Lý do Thụy Sỹ chấm dứt đàm phán hiệp định hợp tác với EU    

VOV.VN - Chính phủ Thụy Sỹ vừa quyết định dừng đàm phán với Liên minh châu Âu về thỏa thuận nhằm thiết lập khuôn khổ pháp lý cho quan hệ hợp tác giữa hai bên.

Việc Tổng thống Liên bang Thụy Sỹ, Guy Parmelin thông báo quyết định chấm dứt tất cả các đàm phán về thỏa thuận khung với Liên minh châu Âu hôm 26/5 là một sự kiện bất ngờ. Thỏa thuận này từng được hai bên thúc đẩy trong nhiều năm với kỳ vọng đưa quan hệ EU – Thụy Sỹ theo kịp sự phát triển trong giai đoạn hiện nay.

3 rào cản lớn

Trước hết, đây là một quyết định đơn phương từ phía Thụy Sỹ, không hề có sự thông báo trước với phía EU, và quan trọng hơn là quyết định này chấm dứt các nỗ lực đã kéo dài nhiều năm qua giữa hai bên trong việc một xây dựng một khuôn khổ mới cho quan hệ song phương.

Có một số bất đồng chính giữa hai bên khiến cho các đàm phán bế tắc và đổ vỡ, hay chính xác hơn là khiến Thụy Sỹ không chấp nhận các yêu cầu từ phía EU.  Đầu tiên, và có lẽ quan trọng nhất, là về vấn đề tự do di chuyển của công dân. Hiện tại, tuy không phải là thành viên EU nhưng Thụy Sỹ vẫn đang tham gia vào Hiệp ước Schengen nên công dân các nước EU và Thụy Sỹ được tự do qua lại biên giới.

Tuy nhiên, theo thỏa thuận khung được đàm phán, phía EU muốn Thụy Sỹ đảm bảo mức độ đối xử công bằng với mọi công dân châu Âu cư trú tại Thụy Sỹ, tức đảm bảo những người này được hưởng các chính sách an sinh-xã hội, bảo trợ thất nghiệp, trong khi Thụy Sỹ chỉ chấp nhận nếu những người này (và gia đình) là lao động có việc làm. Thụy Sỹ e ngại điều này sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng di cư khi nhiều công dân châu Âu đổ về Thụy Sỹ để hưởng các chế độ an sinh-xã hội được xem là tốt hàng đầu châu Âu của nước này.

 Vấn đề thứ hai, đó là về tiền lương. Từ nhiều năm qua, Thụy Sỹ luôn duy trì một chính sách được gọi là “các biện pháp đồng hành” cùng người lao động, tạo nên những ưu đãi tương đối lớn về mặt tiền lương với người lao động nước này và mặt bằng lương tại Thụy Sỹ luôn cao hơn các nước châu Âu khác, thậm chí là trong nhóm cao nhất châu Âu.

Phía EU cho rằng đây là một loại trợ cấp trợ cấp nhà nước nên yêu cầu sau khi ký thỏa thuận khung, chính sách này phải bị cắt bỏ, điều mà các đảng cánh tả tại Thụy Sỹ chắc chắn không chấp nhận. Vướng mắc lớn cuối cùng, là cơ chế giải quyết các tranh chấp tương lai, khi phía EU yêu cầu Tòa công lý châu Âu phải là nơi có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp giữa hai bên. Các đảng cánh hữu tại Thụy Sỹ lại phản đối mạnh mẽ điều khoản này.

Tất cả các vướng mắc trên đặt chính quyền liên bang tại Thụy Sỹ vào một rủi ro chính trị rất lớn bởi kể cả nếu Thụy Sỹ cố gắng vượt qua các bất đồng này để đạt thỏa thuận khung với EU thì sau đó thỏa thuận này cũng có nguy cơ rất cao sẽ bị dân chúng Thụy Sỹ bác bỏ. Cần lưu ý rằng, Thụy Sỹ là quốc gia đi theo mô hình dân chủ trực tiếp nên các chính sách lớn đều được đưa ra bỏ phiếu trong các cuộc trưng cầu ý dân chứ không phải là thông qua các cuộc bỏ phiếu với đa số quá bán tại Nghị viện. Do đó, chính quyền liên bang Thụy Sỹ không dám mạo hiểm theo đuổi một thỏa thuận mà khả năng sau đó bị người dân bác bỏ là tương đối cao.

Đặt ra thách thức lớn trong quan hệ song phương

Việc Thụy Sỹ đơn phương chấm dứt các đàm phán về thỏa thuận khung với EU chắc chắn sẽ khiến quan hệ hai bên trở nên phức tạp và khó khăn hơn trong thời gian tới. Hiện nay, mặc dù không phải là thành viên EU, cũng không tham gia Không gian kinh tế chung châu Âu (như Na Uy và Iceland) nhưng Thụy Sỹ được đảm bảo hầu như mọi quyền lợi giống như một nước thành viên EU, nhờ hơn 130 thỏa thuận song phương ký với EU trong tất cả các lĩnh vực.

Vấn đề ở đây là rất nhiều thỏa thuận đã được ký từ rất lâu, từ cách đây 50 năm, nhiều thỏa thuận cách đây 20-30 năm, do đó không còn phù hợp với tình hình thực tại, với rất nhiều biến động về kinh tế-chính trị tại châu Âu. Đó chính là lí do phía EU thúc giục Thụy Sỹ sớm ký thỏa thuận khung để bao trùm toàn bộ hơn 100 thỏa thuận song phương cũ, để pháp lý hóa và thể chế hóa quan hệ giữa hai bên trong tương lai.

Việc Thụy Sỹ từ chối thực thi các cam kết mới và vẫn muốn duy trì quan hệ giữa vào các thỏa thuận song phương cũ chắc chắn sẽ tạo nên sự gián đoạn và cản trở từ phía châu Âu. Liên minh châu Âu là đối tác thương mại lớn nhất của Thụy Sỹ và hàng năm Thụy Sỹ xuất khẩu khoảng 50% hàng hóa của mình sang châu Âu. Ủy ban châu Âu đã cảnh báo là nếu không có thỏa thuận khung thì không thể có các thỏa thuận khác, như việc cho phép Thụy Sỹ tiếp cận sâu rộng hơn vào thị trường chung, ví dụ trong ngành điện, dược phẩm, thiết bị y tế hay máy công cụ.

Ngoài ra, Thụy Sỹ cũng phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu từ EU, khi trên 66% sản lượng nhập khẩu mỗi năm của nước này là từ EU. Do đó, giới phân tích ước tính, sự gián đoạn và đổ vỡ trong quan hệ với EU có thể khiến Thụy Sỹ thiệt hại trước mắt khoảng 1,2 tỷ euro mỗi năm và thiệt hại sẽ lớn hơn nếu các thỏa thuận song phương cũ không còn hiệu lực.

Yếu tố Brexit        

Có những khía cạnh liên hệ nhất định trong vấn đề Brexit với câu chuyện quan hệ Thụy Sỹ-EU. Tuy nhiên, đây là sự liên hệ trái ngược nhau. Việc nước Anh lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu là do nước này muốn lấy lại chủ quyền, muốn lấy lại quyền kiểm soát với các chính sách của nước này. Nước Anh cho rằng khi ở trong EU, nhiều quyền lợi của nước Anh không được đảm bảo do phải chịu sự áp đặt chính sách từ Ủy ban châu Âu nên khi thực thi Brexit, nước Anh sẽ có toàn quyền thực thi chính sách thương mại riêng, chính sách nhập cư riêng.

Nói cách khác, Brexit xảy ra là do chủ ý của nước Anh. Còn Thụy Sỹ thì ngược lại. Trong nhiều thập kỷ qua, Thụy Sỹ hưởng lợi lớn trong quan hệ với EU khi được trao hầu như mọi quyền lợi như các nước thành viên EU dù không hề là thành viên EU, thậm chí cũng không đi theo mô hình Na Uy, Iceland, tức là không tham gia vào “Không gian kinh tế chung châu Âu”.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, Thụy Sỹ trên thực tế như là một thành viên EU nhưng lại được lựa chọn không phải tuân thủ các nghĩa vụ mà nước này không mong muốn. Vị thế này của Thụy Sỹ thậm chí còn được chính các nhà đàm phán Anh mong muốn có được trong khi đàm phán Brexit, tức là hưởng lợi ích tối đa EU nhưng với nghĩa vụ tối thiểu.

Do đó, khác với Brexit khi EU là bên bị động, trong vấn đề Thụy Sỹ, nhiều năm qua, đặc biệt là sau khi hoàn tất Brexit, phía EU luôn thúc ép Thụy Sỹ đàm phán một thỏa thuận khung mới vì muốn Thụy Sỹ cam kết nhiều hơn, nhượng bộ nhiều hơn để đạt được điều mà EU cho “sân chơi công bằng” và bình đẳng hơn, có khung pháp lý và thể chế chặt chẽ hơn. So với Brexit, phía EU được cho là đã đưa ra cho Thụy Sỹ các điều kiện còn tốt hơn so với Anh trong đàm phán Brexit. Tuy nhiên, Thụy Sỹ muốn chấp nhận việc phải nhượng bộ nhiều như thế và đó là lí do khiến tiến trình đàm phán đã khởi động từ 7 năm qua đổ vỡ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thụy Sỹ đưa Ấn Độ vào danh sách các nước có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao
Thụy Sỹ đưa Ấn Độ vào danh sách các nước có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao

VOV.VN - Quyết định này cũng đồng nghĩa với việc, bất cứ khách du lịch nào đến từ Ấn Độ khi tới Thụy Sỹ sẽ buộc phải cách ly ngay lập tức.

Thụy Sỹ đưa Ấn Độ vào danh sách các nước có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao

Thụy Sỹ đưa Ấn Độ vào danh sách các nước có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao

VOV.VN - Quyết định này cũng đồng nghĩa với việc, bất cứ khách du lịch nào đến từ Ấn Độ khi tới Thụy Sỹ sẽ buộc phải cách ly ngay lập tức.

Thượng đỉnh Mỹ-Nga có thể diễn ra giữa tháng 6 tại Thụy Sỹ
Thượng đỉnh Mỹ-Nga có thể diễn ra giữa tháng 6 tại Thụy Sỹ

VOV.VN - Một số nguồn tin cho hay Nhà Trắng và Điện Kremlin đang phối hợp để tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Putin tại Thụy Sỹ vào giữa tháng 6.

Thượng đỉnh Mỹ-Nga có thể diễn ra giữa tháng 6 tại Thụy Sỹ

Thượng đỉnh Mỹ-Nga có thể diễn ra giữa tháng 6 tại Thụy Sỹ

VOV.VN - Một số nguồn tin cho hay Nhà Trắng và Điện Kremlin đang phối hợp để tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Putin tại Thụy Sỹ vào giữa tháng 6.

Ngoại trưởng Indonesia thăm Anh và Thụy Sỹ để bàn về hợp tác sản xuất vaccine Covid-19
Ngoại trưởng Indonesia thăm Anh và Thụy Sỹ để bàn về hợp tác sản xuất vaccine Covid-19

VOV.VN - Hôm nay (12/10), Ngoại trưởng Indonesia và Bộ trưởng Doanh nghiệp nhà nước Indonesia cùng nhóm y tế lên đường thăm Anh và Thụy sỹ để bàn về việc mua vaccine Covid-19.

Ngoại trưởng Indonesia thăm Anh và Thụy Sỹ để bàn về hợp tác sản xuất vaccine Covid-19

Ngoại trưởng Indonesia thăm Anh và Thụy Sỹ để bàn về hợp tác sản xuất vaccine Covid-19

VOV.VN - Hôm nay (12/10), Ngoại trưởng Indonesia và Bộ trưởng Doanh nghiệp nhà nước Indonesia cùng nhóm y tế lên đường thăm Anh và Thụy sỹ để bàn về việc mua vaccine Covid-19.