Những lần Mỹ tìm cách mua đảo Greenland

VOV.VN - Năm 1868, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là William Seward từng thúc đẩy việc Greenland như một vùng đất có thể giúp Washington “thống trị thương mại toàn cầu”. 

Năm 1868, Ngoại trưởng Mỹ William Seward bắt đầu một chiến dịch tìm kiếm các vùng đất mởi để mở rộng lãnh thổ Mỹ sau thương vụ mua Alaska từ Nga với giá 7,2 triệu USD một năm trước đó.

Thời điểm đó, nếu việc mua Alaska của Seward không bị chính trị hóa là một “sai lầm”, ông có thể đã đạt được mục tiêu về việc thêm Greenland vào lãnh thổ của Mỹ.

Theo ông Ron Doel, một nhà sử học tại Đại học Florida, mối quan tâm lâu dài của Mỹ đối với Greenland và các vùng lãnh thổ phía Bắc khác, bao gồm cả Canada, được cho là nhằm mở rộng quyền kiểm soát của Mỹ đối với Bắc Mỹ và khu vực Bắc Cực ngày càng quan trọng.

“Điều thú vị là Mỹ thường tập trung nhìn về phía Tây, nhưng đôi khi họ cũng nhìn về phía Bắc. Greenland là một phần trong đó cùng với thương vụ mua Alaska”, ông Doel nói.

Lý do Mỹ quan tâm đến Greenland năm 1868

Vào giữa thế kỷ 19, nếu như Alaska được coi là vùng đất xa lạ đối với hầu hết người Mỹ, thì Greenland còn ít người biết đến hơn. Đó là lý do tại sao Ngoại trưởng Seward yêu cầu tiến hành một cuộc khảo sát chi tiết về hòn đảo phủ đầy băng thuộc sở hữu của Đan Mạch. Báo cáo được công bố vào năm 1868 đã miêu tả Greenland là một vùng đất trù phú.

“Greenland có trong số lượng lớn cá voi, hải mã, hải cẩu, cá mập, cá tuyết, cá hồi, cá hồi biển và cá trích; cáo, sói, tuần lộc, gấu, hàng nghìn loài chim. Than đá chất lượng tốt được tìm thấy tại nhiều điểm ở bờ biển phía Tây, kéo dài về phía Bắc, dễ khai thác và nằm gần nhiều bến cảng”, ông Seward viết trong một bản tóm tắt.

Tương tự như đã làm với Alaska, Seward cũng quảng bá Greenland là vùng đất có nguồn tài nguyên thiên nhiên gần như vô tận, đặc biệt là than đá. Vùng đất này cũng có mỡ cá voi và một khoáng chất gọi là criolite, sẽ giúp Mỹ “thống trị thương mại toàn cầu”.

Tuy nhiên, vào năm 1868, việc mua Alaska đã bị báo chí Mỹ công kích mạnh mẽ. Quốc hội và công chúng Mỹ không mấy hứng thú với những vùng lãnh thổ đóng băng, vì vậy đề xuất mua Greenland của Seward đã bị tắt ngúm.

Đề xuất đổi đất 3 bên lấy Greenland năm 1910

Vào đầu thế kỷ 20, một kế hoạch khác đã được thúc đẩy để Mỹ có được Greenland. Đề xuất này, do đại sứ Mỹ tại Đan Mạch đưa ra, nhưng không phải mua Greenland mà là có được hòn đảo này thông qua giao dịch 3 bên phức tạp.

Ngày 20/9/1910, Đại sứ Maurice Egan đã gửi một lá thư tới Bộ Ngoại giao Mỹ phác thảo về thỏa thuận đổi đất. Thời điểm này, Đan Mạch muốn kiểm soát lại vùng lãnh thổ Schleswig-Holstein đã rơi vào tay Đức vào năm 1864.

Cuộc trao đổi sẽ diễn ra như thế này: Đan Mạch nhượng Greenland cho Mỹ. Để đổi lại Greenland, Mỹ sẽ tặng Đan Mạch một nhóm đảo ở Philippines. Đan Mạch sẽ giao nhóm đảo này cho Đức (đang tìm kiếm ảnh hưởng ở phương Đông). Đức, để đáp lại, sẽ trả lại Schleswig-Holstein cho Đan Mạch.

Ngay cả chính ông Egan cũng gọi đây là một “đề xuất táo bạo” và có vẻ như chính phủ Mỹ cũng đồng ý. Tuy nhiên, không có hành động nào được thực hiện về cuộc trao đổi Greenland, mặc dù nó đã mở đường cho Mỹ mua quần đảo Virgin từ Đan Mạch vào năm 1917.

Đề nghị 100 triệu USD mua Greenland năm 1946

Lần gần đây nhất Mỹ đưa ra đề nghị hợp pháp để mua Greenland từ Đan Mạch là vào năm 1946, ngay sau Thế chiến II. Trong suốt chiến tranh, hơn 10.000 máy bay của phe Đồng minh đã hạ cánh tại Greenland để tiếp nhiên liệu trước khi thực hiện các cuộc oanh tạc tại Đức.

“Lầu Năm Góc coi Greenland như một tàu sân bay tĩnh lớn nhất thế giới. Máy bay không thể bay qua Đại Tây Dương. Việc có những nơi như Greenland và Iceland trở nên cực kỳ quan trọng”, Doel nói.

Vào năm 1941, Ngoại trưởng Mỹ đã ký hiệp ước “Phòng thủ Greenland” với đại sứ Đan Mạch tại Mỹ ở Washington DC. Hiệp ước này đã giao cho Mỹ trách nhiệm bảo vệ Greenland trong chiến tranh và trao cho quân đội Mỹ quyền xây dựng các cơ sở cần thiết để máy bay nước này hạ cánh.

Greenland đã chứng tỏ là một tài sản chiến lược trong Thế chiến II đến mức có sự quan tâm lớn từ các cấp cao của chính phủ Mỹ trong việc mua hòn đảo từ Đan Mạch. Năm 1946, một phái viên Bộ Ngoại giao Mỹ tại châu Âu tên William Trimble đã đề xuất trả Đan Mạch 100 triệu USD bằng vàng để đổi lấy toàn bộ Greenland.

Lời đề nghị này đã khiến Đan Mạch bất ngờ và thất vọng.

“Người Đan Mạch khá bàng hoàng khi Mỹ nghĩ rằng họ có thể giành được một vùng lãnh thổ bằng cách ra giá và rằng Đan Mạch sẽ sẵn sàng chấp nhận”, ông Doel nói.

Khi đó, Ngoại trưởng Đan Mạch, Gustav Rasmussen, đã nói với đại sứ Mỹ tại Đan Mạch rằng: “Mặc dù chúng tôi nợ Mỹ rất nhiều, nhưng tôi không cảm thấy mình nợ họ toàn bộ hòn đảo Greenland”.

Vai trò chiến lược của Greenland trong Chiến tranh Lạnh

Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô đưa Greenland vào vị trí trung tâm trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc hạt nhân.

“Nếu có thế chiến thứ 3, trung tâm chiến lược sẽ là Bắc Cực” Tướng H.H. “Hap” Arnold, Tư lệnh không quân Mỹ khi đó tuyên bố.

Thay vì rời Greenland sau khi Thế chiến II kết thúc, Mỹ đã ký một hiệp ước mới với Đan Mạch vào năm 1951, trao cho quân đội Mỹ quyền sử dụng Greenland làm căn cứ hoạt động ở Bắc Cực.

Dưới một dự án bí mật mang tên “Blue Jay”, Mỹ đã xây dựng một căn cứ không quân khổng lồ ở bờ biển Tây Bắc Greenland. Việc xây dựng Căn cứ Không quân Thule giữa năm 1951 và 1953 đã được so sánh với kênh đào Panama về độ khó khăn và phức tạp. Dự án đòi hỏi tới 12.000 công nhân và vận chuyển 300.000 tấn hàng hóa.

Vào đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, Căn cứ Không quân Thule ở Greenland có tới 10.000 binh sĩ Mỹ. Căn cứ này đã giúp Mỹ phản ứng nhanh chóng trước các mối đe dọa hạt nhân từ Liên Xô. Máy bay ném bom của Mỹ từ Thule có thể tiếp cận các mục tiêu như Leningrad và Moscow chỉ trong vài giờ.

Mỹ thậm chí còn thử nghiệm xây dựng các cơ sở quân sự dưới phiến băng Greenland, bắt đầu với một tiền đồn cách Căn cứ Không quân Thule 240km gọi là Trại Century.

Trại Century là một thử nghiệm cho một kế hoạch tham vọng hơn mang tên “Dự án Iceworm.” Đối với dự án này, quân đội Mỹ muốn xây dựng một mạng lưới đường sắt dưới băng ở Greenland để vận chuyển các tên lửa hạt nhân có thể tấn công vào đất liền Liên Xô. Dù vậy, dự án Iceworm chưa bao giờ hoàn thành.

Theo một bản ghi nhớ mà Bộ Quốc phòng gửi Tổng thống Dwight Eisenhower, Lầu Năm Góc vẫn rất quan tâm đến việc mua Greenland cho đến năm 1955, nhưng không có đề nghị chính thức nào được đưa ra.

Greenland được trao quyền tự trị vào năm 1979 và Đan Mạch vẫn được tham gia vào các vấn đề quốc phòng và đối ngoại của hòn đảo.

Mỹ vẫn duy trì sự hiện diện quân sự tại Greenland, mặc dù Căn cứ Không quân Thule đã được chuyển giao cho Lực lượng Không gian Mỹ vào năm 2020 và hiện nay được gọi là Căn cứ Không gian Pituffik.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ngoại trưởng Mỹ: Tổng thống Trump không đùa về việc mua Greenland
Ngoại trưởng Mỹ: Tổng thống Trump không đùa về việc mua Greenland

VOV.VN - Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio ngày 30/1 nhấn mạnh Tổng thống Donald Trump không đùa về việc quan tâm muốn mua đảo Greenland của Đan Mạch.

Ngoại trưởng Mỹ: Tổng thống Trump không đùa về việc mua Greenland

Ngoại trưởng Mỹ: Tổng thống Trump không đùa về việc mua Greenland

VOV.VN - Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio ngày 30/1 nhấn mạnh Tổng thống Donald Trump không đùa về việc quan tâm muốn mua đảo Greenland của Đan Mạch.

4 kịch bản có thể xảy ra khi ông Trump muốn mua Greenland
4 kịch bản có thể xảy ra khi ông Trump muốn mua Greenland

VOV.VN - Việc ông Trump muốn mua Greenland có thể khiến 2 đồng minh trong NATO mâu thuẫn với nhau về một lãnh thổ rộng lớn với 80% bị băng bao phủ. Tham vọng độc lập của Greenland cũng có thể đẩy câu chuyện đi theo một hướng khác.

4 kịch bản có thể xảy ra khi ông Trump muốn mua Greenland

4 kịch bản có thể xảy ra khi ông Trump muốn mua Greenland

VOV.VN - Việc ông Trump muốn mua Greenland có thể khiến 2 đồng minh trong NATO mâu thuẫn với nhau về một lãnh thổ rộng lớn với 80% bị băng bao phủ. Tham vọng độc lập của Greenland cũng có thể đẩy câu chuyện đi theo một hướng khác.

Đan Mạch âm thầm liên lạc với ông Trump để thảo luận về Greenland
Đan Mạch âm thầm liên lạc với ông Trump để thảo luận về Greenland

VOV.VN - Đan Mạch đã liên hệ riêng với đội ngũ của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, bày tỏ sẵn sàng thảo luận về việc tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Greenland.

Đan Mạch âm thầm liên lạc với ông Trump để thảo luận về Greenland

Đan Mạch âm thầm liên lạc với ông Trump để thảo luận về Greenland

VOV.VN - Đan Mạch đã liên hệ riêng với đội ngũ của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, bày tỏ sẵn sàng thảo luận về việc tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Greenland.