Vì sao đa số thẩm phán Nga thuộc phái đẹp?
VOV.VN - Tỷ lệ phái đẹp Nga làm nghề thẩm phán cao gần gấp 3 lần mức trung bình của thế giới. Vậy đâu là lý do khiến chị em người Nga đổ xô vào nghề này?
Ở Nga, phụ nữ chiếm khoảng 2/3 tổng số thẩm phán, tỷ lệ này cao gấp 2,5 mức trung bình của thế giới. Các nữ luật sư trẻ tuổi đổ xô vào ngành tòa án, chấp nhận việc phải mất vài năm lao động cật lực mà chỉ nhận mức lương “hẻo”. Động lực khiến họ làm vậy chính là cơ hội lớn sau này và chế độ hưu trí hấp dẫn khi đó.
Một nữ thẩm phán Nga. Ảnh: TASS.
Mỗi sáng, Yelena Ivanova (tên nhân vật đã được thay đổi theo yêu cầu của người được phỏng vấn) – một thẩm phán tại một trong các tòa cấp quận ở thủ đô Moscow, ngủ dậy vào lúc 6h30 rồi lượn qua dòng xe cộ đông đúc ở thành phố này để tới nơi làm việc đúng giờ. Tại công sở, cô dành hầu hết thời gian thức giấc của mình. Tòa chính thức đóng cửa vào lúc 18h nhưng khối lượng công việc lúc nào cũng nặng nề và cô phải làm việc thêm giờ.
Ivanova nói: “Đôi lúc tôi cảm thấy mình bị ngập trong đống giấy tờ.” Điều này chẳng có gì ngạc nhiên khi mà mỗi ngày cô phải xem xét từ 20-30 vụ.
Ivanova cho biết 2 nhân viên cấp dưới mình – gồm một thư ký tòa và một thẩm phán trợ lý, đều là nữ giới. Nhiều đồng nghiệp thẩm phán của cô cũng là nữ.
Các nghiên cứu mới đây cho thấy phụ nữ hiện diện đáng kể trong ngành tòa án Nga. Theo một nghiên cứu năm 2014 của Viện Pháp quyền thuộc Đại học châu Âu ở Saint Petersburg, có tới 64,7% thẩm phán Nga thuộc phái nữ.
Con số trên cao hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới. Theo Hội Luật sư Quốc tế, tỷ lệ trung bình phụ nữ trong hệ thống tư pháp của một nước trên thế giới chỉ là 25%.
Di sản quá khứ
Tác giả của nghiên cứu nói trên nhận thấy thời Liên Xô, các nước Đông Âu khác cũng có tỷ lệ thẩm phán nữ trên mức trung bình.
Nhà xã hội học Kirill Titayev, một trong các nhà nghiên cứu tham gia vào cuộc nghiên cứu này, cho biết ở các nước XHCN Đông Âu, các nam giới trẻ tuổi muốn tiến thân trong cơ quan đảng hoặc cơ quan công tố.
Trong thập niên 1990, mức lương của nhân viên tòa án vốn khá cao thời Xô viết đã bị rớt thê thảm do lạm phát. Khi ấy nhiều thẩm phán nam đã bỏ nghề để đi tìm những công việc có mức lương cao hơn. Ngược lại, đa phần phụ nữ vẫn bám trụ công việc có mức lương thấp của họ do tính ổn định của nghề.
Đến giữa thập niên 2000, sự kiên nhẫn của các nữ thẩm phán Nga đã được đền đáp: Chính phủ điều chỉnh tăng lương đáng kể cho nghề thẩm phán.
Thẩm phán Ivanova khá hài lòng với những gì mình đang có. Cô kiếm được khoảng 80.000 rouble (tương đương 1.232 USD) mỗi tháng – mức lương này không phải là tệ theo tiêu chuẩn chung của Nga. Còn mức lương tháng của một thẩm phán cấp liên bang là vào khoảng 140.000 rouble (tương đương 2.156 USD). Riêng thẩm phán của Tòa án Tối cao Nga có thu nhập lên tới 300.000 rouble (tương đương 4.620 USD).
Kirill Titayev nói: “Ở bất cứ nước nào, thu thập của một thẩm phán thường cao hơn thu nhập trung bình của đất nước.” Tuy nhiên, ông này cho biết thêm, không giống với với các đồng nghiệp ở nước ngoài, các nhân viên tòa án ở Nga họ thường nhận mức lương thấp hơn.
“Mức lương trung bình của một thư ký tòa án [ở Nga] là khoảng 17.000 rouble (tương đương 261 USD) – một mức khiêm tốn. Trong khi đó chức danh quản lý tòa ở châu Âu thường có mức lương cao hơn mức trung bình”.
Kiên nhẫn chờ đợi
Theo các dữ liệu do Viện Pháp quyền nói trên thu thập, hầu hết các thẩm phán từng là nhân viên tòa án, bởi lẽ việc vượt qua kỳ thi tuyển dụng sẽ dễ dàng hơn với những người có 5-7 năm kinh nghiệm thực tế.
Phụ nữ thường lựa chọn con đường kiên trì tiến tới vị trí thẩm phán: “Nam giới chỉ chiếm 17% trong số thẩm phán có được vị trí này sau khi làm nhân viên phục vụ tòa án. Các hoạt động lặp lại, không dùng mấy đến cơ bắp thường bị văn hóa công sở tương đối gia trưởng ở Nga coi là “công việc dành cho đàn bà”. Một công việc mà càng gắn nhiều với giấy tờ thì thường là do phụ nữ đảm nhiệm.
Ngoài ra, các thẩm phán nữ thường tin tưởng vào các nữ nhân viên và đưa họ vào ê kíp của mình. Do vậy mà sau nhiều năm lao động vất vả với mức lương thấp, cuối cùng họ cũng được đền đáp xứng đáng. Khi đề bạt cán bộ, Chánh án thường nghiêng về lựa chọn các nữ nhân viên đã chứng tỏ là những người lao động mẫn cán.
Yelena Ivanova nói: “Chắc chắn là nếu tôi đã làm việc lâu năm với ai đó và biết rằng người đó sẽ không khiến tôi thất vọng, tôi sẽ đề cử người đó nếu họ có nguyện vọng làm thẩm phán”.
Ông Kirill Titayev thì cho biết: “Nhân viên tòa án chấp nhận làm việc với mức lương khiêm tốn trong nhiều năm để chờ đến ngày được nhận lương thẩm phán và chế độ hưu trí tốt”.
Ở Nga một khi vào ngạch thẩm phán thì sẽ được nhà nước chăm sóc trong cả phần đời còn lại. Sau 20 năm phục vụ, họ có thể nghỉ hưu và nhận mức lương hưu tương đương với mức lương trung bình của thẩm phán cùng cấp.
Như vậy việc phái đẹp “thống trị” trong các tòa án phần lớn là do cánh mày râu không sẵn lòng đợi chờ thăng tiến trong nhiều năm ròng với mức lương bèo bọt.
Tuy nhiên các thống kê lại cho thấy tòa án càng ở cấp cao thì càng có ít nữ thẩm phán. Chẳng hạn đa số thẩm phán của Tòa án Tối cao Nga là nam giới.
Ông Titayev nhận định: “Nam giới có xu hướng leo cao hơn nữ giới, tới mức mà chúng ta có thể gọi đó là sự phân biệt đối xử với nữ giới”./.