Thảm họa Kyshtym - "Chernobyl" đầu tiên của Liên Xô
VOV.VN - Ở Liên Xô từng xảy ra một thảm khọa hạt nhân khác - thảm họa Kyshtym, với mức độ nghiêm trọng đứng chỉ sau Chernobyl và Fukushima-1.
Ngày vinh danh
Ngày 22/4/1993, Đoàn chủ tịch Hội đồng tối cao Liên bang Nga đã quyết định lấy ngày 26/4 - ngày xảy ra tai nạn Chernobyl – là Ngày tưởng niệm những người thiệt mạng trong các vụ tai nạn và thảm họa phóng xạ. Vào ngày đó năm 1986, tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đã xảy ra thảm kịch lịch sử. Theo ước tính khiêm tốn nhất, khoảng 560.000 người, bao gồm cả quân đội và dân sự, đã tham gia khắc phục hậu quả, góp công vào chiến thắng chống nguy cơ phóng xạ lây lan.
Cho đến nay, không có dữ liệu chính xác về việc có bao nhiêu người đã hiến dâng cuộc sống và sức khỏe của họ cho chiến thắng chống lại kẻ thù vô hình - bức xạ hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Nhưng kết quả công việc của họ được biết đến là đã tạo nên chiếc quan tài khổng lồ phủ toàn bộ tổ hợp năng lượng thứ 4 của nhà máy nhằm bảo vệ hành tinh khỏi mối nguy hiểm đáng sợ liên quan đến việc phơi nhiễm bức xạ.
Thảm họa Kyshtym
Không phải nhiều người biết rằng, trước đó, Liên Xô đã có một thảm khọa hạt nhân khác - thảm họa Kyshtym. Tại nhà máy hóa chất Mayak ở thị trấn bí mật Chelyabinsk-40 (nay là thành phố Ozersk) ngày 29/9/1957 đã xảy ra một vụ nổ với việc giải phóng một lượng lớn các chất phóng xạ. Thảm họa này chỉ được công bố chính thức sau hơn 30 năm - vào tháng 7/1989, mặc dù vào tháng 4/1958, trong ấn phẩm Berlingske Tudende của Đan Mạch lần đầu tiên xuất hiện một lưu ý rằng phông bức xạ cao đã được ghi nhận ở Liên Xô, các tờ báo Xô viết đưa tin, cư dân ở Nam Urals đã chứng kiến “một cực quang độc đáo tỏa sáng bí ẩn”.
Thảm họa kỹ thuật này sau khi được nhà nước công nhận, được gọi là vụ tai nạn Kyshtym chỉ vì khu định cư gần nhất với thị trấn bí mật kia là thành phố Kyshtym, nhưng chi tiết vụ tai nạn khủng khiếp không được công bố.
Đám mây phóng xạ hình thành sau vụ nổ đã bốc lên cao 1-2 km và bị gió tây nam thổi dạt về phía đông bắc, để lại phía sau cái gọi là vết phóng xạ Đông Ural có chiều dài 300km và chiều rộng từ 5 đến 10km. Chỉ trong 11 giờ, 20 triệu curies đã lây nhiễm khu vực có 270.000 cư dân.
Nhà máy hóa chất "Mayak"
Nhà máy hóa chất Mayak được xây dựng từ năm 1945, sau một cuộc họp của Ủy ban Đặc biệt thuộc Hội đồng Nhân dân Liên Xô quyết định xây dựng một nhà máy mang số 817 - nơi chế tạo bom nguyên tử. Vào đầu mùa hè năm 1948, tại nhà máy bí mật Ozersky lò phản ứng hạt nhân công nghiệp A-1 đầu tiên trên lục địa châu Âu đã đạt công suất theo kế hoạch. Sáu tháng sau, nhà máy đã thiết lập một dây chuyền để tách và xử lý plutoni phóng xạ dùng để sản xuất đầu đạn hạt nhân.
Nhà máy hóa chất này không chỉ tách chiết plutonium và uranium, mà còn tạo một lượng lớn chất thải phóng xạ lỏng và rắn trong thành phần chứa các nguyên tố trên, cùng caesium, strontium và các chất độc hại khác. Ban đầu chất thải từ nhà máy Mayak bị ô nhiễm bởi các sản phẩm phân rã hạt nhân chỉ đơn giản đem đổ ra sông Techa cạnh nhà máy. Tuy nhiên, khi tỷ lệ tử vong tăng mạnh được ghi nhận tại các ngôi làng nằm dọc theo bờ sông này, ban quản lý đã quyết định chỉ đổ chất lỏng phóng xạ công nghệ ô nhiễm mức trung bình và thấp xuống đó, còn chất thải có hoạt tính cao mang đổ xuống hồ Karachay.
Vào những năm 1950, tại Mayak người ta đã chế tạo các bể thép không gỉ hình trụ đặc biệt có đường kính 18-20m và thể tích 300m3 phủ bê tông, để lưu trữ chất thải hạt nhân có hoạt tính cao. Người ta giấu chúng dưới lòng đất ở độ sâu 10-12m trong các công trình, các bức tường và mái phủ có độ dày 1m.
Vụ nổ
Vụ nổ xảy ra ở công trình số 14 - nơi chứa các hợp chất plutoni ở dạng lỏng. Về mức độ nghiêm trọng và hậu quả theo phân loại quốc tế hiện đại, là thảm họa cấp 6/7, chỉ đứng sau các vụ tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl và Fukushima-1 (xảy ra muộn hơn). Theo giả thiết chính thức, nguyên nhân gây ra vụ nổ bể chứa chất thải hạt nhân là do hệ thống làm mát của nó bị hỏng. Nước lạnh lưu thông qua các đường ống duy trì nhiệt độ an toàn bên trong xi lanh có thể dễ dàng đạt đến điểm tới hạn do sự phân hạch liên tục của vật liệu hạt nhân kèm theo một lượng lớn nhiệt được giải phóng.
Năm 1956, khi phát hiện ra các ống bể này bị rò rỉ, các chuyên gia đã quyết định tắt hệ thống làm mát trong quá trình sửa chữa. Nhưng không thể nhanh chóng khắc phục vấn đề, và muối axetat và nitrat - là chất nổ - bắt đầu khô và tụ lại trên bề mặt bể. Và vào ngày 29/9/1957, chúng phát nổ do một tia lửa vô tình phát sinh. Một giả thiết khác cho rằng, vụ tai nạn tại nhà máy Mayak xảy ra là kết quả của việc dung dịch plutonium oxalate đi vào bể bay hơi chứa dung dịch plutonium nitrate. Kết quả là, năng lượng được giải phóng dẫn đến viêc bể chứa quá nhiệt và vụ nổ chất phóng xạ xảy ra.
Do vụ nổ với công suất tương đương 80 tấn TNT, công trình số 14 (vào thời điểm đó, có khoảng 80m3 các hợp chất phóng xạ ở dạng lỏng) đã bị phá hủy hoàn toàn, vỏ bọc của nó nặng 160 tấn bị hất ra xa 25m. Trong vài phút, một đám khí với chất thải phóng xạ khô đã thoát ra ngoài khí quyển đến độ cao 2 km, chứa zirconium-95, strontium-90, Caesium-137, ruthenium-106, niobium-95, cerium-144. Trong vòng 10-12 giờ, các chất phóng xạ đã lan tỏa 300-350km theo hướng đông bắc từ nơi xảy ra vụ nổ (theo hướng gió).
Hậu quả
Cuốn theo chiều gió từ Ozersk, đám mây lan truyền các chất phóng xạ ra ba tỉnh cùng một lúc - Chelyabinsk, Tyumen và Sverdlovsk - và bao phủ 217 khu dân cư - nơi cư dân quan sát thấy một vầng sáng màu xanh-đỏ-cam khác thường trên bầu trời.
Không một người nào chết trực tiếp do vụ nổ trong thảm họa Kyshtym, nhưng gần 90% các chất phóng xạ gây chết người đã sa lắng trên địa bàn của một thị trấn mà tên được giữ bí mật; 10% còn lại đủ để hơn 90.000 người sống ở các vùng lân cận nhận được một lượng phóng xạ đáng kể để có thể mắc các bệnh nguy hiểm.
Khắc phục
Những người đầu tiên tham gia khắc phục hậu quả không biết gì về quy mô của thảm họa là các quân nhân và tù nhân địa phương; sau đó, các lực lượng dân sự đã được phái đến để giúp đỡ. Chỉ vào ngày 2/10, một ủy ban đặc biệt được thành lập bắt đầu làm việc tại nơi xảy ra thảm kịch và chỉ vào ngày 6/10 - 8 ngày sau vụ tai nạn, việc sơ tán dân chúng mới được tổ chức. Kết quả là 23 ngôi làng, trong đó có khoảng 12.000 người sinh sống, đã được di tản, tái định cư hoàn toàn. Sau đó, tất cả các cánh đồng đã bị cày nát, tất cả gia súc bị giết và tất cả các ngôi nhà bị phá hủy cùng với tài sản bên trong để ngăn chặn sự lây lan của phóng xạ, cũng như loại bỏ khả năng người dân bí mật trở về nhà.
Khu bảo tồn thiên nhiên
Năm 1959, một khu bảo vệ-vệ sinh đã được hình thành dọc theo toàn bộ chiều dài của vết bụi phóng xạ từ thảm họa Kyshtym - nơi bị cấm tiến hành bất kỳ hoạt động kinh tế nào. Sau 9 năm, khu này đã được chuyển đổi thành Khu bảo tồn thiên nhiên Nhà nước Đông Ural, ngày nay chỉ có thể đến thăm với giấy phép đặc biệt, vì vẫn còn mức phóng xạ cao. Khu bảo tồn được gọi là Nguyên tử - nơi các nhà khoa học di truyền nghiên cứu ảnh hưởng của bức xạ đối với thế giới sống./.