Nhân vật đối lập bị Belarus chặn máy bay để bắt giữ có thể đối mặt với án tử hình?
VOV.VN - Trước khi máy bay hạ cánh tại thủ đô Minsk, Protasevich đã nói với một số nhân chứng rằng anh ta lo sợ sẽ phải đối mặt với án tử hình.
Đối với hầu hết hành khách trên chuyến bay Ryanair 4978 đi từ Hy Lạp đến Litva ngày 23/5, việc máy bay buộc phải chuyển hướng và hạ cánh xuống sân bay ở thủ đô Minsk của Belarus là một sự bất tiện. Nhưng với Roman Protasevich – nhân vật đối lập người Belarus, vụ việc này đáng lo ngại hơn bao giờ hết. Trước khi máy bay hạ cánh, người này đã nói với một số nhân chứng rằng anh ta lo sợ sẽ phải đối mặt với án tử hình.
Nằm trong tầm ngắm của chính quyền Belarus
Ngày 23/5, Belarus sử dụng tiêm kích MiG-29 buộc máy bay của hãng hàng không Ryanair, khi đang trên đường tới Lithuania, chuyển hướng về thủ đô Minsk, với lý do nghi ngờ có bom trên máy bay. Ngay khi máy bay hạ cánh xuống sân bay, giới chức Belarus đã bắt giữ Roman Protasevich, 26 tuổi, nhân vật nổi tiếng trong giới truyền thông với cáo buộc “đe dọa đánh bom”.
Protasevich đã nằm trong tầm ngắm của chính quyền Belarus kể từ khi hàng loạt cuộc biểu tình chống chỉnh phủ nổ ra tại quốc gia này vào năm 2020. Roman Protasevich có tên trong danh sách truy nã và đối mặt với rất nhiều cáo buộc tại Belarus.
Roman Protasevich là người đồng sáng lập và cựu tổng biên tập kênh tin tức Nexta có quan điểm đối lập với chính quyền Tổng thống Alexander Lukashenko. Trong thời gian diễn ra các cuộc biểu tình chống chính phủ vào năm 2020, người này thường xuyên chia sẻ những thông tin và video tại hiện trường, thông báo cho người biểu tình về động thái và phản ứng của nhà chức trách.
Để tránh sự trấn áp, Nexta đặt trụ sở tại Ba Lan và đăng tải tin tức trên ứng dụng Telegram. Nexta cùng với kênh thông tin song sinh là Nexta Live đã thu hút gần 2 triệu người theo dõi. Giới chức thủ đô Minsk đã liệt Roman Protasevich cùng người đồng sáng lập Nexta là Stepan Putilo vào danh sách các cá nhân có liên quan đến hoạt động khủng bố.
Ihar Tyshkevich - nhà phân tích chính trị người Belarus tại Viện Tương lai Ukraina mô tả công việc của hai nhân vật này là “sự kết hợp giữa báo chí và hoạt động phong trào”. Còn Gulnoza Said, điều phối viên Chương trình Châu Âu và Trung Á của Ủy ban bảo vệ các nhà báo cho biết: “Đã có hàng nghìn người xem các video và những thông tin mà Protasevich đăng tải”.
Khi còn là thiếu niên, Protasevich đã tham gia các phong trào chính trị, trong đó có các cuộc biểu tình chống chính quyền Tổng thống Lukashenko – người đã nắm quyền tại Belarus gần 3 thập kỷ qua. Protasevich từng theo học tại Viện báo chí thuộc Đại học Nhà nước Belarus, sau đó làm nhiếp ảnh gia cho hãng phát thanh European Radio và nhiều tổ chức thông tin khác.
Protasevich là thành viên của chương trình Vaclav Havel năm 2017-2018, do Cộng hòa Séc tài trợ, được thành lập với mục tiêu cung cấp các khóa đào tạo nghiệp vụ và tư vấn cho các nhà báo trẻ ở Đông Âu và Nga. Vào năm 2019, lo sợ bị điệp viên KGB của Belarus trả đũa, Protasevich đã bỏ trốn khỏi Belarus để đến Ba Lan tị nạn chính trị. Tiếp đến, anh đưa cả cha mẹ rời khỏi Belarus để tới Ba Lan sinh sống.
Sau khi Tổng thống Lukashenko tuyên bố giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử năm 2020 mà phe đối lập tại Belarus và nhiều nhà quan sát phương Tây cáo buộc có tình trạng gian lận, Protasevich đã tự đặt mình vào trung tâm của các cuộc biểu tình với những hoạt động rầm rộ trên mặt trận thông tin. Phe đối lập, do ứng cử viên tổng thống Svetlana Tikhanovskaya lãnh đạo, đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn. Đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh đã nổ ra sau đó.
“Nexta là một kênh truyền thông rất quan trọng trong cuộc chiến thông tin giữa chính phủ và phe đối lập. Họ giúp điều phối các cuộc biểu tình”, ông Tyshkevich nói.
Các nhóm hoạt động nhân quyền cho biết, giới chức Belarus đã bắt giữ hơn 30.000 người trong các cuộc biểu tình.
Trong cuộc phỏng vấn với BBC vào tháng 8/2020, Protasevich cho biết, Nexta ban đầu là một tổ chức truyền thông nhưng đã chuyển hướng sang hoạt động chính trị sau những diễn biến xảy ra tại Belarus.
Protasevich sau đó rời Nexta để làm việc cho một nền tảng thông tin khác trên Telegram có tên gọi “Belarus of the Brain”. Nhân vật này nhiều lần di chuyển giữa Ba Lan và Litva.
Tuần trước Protasevich đã tham dự một hội thảo kinh tế ở Hy Lạp cùng với lãnh đạo đối lập. Trước khi rời Hy Lạp ngày 23/5, Protasevich bày tỏ lo lắng với một số người bạn rằng anh ta đang bị giám sát.
Đối mặt với án tử hình?
Tháng 1/2020, Protasevich bị nhà chức trách Belarus buộc tội vắng mặt với tội danh “tổ chức các cuộc bạo loạn và kích động đám đông vi phạm trật tự công cộng”. Nếu bị kết tội, Protasevich có thể đối mặt với án tù giam 15 năm. Ngoài ra, nhân vật này cũng nằm trong danh sách truy nã của chính phủ Belarus. Franak Viacorka, cố vấn của lãnh đạo đối lập Svetlana Tikhanovskaya cho biết, nếu Protasevich bị cáo buộc thêm nhiều tội danh liên quan đến khủng bố thì người này có thể đối mặt với mức án 25 năm tù.
Bản thân Protasevich còn lo sợ điều tồi tệ hơn. Một hành khách trên chuyến bay Ryanair 4978 nói với hãng tin AFP rằng, khi máy bay hạ cánh xuống Minsk, Protasevich quay sang mọi người và nói rằng anh ta đang phải đối mặt với án tử hình.
Kanstantsin Dzehtsiarou, giáo sư luật tại Đại học Liverpool (Anh) nói với CNN rằng: “Mặc dù Protasevich đang bị truy nã như một nghi phạm nhưng anh ta có thể bị cáo buộc những tội danh nặng hơn và không loại trừ khả năng bị tuyên án tử hình”.
Vụ Belarus chặn máy bay để bắt giữ nhân vật đối lập đã vấp phải sự phản đối của nhiều quốc gia và tổ chức hàng không quốc tế. Các bên đã kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra quốc tế toàn diện về vụ việc này. Ngày 24/5, EU cũng tuyên bố áp đặt biện pháp trừng phạt kinh tế đối với những quan chức, cá nhân liên quan tới vụ ép máy bay hạ cánh khẩn cấp cùng những doanh nghiệp tài trợ cho Belarus và lĩnh vực hàng không nước này./.