Nagasaki nơi khởi đầu mối lương duyên Nhật - Việt (Kỳ 2)

VOV.VN - Cho đến nay, dấu ấn về cô dâu người Việt vẫn được người dân Nagasaki lưu giữ như một phần lịch sử của thành phố.

Nagasaki, thành phố được người Việt biết đến bởi thảm họa bom nguyên tử lại là nơi một công nương người Việt đến làm dâu cách đây 400 năm. Lịch sử giao thương với Việt Nam và dấu ấn của mối tình Nhật - Việt đầu tiên đó vẫn được người dân Nagasaki trân trọng cho đến tận ngày nay.

Những dấu ấn của công nương họ Nguyễn

Tại quê chồng, công nương họ Nguyễn là một người nổi tiếng và được người dân Nagasaki gọi bằng cái tên thân mật là Anio-san. Cho đến tận ngày nay, dấu ấn của Anio-san vẫn được Nagasaki lưu giữ như một phần không thể thiếu của thành phố có lịch sử hòa quyện của các nền văn hóa trên thế giới.

Hai mâm cơm kiểu Việt Nam trong phòng ăn kiểu Nhật

Dẫn chúng tôi đến một trong những nhà hàng lâu đời nhất ở Nagasaki có tên gọi Sakamoto, ông Tomioka, Tổng Thư ký Hội hữu nghị Nagasaki – Việt Nam cho biết dấu ấn của Anio-san có thể thấy được ở ẩm thực của Nagasaki ngày nay.

Trong căn phòng trải chiếu kiểu Nhật có hai chiếc bàn ăn hình tròn màu đỏ với đường kính gần 1 mét, chiều cao khoảng 30 cm. Đây là nét đặc trưng của Nagasaki vì các địa phương khác của Nhật Bản phần lớn dùng bàn ăn hình chữ nhật và sơn màu nâu đen hoặc để mộc.

“Tương truyền kiểu bàn ăn hình tròn màu đỏ này là do Anio-san đem đến từ Việt Nam”, bà chủ nhà hàng Sakamoto cho biết.

Không chỉ chiếc bàn ăn, mà ngay cả cách ăn của người Nagasaki cũng chịu ảnh hưởng của Anio-san, bà chủ nhà hàng Sakamoto bật mí. Người Nhật trong các bữa cơm trưa thường ăn theo suất, mỗi người một khay với các bát đĩa nhỏ xinh xinh. Nhưng ở nhà hàng Sakamoto vẫn giữ cách ăn truyền thống của người Nagasaki. Thức ăn được bày vào các bát đĩa lớn để mọi người tự lấy món mình yêu thích. “Tôi nghe nói người Việt Nam ăn cơm theo cách này”, bà chủ nhà hàng Sakamoto nói.

Không khí lễ hội Okunchi tại Nagasaki

Lễ hội Okunchi, lễ hội lớn nhất trong năm của Nagasaki được tổ chức trong 3 ngày từ 7-9/10 hàng năm. Lễ hội Okunchi là nơi các phường trong thành phố biểu diễn các điệu múa, màn diễu hành nhằm tôn vinh các vị thần hay tái hiện cuộc sống của người dân địa phương. Trong đó có màn biểu diễn của Phường Motoshikkui tái hiện cảnh các Châu Ấn thuyền vượt biển ra nước ngoài buôn bán.

Màn biểu diễn Châu Ấn thuyền tái hiện lại mối lương duyên lịch sử giữa Sotaro Akira và Anino-san. Điều đặc biệt là màn biểu diễn này phải 7 năm mới có một lần và năm nay đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam”, ông Tomioka hồ hởi giới thiệu.

Theo sử sách để lại, ngày công nương họ Nguyễn cập bến Nagasaki năm 1620, một buổi lễ long trọng được tổ chức để đón cô dâu thuộc dòng dõi quý tộc nước Nam xa xôi. Trang phục của cô dâu đã gây một ấn tượng đặc biệt cho người dân Nagasaki và từ đó đến nay, nghi lễ này đã trở thành một phần quan trọng của Lễ hội Okunchi.

Vượt qua sóng gió, bền chặt lương duyên

Đoàn rước Châu Ấn thuyền bắt đầu khởi hành

Ngay từ 7 giờ sáng, đoàn rước của các phường đã tập trung quanh con đường dẫn đến Đền Suwa, ngôi đền nổi tiếng nhất ở Nagasaki. Nổi bật là đoàn rước Châu Ấn thuyền của Phường Motoshikkui với mô hình một chiếc thuyền buôn dài khoảng 5 mét.

Chiếc thuyền được đặt trên một bàn đế với 4 bánh xe được nâng bởi 20 thanh niên trai tráng. Trên thuyền là 1 cô bé và 1 cậu bé trong trang phục truyền thống của Việt Nam và Nhật Bản, tượng trưng cho cặp vợ chồng Nhật - Việt có thể coi là đầu tiên trong lịch sử hai nước.

Tái hiện cặp vợ chồng Nhật - Việt đầu tiên

Ngoài ra còn một đội gần 10 thiếu niên ngồi trên thuyền đánh trống, khua chiêng tạo thêm không khí cho lễ rước. Tất cả đều mặc áo dài khăn xếp khiến chúng tôi liên tưởng đến các lễ hội làng ở Việt Nam.

Đi cùng với Châu Ấn thuyền là một đoàn rước gồm khoảng 20 cặp mẹ con mặc trang phục áo dài, kimono truyền thống của hai nước. 

Cả mẹ lẫn con đều xinh trong trang phục áo dài Việt Nam

Chị Mihoko Suzuki hôm nay mặc trên mình tà áo dài màu hồng nhạt mua ở Việt Nam cùng con gái tham gia đoàn rước. “Cháu rất thích được mặc áo truyền thống của Việt Nam. Còn tôi thì rất mừng vì lịch sử giao thương giữa hai nước vẫn còn được người dân Nagasaki lưu giữ tới tận ngày nay. Tôi hy vọng người dân hai nước sẽ tiếp tục vượt qua những cách trở về địa lý để duy trì tình thân như thưở nào”, chị Suzuki chia sẻ.

Bé gái Nagasaki trong trang phục Việt Nam

Đúng 8 giờ, các đoàn rước bắt đầu tiến vào khoảng sân rộng trước cửa Đền Suwa. Mỗi đoàn rước là một câu chuyện kể về lịch sử thăng trầm của thành phố Nagasaki, cửa ngõ giao thương một thời với thế giới của Nhật Bản. 

Lễ hội Okunchi thu hút rất đông người đến xem

Ngoài những nét văn hóa truyền thống đặc trưng của xứ xở Phù Tang trong lễ hội, những chú hề mũi đỏ ngộ nghĩnh mang đậm phong cách Tây phương hay tà áo dài Việt Nam đã là minh chứng cho sự giao thoa văn hóa của Nagasaki. “Những yếu tố văn hóa đan xen này đã trở thành một phần của văn hóa Nagasaki”, ông Kuroda, một hướng dẫn viên du lịch tình nguyện của Nagasaki nhận xét.

Một đoàn rước với biểu tượng voi trắng lạ mắt với người Nhật

Đoàn rước Châu Ấn thuyền kể về những khó khăn thậm chí nguy hiểm của chuyến phiêu lưu đến nước Nam xa xôi. Những cú giật, lắc, những động tác xoay tròn như kể về sóng gió bão bùng trong chuyến hải trình dài ngày. Nhưng những bàn tay rắn chắc, những đôi chân vững vàng vẫn đều nhịp đưa chiếc thuyền tiến lên phía trước.

Châu Ấn thuyền vượt qua sóng gió

Tiếp nối mối lương duyên lịch sử

Chứng kiến màn rước Châu Ấn thuyền trong Lễ hội Okunchi, Đại sứ Đoàn Xuân Hưng thực sự ngạc nhiên trước việc người dân Nagasaki vẫn trân trọng và gìn giữ lịch sử giao thương giữa hai nước suốt hơn 400 năm qua. Đại sứ cho biết, sang năm sẽ có một cuộc triển lãm về giao lưu kinh tế thương mại với Việt Nam được tổ chức tại Nagasaki. Tiếp đó sẽ mở rộng hoạt động ra nhiều lĩnh vực khác như đào tạo nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, giao lưu văn hóa.

Đại sứ Đoàn Xuân Hưng gặp Tỉnh trưởng Nagasaki Hodo Nakamura

Ông Tomioka, Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Nagasaki – Việt Nam vui mừng thông báo, năm qua, số du học sinh Việt Nam chọn Nagasaki làm nơi học tập tăng đột biến. “Các em sẽ trở thành cầu nối cho mối lương duyên lịch sử ngày xưa”, ông Tomioka nói.

Hai ngày ở Nagasaki quả thực chưa đủ để cảm nhận hết vẻ đẹp đa sắc màu của thành phố lịch sử này. Nhưng những gì được chứng kiến giúp chúng tôi hiểu rõ người dân nơi đây trân trọng giá trị lịch sử đến mức nào. Như ai đó đã từng nói, lịch sử là tiếng vọng của quá khứ trong tương lai, chúng tôi tin rằng Nagasaki sẽ tái hiện lại lịch sử của mình trong một tương lai không xa./.


Sau thời kỳ giao thương của các Châu Ấn thuyền, Nagasaki lại một lần nữa có mối liên hệ với Việt Nam khi vào năm 1728, một cặp voi được đưa từ Việt Nam sang cảng Nagasaki theo lệnh của Mạc phủ Tokugawa. Voi cái đã chết sau khi đến Nagasaki 3 tháng. Voi đực dưới sự điều khiển của hai nài voi người Việt đã vượt một quãng đường dài hơn nghìn cây số từ Nagasaki đến Edo (Tokyo ngày nay) trong sự chào đón của người dân Nhật - những người chưa bao giờ nhìn thấy voi. Chú voi đực sống ở Tokyo cho đến tận năm 1742 khi chết vì bệnh. Trong văn học Nhật Bản thời đó vẫn còn nhiều tác phẩm ghi lại sự kiện này.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nagasaki - nơi khởi đầu mối lương duyên Nhật-Việt (Kỳ 1)
Nagasaki - nơi khởi đầu mối lương duyên Nhật-Việt (Kỳ 1)

VOV.VN - Cặp vợ chồng Nhật-Việt đầu tiên là con gái chúa Nguyễn và 1 thương gia Nhật làm ăn ở Hội An.

Nagasaki - nơi khởi đầu mối lương duyên Nhật-Việt (Kỳ 1)

Nagasaki - nơi khởi đầu mối lương duyên Nhật-Việt (Kỳ 1)

VOV.VN - Cặp vợ chồng Nhật-Việt đầu tiên là con gái chúa Nguyễn và 1 thương gia Nhật làm ăn ở Hội An.