Mỏ than Turow - nguồn cơn gây bất hòa giữa một số thành viên EU

VOV.VN - Do an ninh năng lượng phụ thuộc vào than, sự phản đối của các quốc gia láng giềng đang đẩy Warsaw vào thế khó.

Mỏ than Turow

Mỏ than Turów (tiếng Ba Lan: Kopalnia Węgla Brunatnego Turów S.A - hay KWB Turów), là một mỏ lộ thiên lớn nằm ở phía tây nam Ba Lan, gần Bogatynia, Lower Silesia. Than non được tìm thấy gần Turasów vào năm 1740; từ năm 1836 đến năm 1869, gần 70 vỉa đã được khai thác. Chủ sở hữu của những mỏ này đã thành lập công ty cổ phần Hercules vào năm 1904, và ba năm sau đó bắt đầu khai thác theo vỉa.

Từ năm 1925, than được khai thác về phía bắc của mỏ. Năm 1947, một tổ chức của Ba Lan đã tiếp quản khu mỏ từ quân đội Liên Xô và KWB Turów ra đời. Mỏ Turów do Tập đoàn Năng lượng nhà nước Polska Grupa Energetyczna (PGE) khai thác, là một trong những mỏ than non lớn nhất ở Ba Lan, với trữ lượng ước tính khoảng 760 triệu tấn, sản lượng hàng năm khoảng 27,7 triệu tấn.

Giấy phép của mỏ này sẽ hết hạn vào tháng 4/2020, nhưng vào tháng 3/2020, chính phủ Ba Lan đã gia hạn thêm 6 năm; chính phủ Ba Lan muốn để PGE Group tiếp tục khai thác tại địa điểm này cho đến năm 2044. Nằm cách Jelenia Góra 55 km về phía tây, 80 km về phía đông của Dresden (Đức) và 20 km về phía tây bắc Liberec (Cộng hòa Séc), mỏ Turów tạo thành cấu phần của khu vực được biết đến với cái tên “Tam giác đen” do quá khứ ô nhiễm công nghiệp nặng, bao gồm các phần phía đông Đức, tây nam Ba Lan và bắc Cộng hòa Séc.

Nguồn cơn gây bất hòa

Năm 2019, một đề xuất mở rộng mỏ của PGE Group - chỉ cách biên giới với Cộng hòa Séc láng giềng 70 mét, và sâu hơn – 9 mét dưới mực nước biển Baltic, duy trì hoạt động cho đến năm 2044, đã vấp phải sự phản đối của cộng đồng người Séc và Đức gần đó, do lo ngại tác động môi trường từ mỏ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của họ.

Tháng 11/2019, Bộ Môi trường Séc đã phản đối dự án của Ba Lan, cáo buộc tác động môi trường và nguồn cung cấp nước của nó. Các cộng đồng địa phương và các nhà hoạt động ở Zittau - một thị trấn của Đức bên kia biên giới, cũng phản đối việc mở rộng. Một số nhóm môi trường và cộng đồng, bao gồm Hiệp hội sinh thái EKO-UNIA, Quỹ “TAK TAK - Open Pit Discovery” và Tổ chức Hòa bình xanh đã thành lập chiến dịch “Đóng cửa Turów” (“Stop Turów”).

Hai nghiên cứu liên quan được Greenpeace Berlin công bố vào tháng 6/2020 đã làm dấy lên những lo ngại mạnh mẽ về tác động xuyên biên giới của mỏ Turów đối với các con sông gần đó ở Đức. Một nghiên cứu kết luận rằng phần nước Đức của lưu vực Zittau đang bị cạn kiệt, cũng như sự ô nhiễm vĩnh viễn bởi các kim loại nặng của các tuyến đường thủy như Neisse và Oder và nhiều tác động khác. Theo một nghiên cứu địa chất, việc tiếp tục khai thác sẽ làm ô nhiễm và hạ thấp nguồn nước ngầm, đồng thời gây sụt lún đất ở thành phố Zittau của Đức.

Với Séc - mỗi giây bơm mỏ Turów rút 40 lít từ nước ngầm ở biên giới phía Séc. Tháng 9/2020, Bộ Môi trường và Ngoại giao Séc đã đệ đơn khiếu nại lên Ủy ban Châu Âu cáo buộc Ba Lan không đáp ứng các nghĩa vụ pháp lý của mình liên quan đến việc chia sẻ thông tin cho đề xuất mở rộng mỏ Turów gần biên giới chung. Tháng 2/2021, Séc đã kiện Ba Lan về mỏ này lên Tòa án Công lý Châu Âu, (ECJ), tòa án cao nhất của Liên minh Châu Âu (EU), đây là lần đầu tiên một quốc gia thành viên EU kiện một quốc gia khác về vấn đề môi trường. Tháng 5/2021, ECJ đã ra phán quyết rằng việc khai thác tại mỏ than non Turów phải chấm dứt.

Vấn đề không hề đơn giản đối với Ba Lan

Bất chấp phán quyết của tòa án, Warsaw đã từ chối thực hiện phán quyết, nói rằng Turow rất cần thiết cho an ninh năng lượng vì nó tạo ra khoảng 5% điện năng của Ba Lan. PGE cho biết việc ngừng khai thác sẽ làm mất nhiên liệu của nhà máy điện lân cận, đồng nghĩa với việc ngừng hoạt động tạm thời đe dọa sinh kế của 80.000 người. Nhà máy đó cũng là nhà cung cấp nhiệt và nước nóng duy nhất cho các bệnh viện, trường học và 1.400 ngôi nhà ở thị trấn Bogatynia của Ba Lan gần đó.

Trong nhiều thế kỷ, than đá đã thúc đẩy nền kinh tế của Ba Lan và Ba Lan là một trong số ít các quốc gia châu Âu vẫn đang xây dựng các nhà máy điện than do đây là nơi có trữ lượng than cứng lớn nhất EU. Nước này có nhiều mỏ than non, giống như Đức và Séc. Trong nhiều thập kỷ, than non là cách rẻ nhất và bẩn nhất để tạo ra điện. Khai thác than được tôn vinh dưới thời cộng sản và những người thợ mỏ được trả lương cao.

Khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ vào năm 1989, các công đoàn khai thác than đã nắm giữ ảnh hưởng chính trị đáng kể ở Warsaw. Các chính phủ kế nhiệm, bao gồm cả chính phủ hiện tại, đã hứa với các nhà khai thác rằng than đá sẽ vẫn là vua trong nhiều thập kỷ tới. Ba Lan sản xuất khoảng 70% điện năng từ than đá và là quốc gia EU duy nhất vào năm 2019 không cam kết thực hiện mục tiêu cắt giảm lượng khí thải nhà kính của khối xuống 0 vào năm 2050.

Tuy nhiên, các thành phố của Ba Lan có chất lượng không khí tồi tệ nhất ở EU. Sự phản đối ngày càng tăng của công chúng đối với khói bụi và lợi nhuận giảm đã khiến các công ty điện lực nhà nước công bố các khoản đầu tư lớn vào năng lượng tái tạo và khí đốt, bao gồm cả các trang trại gió ngoài khơi đầu tiên của Ba Lan. Theo tổ chức tư vấn chính sách công Instrat, 45% nhà máy nhiệt điện than ở Ba Lan đã thua lỗ vào năm 2020. Đó là bởi vì các công ty năng lượng của EU phải mua phụ cấp phát thải CO2, vốn đã đắt hơn trong những năm gần đây: từ 26,5 € mỗi tấn vào năm 2020 lên 36,7 € riêng vào năm 2021.

Vài ngày sau phán quyết của ECJ, và sau khi bỏ qua phần lớn các khiếu nại của Séc trong hơn 6 tháng, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết trên Twitter rằng Warsaw sẽ đàm phán về tương lai của Turów với người Séc. Séc đã yêu cầu Tòa án Công lý châu Âu phạt Ba Lan 5 triệu euro (4,3 triệu bảng Anh; 6 triệu USD) hàng ngày vì không tuân theo lệnh của Tòa án ngừng khai thác ở đó.

Hàng nghìn công nhân ngành năng lượng Ba Lan đã biểu tình ở Warsaw phản đối khả năng mất việc làm ở Turow và các nơi khác. Bên ngoài văn phòng của Ủy ban châu Âu, những người biểu tình giơ các tấm biển có dòng chữ “Đừng động đến Turow”, “Brussels đang tước chủ quyền của chúng tôi”.

“Đây là một lời cảnh báo đối với Ủy ban châu Âu: Đừng đụng đến nền kinh tế và người lao động Ba Lan. Chúng tôi sống trong một quốc gia dân tộc và chúng tôi không phải là một thuộc địa của nhà nước Đức”, lãnh đạo công đoàn Đoàn kết, Piotr Duda nói.

Nhà kinh tế Pawel Czyzak của Instrat cho biết các nhà máy than ở Ba Lan chỉ khả thi vì chúng nhận được trợ cấp của nhà nước. Việc chính phủ không thể ấn định ngày loại bỏ than đá đã ngăn cản sự chuyển đổi của ngành điện, vì nó gây khó khăn cho việc tài trợ cho các dự án năng lượng và tiếp cận các nguồn vốn của EU. Ba Lan được cho là nước nhận được nhiều nhất Quỹ Chuyển tiếp Công bằng của EU để giúp đào tạo lại người lao động ở các khu vực phụ thuộc vào than đá. Nhưng trước tiên, chính phủ phải lập kế hoạch để loại bỏ nó.

Ba Lan là quốc gia thành viên EU duy nhất chưa đăng ký mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 của khối và một đơn vị khai thác mới đã được khai trương tại Turow chỉ vào tháng trước. Các cuộc đàm phán Ba Lan – Séc đã hiệu quả hơn sau khi ba nhóm chuyên gia xem xét tác động liên quan tới các vấn đề không khí, tiếng ồn và nguồn nước tại khu vực này, làm cơ sở cho các cuộc họp cấp cao sắp tới.

Tuy vậy, trong bối cảnh Ba Lan đang tìm cách đề nghị Séc rút đơn kiện, các cuộc đàm phán song phương về một thỏa thuận bồi thường tài chính và cải tiến kỹ thuật để bảo vệ môi trường khu vực xung quanh mỏ than nhưng vẫn tiếp tục duy trì hoạt động khai thác được đánh giá là khó đạt được đối với cả hai phía./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Lượng khí thải carbon tăng trở lại vào năm 2021 sau khi giảm kỷ lục vì Covid-19
Lượng khí thải carbon tăng trở lại vào năm 2021 sau khi giảm kỷ lục vì Covid-19

VOV.VN - Lượng khí thải nhà kính đã giảm xuống mức kỷ lục trong năm nay do đại dịch Covid-19 nhưng sẽ tăng trở lại vào năm sau khi các hạn chế được dỡ bỏ và các chính phủ nỗ lực đưa nền kinh tế của họ tăng trưởng trở lại.

Lượng khí thải carbon tăng trở lại vào năm 2021 sau khi giảm kỷ lục vì Covid-19

Lượng khí thải carbon tăng trở lại vào năm 2021 sau khi giảm kỷ lục vì Covid-19

VOV.VN - Lượng khí thải nhà kính đã giảm xuống mức kỷ lục trong năm nay do đại dịch Covid-19 nhưng sẽ tăng trở lại vào năm sau khi các hạn chế được dỡ bỏ và các chính phủ nỗ lực đưa nền kinh tế của họ tăng trưởng trở lại.

Trung Quốc cắt giảm khí thải carbon, cố hoàn thành mục tiêu dài hạn
Trung Quốc cắt giảm khí thải carbon, cố hoàn thành mục tiêu dài hạn

VOV.VN - Trung Quốc đang nỗ lực cắt giảm khí thải carbon để đạt mục tiêu dài hạn trong chương trình nghị sự về khí hậu.

Trung Quốc cắt giảm khí thải carbon, cố hoàn thành mục tiêu dài hạn

Trung Quốc cắt giảm khí thải carbon, cố hoàn thành mục tiêu dài hạn

VOV.VN - Trung Quốc đang nỗ lực cắt giảm khí thải carbon để đạt mục tiêu dài hạn trong chương trình nghị sự về khí hậu.

Trung Quốc phát hiện dấu vết carbon phóng xạ ở nơi sâu nhất đại dương
Trung Quốc phát hiện dấu vết carbon phóng xạ ở nơi sâu nhất đại dương

VOV.VN - Các vụ thử bom nhiệt hạch đã khiến cho ô nhiễm carbon phóng xạ lan tới những nơi sâu nhất đại dương.

Trung Quốc phát hiện dấu vết carbon phóng xạ ở nơi sâu nhất đại dương

Trung Quốc phát hiện dấu vết carbon phóng xạ ở nơi sâu nhất đại dương

VOV.VN - Các vụ thử bom nhiệt hạch đã khiến cho ô nhiễm carbon phóng xạ lan tới những nơi sâu nhất đại dương.