Mổ xẻ nguy cơ chiến tranh Trung Quốc - Ấn Độ lần 2
VOV.VN - Căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ gây quan ngại lớn. Nhưng tình hình giữa 2 nước lúc này khác biệt với năm 1962 và chiến tranh có thể tránh được.
Căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Ấn Độ khi binh sĩ 2 nước này (khoảng 250 người) ở vùng biên giới đã đụng độ “tay bo” với nhau vào hôm 5/5/2020. Biên giới Trung-Ấn đã nóng lên với nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang giữa 2 cường quốc châu Á. Khu vực tranh chấp biên giới này vốn luôn tiềm ẩn rủi ro leo thang xung đột.
Binh sĩ Trung Quốc (bên trái) và binh sĩ Ấn Độ tại vùng biên giới giữa 2 nước. Ảnh: AFP. |
Nguy cơ có thật
Thông tin 2 nước đưa ra là trái ngược nhau. Một số nguồn tin của Ấn Độ cho rằng có tới 10.000 lính Trung Quốc xâm nhập vào lãnh thổ Ấn Độ. Ngược lại, các nguồn tin Trung Quốc lại tố Ấn Độ là bên đầu tiên vượt qua Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) ở Galwan và xâm nhập lãnh thổ Trung Quốc ở Aksai Chin.
Cả hai nước Trung Quốc và Ấn Độ có những cách hiểu khác nhau về LAC.
Phía Ấn Độ lo ngại: Nếu Trung Quốc tiến thêm và xây đường, xây các chốt kiểm soát vượt ra khỏi khu vực họ kiểm soát thì Ấn Độ sẽ đối mặt với việc đã rồi, phải lựa chọn giữa việc leo thang hay chấp nhận thực tế mới trên thực địa. Một cựu đại sứ Ấn Độ ở Trung Quốc, Ashok Kantha, cũng bày tỏ lo ngại về cái gọi là các nỗ lực của Trung Quốc trong việc thay đổi thực trạng ở biên giới.
Trong khi đó, Trung Quốc lại tố “quân đội Ấn Độ đã vượt qua lãnh thổ và chặn các nỗ lực tuần tra và nỗ lực đơn phương thay đổi thực trạng về LAC giữa 2 nước ở Sikkim và Ladakh”.
Khi khủng hoảng biên giới gia tăng, hai bên đã huy động lực lượng quân sự, máy bay chiến đấu, trực thăng, pháo và đạn dược trong khu vực để thể hiện quyết tâm và sự cứng rắn của mình.
Nhưng cách ứng xử như thế của đôi bên cho đến nay dường như mới chỉ dừng ở “đường xoáy trôn ốc tiến thoái lưỡng nan về an ninh”, theo như cách nói của học giả Robert Jervis.
Nhằm đáp lại ưu thế về quân sự và hạ tầng của Trung Quốc ở vùng biên từ trước cuộc Chiến tranh Trung-Ấn năm 1962, phía Ấn Độ đã tìm cách đẩy mạnh năng lực xây dựng đường sá trong khuôn khổ Tổ chức Đường sá Biên giới (BRO).
Vào tháng 11/2019, BRO cuối cùng đã hoàn thành giai đoạn 1 xây dựng mạng lưới đường sá nhằm củng cố hoạt động tuần tra của Ấn Độ dọc biên giới Trung-Ấn. Gần 61 tuyến đường dọc biên giới với tổng độ dài lên tới 3.346 km đã được xây xong. Riêng các con đường xuyên qua khu vực “ngón tay” của vùng Pangong Tso và kết nối với đường Darbuk-Shayok-Daulat Beg Oldie ở thung lũng Galwan dường như khiến Trung Quốc lo lắng về khả năng Ấn Độ đòi hỏi lại vùng lãnh thổ mà Ấn Độ cho là của họ và đã bị mất ở Aksai Chin.
Tương tự, trong khủng hoảng Doklam năm 2017, việc Trung Quốc xây đường đã kéo theo thế đối đầu quân sự với Ấn Độ.
Những đòn hiểm mà Trung Quốc, Ấn Độ có thể dùng nếu chiến tranh nổ ra
Giải pháp hữu hiệu đã được cài đặt
Tuy nhiên, trái với mối lo ngại chung, một cuộc Chiến tranh Trung Quốc-Ấn Độ lần 2 sẽ khó nổ ra trong thời gian gần.
Người ta có thể tránh được một cuộc chiến tranh chính quy có giới hạn ở vùng biên giới Trung-Ấn (tương tự đụng độ kéo dài 1 tháng hồi năm 1962) nhờ vào các lý do sau:
Thứ nhất, ở đây không có vấn đề ý thức hệ. Xung đột Trung-Ấn khác với xung đột Mỹ-Trung. Mỹ ngày càng xem cuộc cạnh tranh địa chính trị với Trung Quốc là một cuộc chiến về giá trị (như quyền tự do hàng hải và việc bảo vệ trật tự quốc tế tự do). Trong khi đó Ấn Độ và Trung Quốc không nhìn nhận nhau bằng lăng kính hệ tư tưởng.
Do vậy, dù Trung Quốc và Ấn Độ cảnh giác về động thái của nhau trên biên gới, họ vẫn kiềm chế để không gắn các điều này với các đặc điểm bản sắc dân tộc hai nước, vốn rất nhạy cảm với vấn đề chủ quyền.
Trên thực tế, Bắc Kinh đã từ lâu cho rằng tranh chấp biên giới là tàn dư của chế độ thực dân Anh và cách thức vẽ bản đồ cẩu thả của họ hơn là do Ấn Độ muốn mở rộng lãnh thổ. Về phía Ấn Độ, tướng lục quân Manoj Mukund Naravane cho rằng do các cách hiểu khác nhau về LAC, hai bên đều có những động thái mạnh mẽ ở Đông Ladakh và Bắc Sikkim.
Thứ hai, mức độ rủi ro xảy ra xung đột ngoài kiểm soát không cao như năm 1962, khi chính sách “tiến lên” của Thủ tướng Ấn Độ Nehru vấp phải sức mạnh quân sự áp đảo của Trung Quốc. Hiện nay, nguy cơ đó thấp là do một loạt các thỏa thuận đã được ký giữa Ấn Độ và Trung Quốc để giải quyết các tranh chấp đối với LAC. Các thỏa thuận này gồm: 1- Thỏa thuận 1993 về Duy trì Hòa bình và Tĩnh lặng dọc theo LAC; 2- Thỏa thuận 1996 về Các biện pháp Xây dựng Lòng tin trong lĩnh vực quân sự dọc theo LAC; 3- Nghị định thư 2005 về Phương thức Thực hiện Các biện pháp Xây dựng Lòng tin trong lĩnh vực quân sự dọc theo LAC; 4- Thỏa thuận 2012 về Thiết lập một Cơ chế hiệu quả cho Tham vấn và Phối hợp trong các vấn đề Biên giới Ấn-Trung; và 5- Thỏa thuận hợp tác Quốc phòng Biên giới 2013.
Các thỏa thuận này cung cấp phương thức vận hành cho các tương tác ngoại giao ở cấp độ quân sự và chính trị, cũng như một bộ các cam kết về “hiện trạng” mà cả hai bên có thể quay lại trong trường hợp căng thẳng leo thang. Các thỏa thuận đó đã chứng tỏ tính hiệu quả của mình trong cuộc đối đầu 16 ngày giữa các lực lượng Ấn Độ và Trung Quốc ở đông Ladakh gần làng Chumanr, cuộc đối đầu quân sự ở Burtse vào năm 2015, và cuộc khủng hoảng Doklam năm 2017.
Chiến tranh Trung Quốc - Ấn Độ xảy ra thật hay chỉ trên báo?
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava cũng đã xác nhận ý định của New Delhi về hạ nhiệt căng thẳng hiện nay dựa trên các thỏa thuận trên. Ông này tuyên bố rằng “hai bên đã thiết lập các cơ chế giải quyết các tình huống như vậy một cách hòa bình thông qua đối thoại”.
Tương tự, tuyên bố chính thức của Trung Quốc cũng tái khẳng định cam kết của Bắc Kinh “nêu cao hòa bình và tĩnh lặng ở khu vực biên giới”. Nếu căng thẳng leo cao hon nữa, có khả năng hai bên sẽ quay trở lại với hoạt động ngoại giao thượng đỉnh.
Thứ ba, chính phủ hai bên đều đang làm chủ tình hình, đều nắm được truyền thông quốc gia. Chẳng hạn, phía Ấn Độ đã bác bỏ thông tin cho rằng khoảng 15-20 nhân viên cảnh sát biên phòng ở vùng giáp ranh Ấn Độ-Tây Tạng đã bị phía Trung Quốc bắt giữ. Như vậy không có sự tổn hại nào về danh dự và không có áp lực trong nước phải trả đũa. Sau khủng hoảng Doklam, tình trạng “sương mù” tương tự cho phép hai nước này đều tuyên bố mình là bên giành chiến thắng, từ đó tháo ngòi thành công cho căng thẳng.
Cuối cùng, chi phí vật chất cho chiến tranh giới hạn đối với cả hai bên là vượt qua những ích lợi thu được.
Đối với Trung Quốc, xung đột ở biên giới với Ấn Độ sẽ làm suy giảm năng lực của Trung Quốc trong việc đáp ứng các tham vọng của họ ở biển khơi, và khiến họ trở nên yếu thế trước Mỹ mà Bắc Kinh coi là đối thủ an ninh chủ yếu của mình. Ít có khả năng Bắc Kinh muốn xảy ra chiến tranh ở 2 mặt trận. Bên cạnh đó, danh tiếng của Trung Quốc đã chịu nhiều tác động sau đợt đại dịch Covid-19 vừa qua, thế giới đã ít nhiều e ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc, và Ấn Độ đã xây dựng được đáng kể năng lực răn đe thông thường và hạt nhân – tất cả những yếu tố này sẽ làm mềm đi ý định của Trung Quốc về dùng đòn quân sự phủ đầu.
Tương tự, đối với Ấn Độ, thách thức an ninh chính vẫn là sự xâm nhập của các nhóm vũ trang ở khu vực biên giới Kashmir với Pakistan.
Tất nhiên nói như thế không có nghĩa là nguy cơ không còn giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Để tránh xung đột, hai bên cần chi tiết hóa hơn nữa các quy trình làm giảm leo thang căng thẳng và thúc đẩy đối thoại giữa quân đội 2 nước, và các biện pháp xây dựng lòng tin./.