Từ khả năng tấn công Syria, nghĩ về vụ khủng bố 11/9
VOV.VN - Mở đầu thế kỷ 21, sự kiện buồn thảm 11/9 ở nước Mỹ cho đến nay vẫn là lời cảnh tỉnh sâu sắc trên nhiều phương diện.
Một “giáp” đã trôi qua kể từ khi xảy ra các vụ tấn công khủng bố kinh hoàng nhằm vào nước Mỹ ngày 11/9/2001. Đúng ngày này 12 năm trước, những tên không tặc đã khống chế 4 chiếc máy bay dân sự chở đầy khách, biến chúng thành các “trái bom” lao thẳng vào các biểu tượng kinh tế, quân sự và chính trị của nước Mỹ. Hai chiếc làm sụp đổ Tòa Tháp Đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York, 1 chiếc tàn phá một góc của Lầu Năm Góc, và 1 chiếc bị rơi trên đường tới tấn công mục tiêu là Nhà Trắng hoặc trụ sở Quốc hội Mỹ. Chỉ trong thời gian ngắn, các cuộc tấn công “vô tiền khoáng hậu” này đã cướp đi sinh mạng của khoảng 3.000 người.
Tòa tháp đôi WTC Mỹ bị tấn công bằng phi cơ (ảnh: Telegraph) |
Như vậy, ngay năm đầu tiên của thiên niên kỷ thứ 3 đã chứng kiến bạo lực dữ dội (vào tháng 9 ở Mỹ) và 1 cuộc chiến tranh mới (tháng 10 năm đó, Washington phát động cuộc chiến tranh ở Afghanistan nhằm lật đổ Taliban và tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden của tổ chức al-Qaeda.)
Loạt tấn công 11/9 thực sự là đòn choáng váng với nước Mỹ. Xưa nay Mỹ đi gây chiến tranh ở nhiều nước nhưng bản thân đất nước họ thì không bị ảnh hưởng nhiều bởi các cuộc chiến tranh, do Mỹ nằm cách biệt với các châu lục khác bởi các đại dương. Là siêu cường thế giới (sau năm 1991 thì trở thành siêu cường duy nhất), sở hữu hệ thống lá chắn tên lửa, vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí tối tân khác, vậy mà giờ đây Mỹ lại bị tấn công bất ngờ ngay giữa ban ngày, khiến Mỹ chẳng khác nào 1 mãnh thú bị trúng thương. Trên đất Mỹ, các cảm giác sợ hãi và giận dữ đan xen vào nhau. Niềm kiêu hãnh bị thách thức, tâm lý dân tộc trỗi dậy, nhiều người dân Mỹ đã nộp đơn xin gia nhập CIA hoặc quân đội để tham gia cuộc chiến chống khủng bố trong khi giới lãnh đạo nóng lòng tìm cách báo thù.
Thế nào là khủng bố?
Có rất nhiều định nghĩa về khủng bố, kẻ khủng bố đối với người A có thể lại là chiến sĩ tự do đối với người B. Thậm chí 2 phe trong 1 cuộc xung đột có thể tố lẫn nhau là khủng bố. Nhưng nhìn chung khái niệm này mang hàm ý xấu, với nội dung tấn công vào các mục tiêu dân sự để gây hoảng loạn trong dân chúng nhằm đạt các mục đích chính trị, tôn giáo hoặc ý thức hệ. Đa số mọi người đều coi loạt tấn công 11/9 là khủng bố thật sự khi có rất nhiều người vô tội (không chỉ người Mỹ) phải vùi xác dưới đống đổ nát. Ngay như Taliban - vốn bị cáo buộc chứa chấp khủng bố cũng như thực hiện hàng loạt vụ đánh bom tự sát - cũng bày tỏ buồn đau trước thảm kịch này.
Tình báo Mỹ nhanh chóng xác định thủ phạm là tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan al-Qaeda cùng thủ lĩnh bin Laden. Thực tế sau đó trùm khủng bố cũng thừa nhận y đứng đằng sau các vụ tấn công này.
Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan tấn công nhiều nước, không riêng gì Mỹ nhưng lại đặc biệt “ưu ái” “xứ sở tự do” này. Từ trước năm 2001, các cơ sở ngoại giao, quân sự… của Mỹ ngoài lãnh thổ nước này đã trở thành mục tiêu tấn công của các nhóm Hồi giáo cực đoan. Do đâu lại xuất hiện khủng bố chống Mỹ nói riêng và chủ nghĩa bài Mỹ nói chung?
Nghèo đói được coi là mảnh đất dung dưỡng cả tội phạm thông thường và các phần tử khủng bố cực đoan. Nhưng như thế chưa đủ. Còn có cả yếu tố tôn giáo và sự can thiệp của Mỹ trong việc hình thành tư tưởng chống Mỹ trên phạm vi toàn cầu.
Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan cổ xúy việc áp dụng luật Hồi giáo Sharia và cảm thấy bị ngáng trở bởi Mỹ cùng với quá trình toàn cầu hóa (tư bản chủ nghĩa) đang diễn ra sâu rộng. Những người Hồi giáo cực đoan bực dọc về việc các giá trị phương Tây và phong trào thế tục đang làm xói mòn dần phạm vi ảnh hưởng của đạo Hồi vốn có uy thế rất cao thời đế chế Arab và Ottoman.
Theo tuyên bố của Osama bin Laden, al-Qaeda tấn công Mỹ vào ngày 11/9 là để phản đối việc Mỹ và phương Tây trừng phạt Iraq, ủng hộ Israel, đưa quân vào Saudi Arabia (sau 1991), cũng như để phản ứng nói chung trước thực trạng các phong trào Hồi giáo cực đoan bị tấn công ở nhiều nơi trên thế giới.
Tuy nhiên nguyên nhân quan trọng nhất có lẽ là chủ nghĩa can thiệp Mỹ. Từ năm 1945, Washington theo đuổi bạo lực, chiến tranh và tác động chính trị ở khắp nơi, với tham vọng bá chủ thế giới và do đó đã va chạm với niềm tin tôn giáo ở phương Đông, đồng thời tự tạo cho mình vô số kẻ thù trên tất cả các lĩnh vực và khu vực.
Xe thiết giáp quân Anh, đồng minh của Mỹ tham gia tấn công Iraq (ảnh: Reuters) |
Lịch sử 30 năm qua của nước Mỹ, với 5 đời Tổng thống cả thảy, là lịch sử can thiệp quân sự vào vô số các quốc gia. Ngay trước cuộc chiến 2001, Mỹ cùng NATO đã kết thúc thiên niên kỷ cũ bằng việc không kích dữ dội một nước có chủ quyền là Nam Tư (1999), bất chấp luật pháp quốc tế.
Thế giới kinh hãi vì khủng bố 11/9 đã đành, thế giới còn kinh hãi vì đòn trả thù sau đó của Mỹ, nước đã huy động rầm rộ cỗ máy quân sự trên quy mô lớn, lôi kéo thêm nhiều đồng minh tham gia vào cuộc “thập tự chinh” chống khủng bố. Mỹ nhanh chóng xác định Afghanistan là nơi “bảo trợ khủng bố” và đưa quân đánh tan tác lực lượng Taliban cầm quyền ở nước này.
Lật ngược vấn đề
Tấn công Afghanistan có thể được chấp nhận rộng rãi vì chế độ Taliban quá hà khắc và kỳ quái, gây bao nỗi thống khổ cho nhân dân Afghanistan. Trên thực tế cuộc chiến của liên quân Mỹ ở đây đã nhận được nhiều sự ủng hộ của phe đối lập, nhân dân địa phương cũng như sự hỗ trợ của quốc tế. Binh lính Taliban phải chiến đấu đơn độc và nhanh chóng thất bại trong việc bảo vệ các thành trì Hồi giáo cực đoan phản dân chủ.
Tuy nhiên, cú phản đòn mạnh mẽ của Mỹ đặt ra rất nhiều vấn đề về pháp lý, về sự đơn phương của nước lớn, sẵn sàng gạt sang một bên luật pháp quốc tế và chủ quyền của quốc gia khác để làm điều mình muốn.
Các vụ tấn công khủng bố 11/9 không phải do 1 nhà nước tiến hành nhưng đã bị Tổng thống George W. Bush coi như là hành động chiến tranh để từ đó ông này phát động chiến tranh “phòng vệ” và ra đòn đánh phủ đầu. Taliban mặc dù “sĩ diện” nhưng vẫn cố đàm phán và xuống thang dần để tránh đối đầu với siêu cường Mỹ song ông Bush thẳng thừng tuyên bố “thời gian đã hết” và không còn chỗ cho thương lượng.
Điều lạ khi ấy là, mặc dầu tình báo Mỹ chưa định vị được bin Laden cùng các thủ lĩnh khác của al-Qaeda (phải đến tháng 5/2011, Washington mới xác định chính xác vị trí của bin Laden và tấn công tiêu diệt ông này) nhưng Mỹ vẫn cứ sốt sắng phát động cuộc chiến “giải phóng” Afghanistan, khua chiếc “gậy” vũ lực khắp đất nước này, gây bao thương vong tang tóc cho thường dân.
Những điều đặc biệt nói trên cho thấy có nhiều động cơ khác ẩn sâu sau chiêu bài chống khủng bố của Mỹ. Sự kiện 11/9 vô tình đã thành cái cớ lý tưởng để Mỹ hạ bệ cái gai Taliban đang lộng hành, đồng thời dựng lên ở Afghanistan một chính phủ thân Mỹ. Vế thứ 2 này là điều Mỹ hằng mong muốn vì Afghanistan có vị trí địa chính trị vô cùng quan trọng – đất nước này là giao lộ giữa Trung Đông, Trung Á, và Nam Á, nằm cạnh Iran và ngay trước thềm cửa nước Nga. Việc lập được chính quyền thân Mỹ ở đây rõ ràng đem lại nhiều lợi ích cho Mỹ trên bàn cờ quốc tế, tăng cường hiện diện quân sự của Washington ở khu vực đặc biệt nhạy cảm này.
Cận cảnh Tòa tháp đôi ở New York (Mỹ) bị khủng bố tấn công (ảnh: elist10) |
Sau năm 2001, Osama bin Laden khi phân trần lý do tấn công Tháp Đôi WTC đã “phun” ra nguyên nhân là để ủng hộ Iraq. Thế là, dù chẳng dính dáng gì đến al-Qaeda, ông Saddam Hussein đã bị liên lụy liền. Ông Bush đã chộp lấy thông tin đó và sử dụng thêm các “báo cáo tình báo” để liệt Iraq cùng với Iran và Triều Tiên vào “trục ma quỷ”.
Tâm lý đề phòng
Trường hợp Iraq nhanh chóng trở thành trò đại bịp trong nền chính trị quốc tế. Tổng thống Hussein có thể từng cứng rắn trong việc cai trị đất nước mình nhưng rõ ràng vô tội trong lần này trước các cáo buộc của Tổng thống Bush về vũ khí hóa học và mối liên hệ với al-Qaeda. Tuy nhiên, ngài Bush không cho Saddam Hussein cơ hội thanh minh và đã buộc ông này phải chịu kết cục bi thảm.
Sau chiến tranh Iraq (2003), nhiều nước giật mình về sự hung hăng và quyết đoán của người Mỹ. Riêng Iran và Triều Tiên thì cảnh giác hơn bao giờ hết. Cũng từ năm 2003, được chứng kiến những gì xảy ra với Iraq, Triều Tiên đã rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân và bắt đầu đẩy mạnh việc thử nghiệm và phát triển vũ khí hạt nhân, coi đây là vũ khí răn đe chiến lược trước “âm mưu xâm lược” của Mỹ. Cuộc chiến Libya với sự can dự lớn của Mỹ sau đó càng củng cố quyết tâm phát triển vũ khí hạt nhân của quốc gia Đông Bắc Á này.
Chủ nghĩa can thiệp Mỹ vẫn không hề chấm dứt kể cả dưới thời chính quyền Obama – Tổng thống của Đảng Dân chủ và Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ, người truyền cảm hứng “thay đổi” cho cả 1 thế hệ.
Mỹ đã dẫn đầu cuộc can thiệp quân sự vào Libya hỗ trợ trực tiếp cho việc lật đổ nhà lãnh đạo Gaddafi, đẩy mạnh các cuộc tấn công bằng phi cơ không người lái trên lãnh thổ nhiều nước Trung Đông bất chấp sự phản đối của các nước đó. Và gần đây nhất Mỹ luôn gây sức ép lên Syria bằng việc cáo buộc nước này “sử dụng vũ khí hóa học” rồi ráo riết chuẩn bị mọi mặt cho tấn công quân sự trừng phạt Syria.
Có thể nói chừng nào còn áp dụng chính sách ngoại giao dựa trên vũ lực thì chừng đó Mỹ còn nhiều kẻ thù và đối diện với nguy cơ khủng bố. Không những thế, việc can thiệp mà Mỹ làm ở các nước như Iraq sẽ tạo ra các khoảng trống nguy hiểm để khủng bố lên ngôi và hoành hành ở các nước đó rồi lây lan sang các nước khác. Thực tiễn Iraq cho thấy sự can thiệp của người Mỹ không đem lại yên bình cho mảnh đất Trung Đông này mà chỉ biến nơi đây thành “thiên đường” cho khủng bố quốc tế cũng như bạo lực đẫm máu giữa các nhóm sắc tộc và tôn giáo.
Và chắc chắn, nhiều quốc gia đã “khắc ghi” bài học về đòn trả thù tàn bạo của siêu cường Mỹ dưới danh nghĩa chống khủng bố./.