Quan hệ Việt Nam - Thái Lan: Khởi động từ một ly kem
VOV.VN - Một ly kem ngon lành ở Hà Nội đã gắn kết vị ngoại trưởng Thái Lan với Việt Nam và mở ra chương mới trong quan hệ ngoại giao giữa 2 nước.
Đó là vào một buổi sáng đẹp trời ở Hà Nội 40 năm trước, ông Bhichai Rattakul khi đó là Ngoại trưởng Thái Lan tới Việt Nam để đàm phán thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam lúc đó là ông Nguyễn Duy Trinh đã mời ông Bhichai một ly kem.
“Tôi biết lúc đó Việt Nam vừa giải phóng xong còn rất khó khăn, tôi không nhớ đó là hãng kem gì, nhưng thật sự nó rất ngon. Sau khi ăn xong, chúng tôi bắt đầu đàm phán để hoàn tất các thỏa thuận. Chính cái ly kem đó đã dẫn tới thỏa thuận. Và chúng tôi đã thống nhất được rất nhiều điểm mà chúng tôi vẫn còn đang tranh cãi”. – ông Bhichai Rattakul nói.
Cựu ngoại trưởng Thái Lan Bhichai.
Chúng tôi tìm đến nhà ông Bhichai vào những ngày tháng 8 lịch sử này, đó là lúc hai nước Việt Nam và Thái Lan đang có những hoạt động mừng kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. 40 năm qua, quan hệ ngoại giao Việt Nam – Thái Lan có những thăng, trầm nhưng đến nay đã có những bước tiến vượt bậc, đó là việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, trở thành bạn bè tốt của nhau trên các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Trong suy nghĩ của nhiều người Thái 40 năm trước, không mấy người có thể mường tượng được, 40 năm sau, quan hệ giữa đất nước Chùa Vàng với Việt Nam có thể trở nên nồng ấm như thế. Tuy nhiên, tất cả những kết quả hiện tại dường như đã nằm trong suy nghĩ của Bhichai trước đó.
Ở tuổi 90, thời gian không thể làm phai nhoà được trí nhớ của người đã từng giữ nhiều trọng trách quan trọng như Bộ trưởng Ngoại giao, Phó Thủ tướng Thái Lan như ông Bhichai. Ông kể, đàm phán thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam là một thách thức rất lớn trong chính bản thân nước Thái. Ông bị những quan chức bảo thủ và báo chí Thái Lan chỉ trích rất nhiều với đường lối ngoại giao 'thân Việt Nam", nhất là khi đó Việt Nam vừa mới thống nhất và Thái Lan là đồng minh của Hoa Kỳ.
“Tôi hiểu được giá trị của tự do và độc lập, thống nhất của các bạn. Khi tôi đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1942, tôi đi bằng tàu biển, khi đó Hà Nội vẫn chịu ách đô hộ của Pháp. Tôi đã thấy cảnh một người Pháp tát thẳng tay vào mặt một phu xe kéo người Việt, bởi anh ta kéo không nhanh. Tôi thấy đó là một sự bất công, tôi không muốn thấy cảnh con người đối xử với nhau như vậy” – ông Bhichai kể.
Quá trình đàm phán phức tạp
Quá trình thảo luận về ký hiệp định ngoại giao với Việt Nam là một câu chuyện dài với người Thái vào thời điểm đó. Thái Lan đã sát cánh với Mỹ để chống lại “Bắc Việt Nam”, đổi lại người Mỹ viện trợ cho Thái Lan. Khi đó, quân đội đang nắm chính quyền ở Thái Lan, không ai được phép tranh cãi. Người Mỹ đã tuyên truyền, thuyết phục người dân Thái Lan về “Học thuyết Domino”, họ nói rằng, một ngày nào đó, quân đội “Bắc Việt Nam” sẽ xâm lược Thái Lan. Tuy vậy, ông Bhichai và đảng của mình không tin vào điều đó, ông cực lực phản đối bản Tuyên bố chung giữa hai ông Dean Rusk và Thanat (Ngoại trưởng Mỹ và Thái) về việc Mỹ hứa bảo vệ Thái Lan trước nguy cơ "xâm lược".
Ông Bhichai và Nguyễn Duy Trinh ký hiệp định thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thái Lan vào năm 1976 tại Hà Nội. |
Sau đó, khi ông Bhichai trở thành thành viên chính phủ và Ngoại trưởng Thái Lan, ông đã ra tuyên bố bác bỏ tuyên bố chung Rusk-Thanat, thực hiện đường lối ngoại giao thân thiện với các nước trong khu vực như Việt Nam, Campuchia, Lào và Myanmar.
Ông đã gặp Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam lúc đó là Phan Hiền khi ông Hiền từ New York trở về, quá cảnh qua Bangkok.
Ông Bhichai nhớ lại:
“Sau khi tôi trở lại vị trí Bộ trưởng Ngoại giao, ngay lập tức tôi đã hành động. Phan Hiền dừng lại ở Bangkok trên đường từ New York trở về Hà Nội, tôi đã tới tận sân bay đợi ông ấy. Tôi đưa ông ấy tới phòng chỉ huy ở sân bay Don Muang, và tôi nói với ông Phan Hiền rằng ông Chatichai đã không còn là Ngoại trưởng nữa. Chúng ta đã không thành công trong việc thiết lập quan hệ ngoại giao bởi vì có một số vấn đề. Đầu tiên, đó là việc quân đội Mỹ vẫn còn hiện diện ở Thái Lan. Thứ hai, trung tâm, mà chúng tôi gọi là Rama 0, ở Udon Thani, vấn đề hồi hương của người Việt Nam đang sinh sống ở Thái Lan. Đây là những vấn đề chính chưa được giải quyết.
Tôi nói với ông Phan Hiền rằng chúng ta có thời gian để nói chuyện. Hãy nói từng vấn đề một. Bởi vậy, khi ông ấy quay trở lại Hà Nội, cả hai chúng tôi đều chờ đợi, chờ đến đúng thời điểm. Và chúng tôi quyết định rằng, chúng tôi sẽ làm điều đó (thảo luận).
Nhưng trước khi tới Hà Nội, chúng tôi tới Vientiane. Bởi chúng tôi cũng có vấn đề ở Vientiane. Chúng tôi biết rằng, nếu giải quyết được các vấn đề với Lào, chúng tôi cũng có thể giải quyết được các vấn đề với Việt Nam. Và chúng tôi đã tới Lào trong hai ngày, sau đó mới tới Hà Nội. Như tôi đã nói trước, việc đàm phán rất khó khăn bởi nhiều vấn đề. Nhưng khi tôi ở Hà Nội, tôi cũng gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc thuyết phục người đồng cấp Nguyễn Duy Trinh.
Tấm Huân chương Hữu nghị của Chính phủ Việt Nam trao tặng luôn được ông Bhichai bày trang trọng trong tủ kính. |
Chúng tôi đã tranh cãi, thảo luận rất nhiều. Và cuối cùng, chúng tôi đã đạt được sự đồng thuận ở tất cả các điểm. Ở đây, tôi sẽ không đi vào chi tiết từng điểm một. Tôi sẽ viết trong cuốn hồi ký của mình, sẽ được công bố sau khi tôi qua đời. Nhưng dù sao, chúng tôi đã có thể kết luận tất cả các vấn đề. Sau đó, lễ ký kết đã được tiến hành vào ngày 6/8/1976. Và khi đó, tôi vô cùng hạnh phúc nhất bởi cuối cùng, sau rất nhiều năm, tôi đã có thể chứng minh được niềm tin, giấc mơ của tôi từ rất nhiều năm trước, rằng chúng ta có thể là bạn và giờ đây đã là bạn. Hiếm người tin vào điều này lúc đó, nhưng tôi tin”.
Bị các chính khách bảo thủ và báo chí công kích
Ngay sau khi ký xong hiệp định bình thường hoá quan hệ với Việt Nam và thiết lập quan hệ ngoại giao, ông Bhichai đã vấp phải một sức ép nặng nề, đó là sự chỉ trích của những chính trị gia bảo thủ và cả giới báo chí.
“Thật không may, khi tôi trở về nhà, tôi bị cáo buộc là "Chủ tịch Đảng Cộng sản Thái Lan", bởi vì, tôi đã tới Lào, một nước XHCN, tôi đã tới Việt Nam - một nước XHCN khác. "Bhichai Rattakul chắc chắn là một người cộng sản" - đó là suy nghĩ của giới quân sự Thái Lan ở thời điểm đó. Nhưng khi đó tôi không sợ hãi, bởi vì tôi cho rằng cách chính quyền Việt Nam điều hành đất nước là việc của người Việt Nam, không phải của tôi, cách chính quyền Thái Lan điều hành đất nước là việc của người Thái Lan, không phải của người Việt Nam. Bởi vậy chúng ta nên tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng niềm tin của nhau. Đó là quan điểm của tôi.
Tôi rất hạnh phúc rằng, sau ngày 6/8/1976, đã dẫn tới rất nhiều sự tiến triển. Có ai mà nghĩ rằng, Việt Nam, Lào, Campuchia sẽ trở thành thành viên ASEAN, sẽ kết giao với tất cả các nước khác. Không ai tin vào điều đó. Và tôi tự hào rằng tôi đã đóng một vai trò nhỏ bé trong quá trình này. Tôi không cho rằng đó là vinh quang của tôi. Tôi dành vinh quang này cho tất cả các nhân viên, các quan chức của Bộ Ngoại giao Thái Lan. Tôi chỉ là một người đàn ông nhỏ bé, đóng một vai trò nhỏ bé”. – ông Bhichai nói.
“Như anh em với Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch”
Trong căn phòng ấm cúng của mình, người đàn ông 90 tuổi này tiếp tục kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về Việt Nam, có một người mà ông đặc biệt dành tình cảm, đó là cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch. Ông Bhichai tiết lộ, ông và Bộ trưởng Thạch có quan hệ như những người anh em.
Cựu ngoại trưởng Thái Lan Bhichai gặp gỡ ông Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam. |
“Tôi kể cho bạn nghe một vụ việc có thực. Khi ông Nguyễn Cơ Thạch thay ông Trinh làm Bộ trưởng Ngoại giao, tôi không còn làm Ngoại trưởng Thái Lan nữa. Nhưng tôi dần trở nên thân thiết với ông Nguyễn Cơ Thạch. Có một hôm, năm tàu đánh cá cùng nhiều ngư dân Thái Lan bị phía Việt Nam bắt giữ. Khi đó, chính phủ Thái Lan không thể làm gì được. Nhưng do tôi rất thân thiết với ông Nguyễn Cơ Thạch, tôi bảo ông Thạch: "Hãy giúp tôi. Những ngư dân này đều là dân nghèo".
Ông ấy bảo rằng không thể làm gì được vì theo luật pháp Việt Nam, các ngư dân này sẽ bị phạt mỗi người 1.000 USD. Tôi bảo họ nghèo lắm, làm gì có tiền nộp phạt. Sau vài tuần, ông Thạch gọi tôi và bảo: "Được rồi, ngài Bhichai, chúng ta là bạn bè. Chúng tôi sẽ thả các tàu cá và ngư dân Thái Lan. Nhưng chúng tôi phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. Thay vì phạt mỗi ngư dân 1.000 USD, chúng tôi sẽ chỉ phạt mỗi người 1 USD thôi".
Hành động đó đã cho thấy sự cảm thông, tình bạn. Sau đó tôi đã nhận được một ít cá biển từ những ngư dân bị bắt. Họ quay trở về nhà và đã đến thăm tôi, tặng tôi một ít cá biển. Và tôi đã kể cho ông Nguyễn Cơ Thạch nghe chuyện này.
Hai năm trước, khi tôi tới Hà Nội, việc đầu tiên tôi làm là tới thăm vợ của ông Thạch. Tôi đã thắp hương trước bàn thờ ông ấy. Trong tháng tới, tôi sẽ quay trở lại Hà Nội, tôi sẽ lại tới thăm nhà ông ấy một lần nữa. Con trai ông Thạch, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngoại giao hiện tại của các bạn, gọi tôi là chú, vì tôi là bạn thân của cha ông ấy. Chúng tôi, Nguyễn Cơ Thạch và Bhichai Rattakul, như anh em với nhau”.
Tương lai tốt đẹp giữa Việt Nam và Thái Lan
Đó là nhận xét đầy lạc quan của ông Bhichai. Đây là điều dường như nằm trong dự tính của ông khi ông đặt bút ký vào biên bản tại Hà Nội 40 năm trước. Hiện tại, chính sách đối ngoại của Thái Lan tương tự như những gì mà Bhichai đã “lập trình” trước đó.
“Tôi cho rằng tương lai mối quan hệ giữa hai nước chúng ta là rất tươi sáng. Không chỉ với Việt Nam, mà với quan hệ giữa Thái Lan với Lào, Campuchia, Myanmar cũng sẽ được cải thiện mạnh mẽ. Không chỉ vì chúng ta là thành viên của ASEAN. ASEAN sẽ còn phải đi một quãng đường dài. Giấc mơ ASEAN trở thành một thị trường chung giống như châu Âu vẫn còn rất xa vời. Còn có rất nhiều rào cản. Nhưng tôi cho rằng mối quan hệ ngoại giao giữa chúng ta sẽ tiếp tục được tăng cường, từng bước một.
Thí dụ, khi chúng ta nói về thương mại, mậu dịch, Việt Nam xuất khẩu gạo. Trong năm nay, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 2,5 triệu tấn. Thái Lan sẽ xuất khẩu khoảng từ 4 tới 5 triệu tấn. Myanmar, Ấn Độ cũng xuất khẩu gạo. Ít nhất, ba nước Thái Lan, Việt Nam, Myanmar có thể cùng ngồi lại, thảo luận với nhau để không giảm giá gạo để mỗi nước đều có lợi. Và như thế, càng ngày mối quan hệ sẽ càng được cải thiện, về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... Tôi nhìn thấy một tương lai vô cùng tốt đẹp” - ông Bhichai kết luận./.