Những chính trị gia nổi tiếng thế giới tuổi Thìn
VOV.VN - Tuổi Thìn là biểu tượng cho con rồng, là con giáp đứng thứ 5 trong 12 con giáp. Rồng là con vật huyền thoại tượng trưng cho sức mạnh, biểu tượng quyền uy, hạnh phúc và may mắn. Những người tuổi Thìn mạnh mẽ và quyết đoán, sống có trách nhiệm, thẳng thắn và luôn tràn đầy sức sống.
Những người tuổi Thìn sinh ra vào các năm 1928, 1940, 1952, 1964, 1976, 1988, 2000, 2012 và trong năm nay là 2024.
Theo quan niệm của phương Đông, con rồng tượng trưng cho sự may mắn, sức mạnh, sức khỏe, biểu tượng đại diện cho quyền lực.
Những người sinh năm Thìn thường có xu hướng mạnh mẽ, lôi cuốn và tự tin. Trong mọi việc, họ có xu hướng làm hết khả năng của mình với tiêu chuẩn cao. Những nhà lãnh đạo cầm tinh con Rồng luôn có trí thông minh, sự thận trọng và khôn khéo trong cách sử dụng quyền lực.
Dưới đây là một số người chính trị gia nổi tiếng thế giới tuổi Thìn.
Tổng thống Nga Vladimir Putin
Tổng thống Nga Vladimir Putin sinh ngày 10/7/1952 tại Leningrad. Ông Putin được bầu làm Tổng thống Nga từ năm 2000 – 2008 và làm Thủ tướng Nga từ năm 2009 – 2012. Năm 2012, ông Putin trở lại vị trí Tổng thống Nga sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử với hơn 60% số phiếu.
Trong thời gian cầm quyền, ông Putin được ca ngợi vì đã có đóng góp lớn trong việc phục hồi sức mạnh cũng như vị thế của nước Nga sau thời kỳ khó khăn dưới thời cựu Tổng thống Boris Yelstin. Với sự lãnh đạo của Tổng thống Putin, nền kinh tế Nga đã phát triển vượt bậc với GDP tăng gấp 6 lần.
Vào tháng 12/2023, ông Putin thông báo sẽ tái tranh cử vào năm 2024 sau khi Hội đồng Liên bang Nga ấn định thời gian tổ chức bầu cử tổng thống. Tổng thống Putin sẽ tranh cử trong năm 2024 với tư cách ứng viên độc lập. Nhiệm kỳ hiện tại của Tổng thống Putin sẽ kết thúc vào ngày 7/5/2024.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long
Lý Hiển Long, sinh ngày 10/2/1952, là con cả của thủ tướng đầu tiên của Singapore Lý Quang Diệu, là thủ tướng thứ ba của Singapore và từng là Bộ trưởng Tài chính.
Năm 1984, ở tuổi 32, ông Lý Hiển Long khởi đầu sự nghiệp chính trị của mình. Ông được cha là Lý Quang Diệu bổ nhiệm vào chức vụ quốc vụ khanh thuộc bộ thương mại và công nghiệp và bộ quốc phòng vào tháng 12/1984, sau đó ông trở thành quyền Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp năm 1986, và sau đó là thứ trưởng bộ quốc phòng.
Năm 1990, ông Lý Hiển Long trở thành Phó thủ tướng khi ông Ngô Tác Đống đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng Singapore.
Năm 1998, ông Lý Hiển Long được bổ nhiệm vào chức vụ Chủ tịch Cơ quan Tiền tệ Singapore, và Bộ trưởng Tài chính năm 2001. Trong hơn 13 năm đảm nhận vị trí phó thủ tướng, ông Lý Hiển Long đã giúp thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của Singapore, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế và xã hội.
Ngày 12/8/2004, ông Lý Hiển Long kế nhiệm ông Ngô Tác Đống trong cương vị thủ tướng và bàn giao chức vụ Chủ tịch Cơ quan Tiền tệ Singapore cho ông Ngô Tác Đống.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris
Kamala Harris sinh ngày 20/10/1964. Bà là một chính trị gia và luật sư người Mỹ, phó tổng thống đương nhiệm của Mỹ. Bà Harris đã làm nên lịch sử với tư cách là người phụ nữ đầu tiên và cũng là người phụ nữ da màu đầu tiên trở thành Phó Tổng thống Mỹ.
Trong suốt sự nghiệp chính trị, bà Harris đã phá vỡ những rào cản để làm nên lịch sử như: chưởng lý da màu đầu tiên của hạt San Francisco, tổng chưởng lý da màu đầu tiên của bang California, người phụ nữ Mỹ gốc Phi thứ hai và gốc Nam Á đầu tiên được bầu vào Thượng viện Mỹ.
Tháng 8/2020, bà Harris được ứng viên tổng thống đảng Dân chủ khi đó là ông Joe Biden chọn làm liên danh tranh cử. Trải qua chiến dịch tranh cử và cuộc bầu cử, liên danh tranh cử Biden - Harris đã giành chiến thắng. Bà Harris trở thành người phụ nữ đầu tiên, người gốc Á đầu tiên, người gốc Phi đầu tiên trở thành Phó Tổng thống Mỹ.
Cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson
Ông Boris Johnson sinh 19/6/1964 là cựu Thủ tướng Vương quốc Anh và cũng từng là lãnh đạo của đảng Bảo thủ từ năm 2019 - 2022. Ông Boris Johnson có nhiều năm làm nghề báo trước khi bước chân vào chính trường, ông từng giữ chức thị trưởng thành phố London. Ông là người ủng hộ mạnh mẽ việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch Brexit vào năm 2016.
Tháng 7/2022, ông Boris Johnson tuyên bố từ chức lãnh đạo chính phủ Anh và đảng Bảo thủ cầm quyền. Việc ông Johnson từ chức diễn ra trong bối cảnh ông đối mặt với nhiều vụ bê bối trong suốt 3 năm cầm quyền đầy biến động.
Trong phát biểu từ chức, ông Johnson tự hào với những công việc đã thực hiện trong thời gian qua, như xử lý các vấn đề liên quan đến Brexit, đưa nước Anh vượt qua đại dịch Covid-19 và có tốc độ triển khai tiêm chủng vaccine nhanh nhất ở châu Âu. Bên cạnh đó, Anh cũng đã dẫn đầu nỗ lực viện trợ cho Ukraine khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra.
Cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama
Michelle Obama sinh ngày 17/1/1964. Bà là cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ, phu nhân cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Bà Michelle Obama được đánh giá là một trong những vị phu nhân Tổng thống Mỹ có tầm ảnh hưởng lớn nhất từ trước tới nay. Không chỉ là vợ của cựu Tổng thống Barack Obama, bà Michelle Obama còn là một luật sư thành công, từng tốt nghiệp Đại học Princeton và Trường Luật Harvard.
Bà luôn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội và góp phần làm nên thành công cho những chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông Obama trước đây.
Năm 2018, bà Michelle Obama cho ra mắt hồi ký “Becoming”. Cuốn sách ra mắt lần đầu tiên đã phát hành thành công số lượng 3 triệu bản trên toàn thế giới, trong đó có 1,8 triệu bản chỉ riêng tại Mỹ. Cuốn sách ghi lại cuộc đời bà Obama từ thời thờ ấu, công việc của bà, khi làm mẹ, khi ở Nhà Trắng, được ca ngợi bởi sức hấp dẫn của nó đối với mọi lứa tuổi, giới tính.
Năm 2006, tạp chí Essence kể tên bà trong danh sách “25 phụ nữ có nhiều ảnh hưởng nhất thế giới”.
Bà Michelle Obama còn được ca ngợi với gu mặc tinh tế, thể hiện nhiều thông điệp phù hợp đường lối chính trị của chồng.