TNVN trong vài ngày tới. Ví dụ như các bức điện mật giữa bộ chỉ huy quân đội Pháp ở Bắc Bộ với tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ dồn dập trong ngày 7/5/1954 có thể hé lộ nhiều điểm mà chúng ta chưa biết đến về những giờ khắc cuối cùng của quân Pháp trước khi phải đầu hàng quân đội Việt Nam; hay các chi tiết điều trần của các tướng Navarre, Cogny trước ủy ban điều tra cũng giúp chúng ta hiểu thêm về lịch sử…”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Điều tra thất bại tại Điện Biên Phủ- Bí mật 50 năm của Pháp
Điều tra thất bại tại Điện Biên Phủ- Bí mật 50 năm của Pháp

VOV.VN - Thảm bại khó tin tại Điện Biên Phủ đã buộc chính quyền Pháp phải thành lập một Ủy ban điều tra vào ngày 31/3/1955.

Điều tra thất bại tại Điện Biên Phủ- Bí mật 50 năm của Pháp

Điều tra thất bại tại Điện Biên Phủ- Bí mật 50 năm của Pháp

VOV.VN - Thảm bại khó tin tại Điện Biên Phủ đã buộc chính quyền Pháp phải thành lập một Ủy ban điều tra vào ngày 31/3/1955.

Mỹ định dùng bom hạt nhân giải cứu Điện Biên Phủ
Mỹ định dùng bom hạt nhân giải cứu Điện Biên Phủ

(VOV) - Trước thế thất bại của Pháp, Mỹ chuẩn bị phương án ném bom hạt nhân để đánh bật Việt Minh ra khỏi thung lũng Điện Biên.

Mỹ định dùng bom hạt nhân giải cứu Điện Biên Phủ

Mỹ định dùng bom hạt nhân giải cứu Điện Biên Phủ

(VOV) - Trước thế thất bại của Pháp, Mỹ chuẩn bị phương án ném bom hạt nhân để đánh bật Việt Minh ra khỏi thung lũng Điện Biên.

Tướng Giáp phân tích về chiến tranh nhân dân trên đài Mỹ
Tướng Giáp phân tích về chiến tranh nhân dân trên đài Mỹ

VOV.VN - Trả lời phỏng vấn truyền hình Mỹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói về các vấn đề chiến lược và đạo lý trong nghệ thuật quân sự Việt.

Tướng Giáp phân tích về chiến tranh nhân dân trên đài Mỹ

Tướng Giáp phân tích về chiến tranh nhân dân trên đài Mỹ

VOV.VN - Trả lời phỏng vấn truyền hình Mỹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói về các vấn đề chiến lược và đạo lý trong nghệ thuật quân sự Việt.

Người Pháp: Chiến thắng Điện Biên Phủ là tất yếu lịch sử
Người Pháp: Chiến thắng Điện Biên Phủ là tất yếu lịch sử

VOV.VN - Dù là bên thua cuộc, các sĩ quan và nhà nghiên cứu Pháp đều xem chiến thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam là không tránh khỏi.

Người Pháp: Chiến thắng Điện Biên Phủ là tất yếu lịch sử

Người Pháp: Chiến thắng Điện Biên Phủ là tất yếu lịch sử

VOV.VN - Dù là bên thua cuộc, các sĩ quan và nhà nghiên cứu Pháp đều xem chiến thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam là không tránh khỏi.