Quân đội và mật vụ: Điểm tựa vững chắc cho chế độ Assad

(VOV) - Hai lực lượng này là yếu tố quan trọng giúp chính quyền Tổng thống Assad trụ vững trong suốt 2 năm qua.

Cuộc nội chiến Syria, bắt đầu từ ngày 15/3/2011, ngày càng khốc liệt khi đã có khoảng 70.000 người thiệt mạng (theo số liệu không chính thức) và nhiều thành phố, làng mạc nhà cửa bị tàn phá. Phe đối lập đã nổi dậy một cách rộng khắp, hình thành nhiều nhóm/mặt trận chính trị, bắt liên lạc với phương Tây và các lực lượng bên ngoài, đồng thời lập ra “Quân đội Syria Tự do” để chiến đấu chống lại chính phủ.

Thực tế đã có những thời điểm phiến quân tỏ ra khá thành công khi tấn công rầm rộ trên toàn lãnh thổ, chiếm giữ được một số khu vực ở thủ đô Damascus, thậm chí còn cho nổ bom sát hại cả Bộ trưởng lẫn Thứ trưởng quốc phòng Syria cùng một số quan chức khác khi họ đang họp tại trụ sở Hội đồng An ninh Quốc gia vào ngày 18/7/2012.

Khi ấy, một thủ lĩnh của Hội đồng Dân tộc Syria đối lập tự tin cho rằng, chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad sẽ suy sụp nay mai, lịch sử Syria sẽ sang một trang mới, và trận chiến sẽ kết thúc chỉ trong vài tuần hoặc vài tháng nữa thôi. Còn phương Tây đã tính đến phương án “hậu Assad”.

Nhưng thực tế đã không như phiến quân mong đợi. Cuộc chiến Syria vẫn dai dẳng. Chính phủ Syria không hề đổ, ngược lại họ còn chiếm ưu thế trong các cuộc giao tranh. Cho tới hiện tại, giấc mơ về một Lybia thứ 2 của phe nổi dậy đã không thành hiện thực.

Quân đội Syria ăn mừng chiến thắng trước phiến quân (ảnh: shiachat)

Sự vững vàng của chính quyền Syria (so với sự sụp đổ nhanh chóng của các chính phủ Arab khác trước cơn lốc mang tên “Mùa Xuân Arab”) do rất nhiều nguyên nhân như: (1) Đảng Baath cầm quyền (ông Assad cũng đứng đầu đảng này) có nền tảng chính trị tốt, (2) bộ phận đáng kể dân chúng đứng về phía chính quyền, (3) Iran, Nga, Trung Quốc, lực  lượng Hezbollah ủng hộ, (4) NATO và Mỹ dè dặt, chưa can thiệp quân sự và viện trợ vũ khí cho đối lập, và (5) bản thân sự chia rẽ và thiếu tính tổ chức trong nội bộ lực lượng đối lập. Tuy nhiên còn có một yếu tố nữa không thể không nhắc tới, đó là chính quyền Syria đã xây dựng được một cơ cấu quân sự và an ninh rất hiệu quả.

Quân đội thiện chiến và đặc biệt trung thành

Lực lượng vũ trang Syria được coi là một trong những lực lượng quốc phòng đông và mạnh nhất thế giới Arab, với tổng quân số chính quy gần 300.000 và lực lượng dự bị trên 300.000.

Quân đội nước này dày dạn kinh nghiệm chiến trường do được tôi luyện trong 6 cuộc chiến tranh với các nước láng giềng, trong đó có Iraq và cường quốc khu vực Israel (quân đội Syria thậm chí còn được huấn luyện để sẵn sàng tấn công Israel).

Về mặt vũ khí, quân đội Syria được Liên Xô (trước đây) và Nga (sau này) cung cấp nhiều khí tài hiện đại. Không những vậy, họ còn sở hữu kho vũ khí sinh học và hóa học – lá bài chiến lược khiến các đối thủ phải luôn dè chừng.

Quân đội Syria có đầy đủ các quân chủng lục quân, hải quân, không quân và phòng không. Các máy bay chiến đấu tỏ ra cực kỳ hiệu quả trong việc trấn áp phiến quân Syria. Còn lực lượng phòng không được coi là đáng gờm khi có tới hàng trăm pháo đội cao xạ, hàng ngàn tên lửa vác vai, và hàng chục tổ hợp tên lửa phòng không SAM – đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến NATO e ngại việc thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Syria như đã từng làm ở Libya.

Một người dân ủng hộ Tổng thống Assad hôn ảnh nhà lãnh đạo tại Damascus (ảnh: AP)

Trong trận tổng công kích Damascus hồi tháng 7/2012, phiến quân toan tính chiếm gọn thủ đô Syria nhưng cuối cùng đã thất bại và bị đẩy lui do không bảo đảm được về mặt hậu cần và bị áp đảo trước hỏa lực không quân và pháo binh của quân đội chính phủ. Trong khi đó, tại mặt trận Aleppo (thành phố lớn nhất Syria), phiến quân lại tỏ ra thiếu thống nhất, thiếu chiến lược, thiếu kỷ luật và ít kinh nghiệm “lấy lòng” dân địa phương. Tất nhiên tại đây họ cũng là “mồi ngon” cho chiến đấu cơ Syria.

Trong lục quân Syria đáng lưu ý có 2 đơn vị đặc biệt tinh nhuệ là Sư đoàn thiết giáp số 4 và Sư đoàn Cận vệ Cộng hòa chuyên bảo vệ thủ đô. (Ngoài ra bên trong và xung quanh Damascus còn bố trí rất nhiều pháo binh và không quân, cùng lực lượng dân quân, để bảo vệ các cơ quan đầu não).

Tuy nhiên điều đáng nói ở đây là sự trung thành cao độ của quân đội Syria đối với chế độ của Tổng thống Assad và Đảng Baath. Cố Tổng thống Hafez al-Assad (cha), đương kim Tổng thống Bashar al-Assad (con) và Đảng Baath Syria đã dày công xây dựng quân đội về chính trị để đảm bảo nó luôn trung thành không chỉ với đất nước mà cả chế độ. Chính vì vững vàng về chính trị nên quân đội Syria đã không ngả nghiêng trước các cuộc biểu tình và bạo loạn trong “Mùa Xuân Arab” giống như quân đội Ai Cập và Tunisia – những lực lượng đã hùa theo những người biểu tình để lật đổ chính phủ của chính mình.

Ngay cả khi chịu nhiều tổn thất (Bộ trưởng Quốc phòng bị sát hại, binh sĩ thương vong, lương thực khan hiếm…), quân đội Syria vẫn không nao núng và nhanh chóng xốc lại đội hình. Truyền thông phương Tây và phe đối lập đưa tin về hàng loạt vụ đào tẩu nhưng tình trạng này chủ yếu chỉ xảy ra đối với binh lính và sĩ quan cấp thấp (với số lượng không thấm tháp gì so với tổng quân số Syria) và không phải ai trong số đào tẩu cũng chạy sang phe đối lập. Chính tình báo Mỹ và quân đội Israel cũng phải ghi nhận, quân đội Syria rất đoàn kết, kiên định và trung thành với gia đình Tổng thống Assad.

Theo các nguồn tin phương Tây, các vị trí chủ chốt trong quân đội Syria đều được nắm giữ bởi những người thuộc giáo phái thiểu số Alawite của cha con Tổng thống Assad. Tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân duy nhất cho sự trung thành của quân đội. Đảng Baath cầm quyền đã bảo đảm đãi ngộ thật tốt cho cả quân nhân và các tướng lĩnh cao cấp để gắn chặt họ với chế độ. Chẳng hạn, Tướng Daoud Rajiha, Bộ trưởng Quốc phòng Syria rất mực trung thành với Tổng thống Assad và bị phe nổi dậy ám sát trong vụ đánh bom ngày 18/7 (2012) là một người Kitô giáo!

Phiến quân Syria hiện đang chiến đấu một cách thô sơ và manh mún (ảnh: ibtimes)

Ngoài ra, theo nguồn tin của Al Jazeera, trong các đơn vị và lữ đoàn quân đội Syria đều có bố trí các chính ủy của Đảng Baath và các sĩ quan chỉ huy phải báo cáo với chính ủy.

Hơn nữa, sĩ quan quân đội Syria càng xác định đây là cuộc chiến sống còn khi họ được thấy cách người ta
“xử lý” các tướng lĩnh, quan chức của chế độ bị lật đổ gần đây ở Libya và Iraq.

Bộ máy an ninh nhiều tầng, bọc lót lẫn nhau

Đây là yếu tố thứ 2 tạo nên xương sống cho chế độ của Tổng thống Assad. Hệ thống an ninh của Syria gồm 4 nhánh độc lập với nhau và nằm trong Hội đồng An ninh Quốc gia, đó là: Cục Tình báo Quân sự, Cục Tình báo Không quân, Cục An ninh Chính trị, và Tổng cục An ninh. Các nhánh đều đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tổng thống Syria. Các phân bộ của mỗi nhánh nhiều khi báo cáo trực tiếp với Tổng thống.

Syria sử dụng đồng thời cả 4 cơ quan an ninh trên nhằm lấp đầy không gian an ninh, hạn chế rủi ro của sự phụ thuộc vào 1 nhánh, đồng thời tạo cơ chế cạnh tranh và kiểm soát lẫn nhau, đề phòng đảo chính.

1- Cục Tình báo Quân sự: Cục này đặt đại bản doanh trong trụ sở Bộ Quốc phòng Syria. Nó có 15 nhánh. Ngoài nhiệm vụ tình báo quốc phòng, cục này cũng đảm nhiệm cả các hoạt động tình báo phi quân sự (nội địa và hải ngoại) như cơ quan tình báo dân sự.

2- Cục Tình báo Không quân: Cơ quan này không chỉ cung cấp thông tin tình báo cho lực lượng không quân Syria mà còn chủ yếu tham gia vào nhiều chiến dịch tình báo mật (kể cả phi quân sự) trong và ngoài nước. Giới quan sát cũng coi đây là một lực lượng tình báo rất mạnh và đầy quyền uy.

3- Cục An ninh Chính trị: Cơ quan lo về mảng chống đối và bất đồng chính kiến. Nó gồm 2 phân cục là an ninh nội địa và phản gián. Theo nhiều nguồn tin, cục này trực thuộc Bộ Nội vụ Syria.

4- Tổng cục An ninh: Đây là cơ quan an ninh dân sự chủ yếu của Syria. Có nhiều mảng chồng chéo với Cục An ninh Chính trị nói trên. Tổng cục An ninh phụ trách cả hoạt động tình báo đối nội và tình báo đối ngoại. Có nguồn tin nói cơ quan này thuộc Bộ Nội vụ Syria nhưng nhiều nguồn tin khác khẳng định Tổng cục này đứng độc lập, không thuộc bộ nào./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tình cảnh phiến quân ở Aleppo
Tình cảnh phiến quân ở Aleppo

(VOV) - Được phương Tây hậu thuẫn và từng có ưu thế nhất định, phe đối lập Syria giờ phải co cụm ở thành phố này và chịu nhiều khó khăn.

Tình cảnh phiến quân ở Aleppo

Tình cảnh phiến quân ở Aleppo

(VOV) - Được phương Tây hậu thuẫn và từng có ưu thế nhất định, phe đối lập Syria giờ phải co cụm ở thành phố này và chịu nhiều khó khăn.

Sự khốc liệt của chiến trường Syria qua các bức hình
Sự khốc liệt của chiến trường Syria qua các bức hình

(VOV) - Oanh kích, bắn tỉa, cận chiến đường phố, hành quyết chóng vánh, đánh bom, và ám sát... đã trở thành chuyện thường ngày ở Syria.

Sự khốc liệt của chiến trường Syria qua các bức hình

Sự khốc liệt của chiến trường Syria qua các bức hình

(VOV) - Oanh kích, bắn tỉa, cận chiến đường phố, hành quyết chóng vánh, đánh bom, và ám sát... đã trở thành chuyện thường ngày ở Syria.

Khủng hoảng Syria sau 2 năm nhìn lại
Khủng hoảng Syria sau 2 năm nhìn lại

(VOV) - Cuộc nội chiến đẫm máu tại nước này cho đến nay đã khiến hơn 70.000 người thiệt mạng.

Khủng hoảng Syria sau 2 năm nhìn lại

Khủng hoảng Syria sau 2 năm nhìn lại

(VOV) - Cuộc nội chiến đẫm máu tại nước này cho đến nay đã khiến hơn 70.000 người thiệt mạng.