Vì sao Liên Xô đưa quân vào Afghanistan bất chấp các rủi ro?
VOV.VN - Liên Xô ý thức rất rõ về các rủi ro nếu can thiệp quân sự vào Afghanistan nhưng rốt cuộc họ vẫn chấp nhận đưa quân vào đó sau nhiều lần cân nhắc...
Vào thập niên 1970-1980, Liên Xô đã triển khai các lực lượng quân sự tại Afghanistan theo yêu cầu trực tiếp của chính phủ quốc gia Nam/Trung Á này. Động thái đó khiến quân đội Xô viết bị sa lầy và chịu nhiều tổn thất tại đây.
Quân đội Liên Xô rút lui khỏi Afghanistan vào năm 1989. Ảnh: Sputnik.
Không ai biết chính xác nhà lãnh đạo Afghanistan Hafizullah Amin đã chết ra sao. Một số người tuyên bố rằng ông ta tự bắn vào chính mình. Số khác cho rằng một sĩ quan Afghanistan đã sát hại Amin. Nhưng có một điều chắc chắn: cái chết đó xảy ra vào đêm 27/12/1979, khi lực lượng đặc nhiệm Liên Xô đột kích dinh Tajbeg được bảo vệ nghiêm ngặt của ông này.
Đó là dấu hiện chính đầu tiên về quá trình Liên Xô can thiệp vào cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn tại Afghanistan. Trong thời gian từ ngày 25 đến 27/12/1979, các tiểu đoàn quân đội Liên Xô di chuyển vào lãnh thổ Afghanistan và giành kiểm soát thủ đô Kabul, mở đầu 10 năm can thiệp quân sự vào đất nước này. Tuy nhiên thực chất đây không phải là một cuộc xâm lược. Trước đó, giới chức cánh tả Afghanistan (bao gồm cả Amin) về cơ bản đã có tới 19 lần yêu cầu nhà lãnh đạo Xô viết Brezhnev gửi quân sang đất nước của họ để hỗ trợ chính quyền tại đó. Tình hình Afghanistan lúc đó rất phức tạp.
Thắng lợi không mong muốn với Liên Xô
Có một nghịch lý là khi Đảng Dân chủ Nhân dân Afghanistan (PDPA) thân Liên Xô giành chính quyền thông qua một cuộc chính biến (cuộc cách mạng Saur vào tháng 4/1978), ban lãnh đạo Liên Xô lấy làm không vui. Sử gia Nikita Mendkovich giải thích về điều này như sau: “Trước đó, chính sách của Liên Xô là giữ cho Afghanistan trung lập”.
Giai đoạn đó Chiến tranh Lạnh đang ở đỉnh cao và một nước Afghanistan trung lập dường như sẽ tạo ra một vùng đệm an toàn giữa các nước cộng hòa Trung Á thuộc Liên Xô và các nước đối thủ là Pakistan, Iran và cả Trung Quốc nữa. Thực tế, sau khi PDRA nắm quyền, tất cả các nước “đối thủ” nói trên và phương Tây đều coi đây là “nguy cơ” làm lan rộng chủ nghĩa xã hội cũng như ảnh hưởng của Liên Xô xuống phía nam và sang khu vực Trung Đông nhiều dầu lửa. Dựa trên đánh giá như vậy, các nước này đã ủng hộ phe đối lập Afghanistan, bao gồm cả các chiến binh Hồi giáo nổi loạn.
Nhóm XHCN Afghanistan nóng vội và bất đồng
Nur Muhammad Taraki, nguyên thủ Afghanistan dưới thời PDRA, đã không thể tìm được tiếng nói chung với người dân nước mình. Là một người cánh tả theo đường lối cứng rắn, Taraki bắt đầu các cải cách xã hội và kinh tế cấp tiến bằng việc chia đất cho nông dân nghèo (điều này khiến các phú nông vô cùng tức giận), bãi bỏ luật Hồi giáo Shariah, và cho phép trẻ em gái được đi học (điều này cũng chọc giận những phần tử Hồi giáo cực đoan).
Những người XHCN Afghanistan kỷ niệm chiến thắng của họ, vào năm 1979. Ảnh: TASS. |
Taraki tự hào nói với quan chức KGB (tình báo Liên Xô) Vladimir Kryuchkov vào tháng 7/1978: “Các đồng chí hãy đến thăm chúng tôi trong một năm nữa và các đồng chí sẽ thấy các thánh đường Hồi giáo tại đây hoàn toàn trống rỗng”.
Nhà cách mạng Taraki bày tỏ mơ ước đầy tham vọng như sau: Chỉ mất vài năm nữa, đất nước Afghanistan (với xuất phát điểm nông nghiệp nghèo nàn) sẽ đuổi kịp Liên Xô về các mặt như giáo dục và y tế miễn phí, phổ cập chữ viết, và công nghiệp nặng (dù những thành tựu này Liên Xô đã phải nỗ lực nhọc nhằn trong thời gian dài mới đạt được).
Nhưng thực tế khác xa với mong đợi nôn nóng của Taraki. Năm tiếp theo, các nhà thờ Hồi giáo ở Afghanistan vẫn đầy người, đất nước chìm trong nội chiến, còn bản thân Taraki thì bị giết chết.
Người ra tay hạ thủ Taraki không phải là các phiến quân mà chính là trợ thủ đắc lực của ông – Bộ trưởng Quốc phòng Hafizullah Amin. Vào ngày 16/9/1979, Amin lật đổ Taraki. Sau đó, người của Amin đã dùng một chiếc gối để làm cho Taraki chết ngạt.
Nắm quyền kiểm soát Đảng Dân chủ Nhân dân Afghanistan, Amin tiếp tục phát động cuộc chiến chống các phần tử Hồi giáo thánh chiến (các chiến binh Mujahideen) và duy trì quan hệ tốt với Liên Xô (theo suy nghĩ của ông này).
Can thiệp hay không can thiệp?
Chỉ vài tháng trước khi đưa quân vào Afghanistan, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô kiên quyết loại bỏ khả năng này.
Yuri Andropov – Chủ tịch KGB và lãnh đạo Liên Xô sau này, nhận định: “Cách duy nhất chúng ta có thể đảm bảo cho Cách mạng Afghanistan không thất bại là bằng cách đưa quân vào đây, nhưng chúng ta tuyệt đối không thể làm vậy. Rủi ro quá cao”.
Phát biểu trên của Andropov được đưa ra vào tháng 3/1979 trong cuộc thảo luận về lần yêu cầu đầu tiên trong số 19 lần yêu cầu của Taraki và sau đó là Amin về việc triển khai quân đội Liên Xô sang Afghanistan.
Quan điểm của Andropov nhận được sự ủng hộ nhất trí của các quan chức Liên Xô, dù Taraki và Amin kiên trì khẳng định rằng nếu Liên Xô không chịu hậu thuẫn thì đất nước Afghanistan sẽ rơi vào tay các phần tử Hồi giáo cực đoan được lòng của nhiều người dân Afghanistan và nhận được sự ủng hộ tài chính của Mỹ, Iran, Trung Quốc và Pakistan (riêng Pakistan còn cung cấp cả chiến binh trực tiếp tham chiến). Khi ấy, Moscow quyết định chỉ ủng hộ chính quyền Afghanistan bằng viện trợ quân sự bao gồm vũ khí và người hướng dẫn, chứ không phải là bằng quân lính, và họ đã theo đuổi đường lối đó từ tháng 3 đến tháng 12/1979.
Tránh để mất thế địa chính trị
Điều gì đã khiến Bộ Chính trị Liên Xô thay đổi quyết định? Về mặt địa chính trị, thực lòng Brezhnev và các cộng sự của ông e sợ việc đánh mất Afghanistan. Vào cuối năm 1979, một liên minh chống chính quyền cánh tả đã nắm được 18 trên tổng số 26 tỉnh của Afghanistan, trong khi lực lượng vũ trang của chính quyền trung ương đứng bên bờ tan rã.
Các phiến quân thánh chiến Mujahideen chống lại Liên Xô và chính quyền Afghanistan thân Liên Xô. Ảnh: Getty Images. |
Nhà lãnh đạo Brezhev lập luận như sau: Nếu Afghanitsan rơi vào tay các phần tử Hồi giáo cực đoan hoặc lực lượng dân quân thân phương Tây thì điều này sẽ tạo ra mối đe dọa đối với các nước Trung Á thuộc Liên Xô, mà biên giới các nước này có nhiều người tộc Tajikistan và Uzbekistan dễ bị lôi cuốn vào hàng ngũ Mujahideen. Nhà sử học Mendkovich cho rằng ở đây ảnh hưởng của nước ngoài được xem là một mối đe dọa vì với di sản Hồi giáo mạnh, khu vực Trung Á được coi là ít chất Xô viết.
Theo đánh giá của giới chức Liên Xô, nếu chính quyền thân Liên Xô tại Afghanistan thất bại trong cuộc chiến với các phiến quân Hồi giáo thì sẽ có nguy cơ các căn cứ quân sự Mỹ hoặc Trung Quốc xuất hiện tại quốc gia Nam-Trung Á này, tạo ra mối đe dọa đối với nhiều vị trí chiến lược. Sau khi cân nhắc các mặt, ban lãnh đạo Liên Xô cho rằng cần hành động quân sự để tránh các điều tệ hại hơn. Họ cũng quyết định loại bỏ Amin do nghi ngờ Amin có khả năng ngả về phía Mỹ khi chịu áp lực lớn (hình ảnh Amin trong mắt giới lãnh đạo Liên Xô không được tốt lắm từ sau khi ông này tiêu diệt Taraki – ND).
Cái bẫy do Mỹ dựng lên để làm Liên Xô chảy máu?
Sự hiện diện của quân đội Liên Xô ở Afghanistan kéo dài tới tháng 2/1989. Theo các nguồn tin chính thức, cuộc chiến này đã khiến 15.000 quân Liên Xô và ít nhất 640.000 người Afghanistan thiệt mạng. Liên Xô đã không đạt được các mục tiêu đề ra: Chính quyền thân Liên Xô đã sụp đổ chỉ vài tháng sau khi Liên Xô rút quân khỏi Afghanista. Việc đưa quân Liên Xô vào đây trở thành một thảm họa “PR” quốc tế, làm tổn hại thế cân bằng hòa hoãn giữa Liên Xô và Mỹ thời Chiến tranh Lạnh.
Ảnh: Quân đội Liên Xô rút lui khỏi “bãi lầy” Afghanistan
Việc Liên Xô can thiệp vào Afghanistan cũng góp phần đẩy nhanh quá trình tan rã của Liên Xô.
Trong cuốn sách “Lịch sử Quan hệ Quốc tế, 1945-2008”, nhà chính trị học Alexey Bogaturov viết: “Cuộc chiến Afghanistan làm xấu đi vị thế kinh tế của Liên Xô và phá hỏng sự thống nhất trong xã hội Liên Xô”.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với tờ báo Pháp Le Nouvel Observateur, ông Zbigniew Brzezinski - Cố vấn An ninh Quốc gia cho Tổng thống Mỹ Jimmy Carter giai đoạn 1977-1991, đã nói như thế này: “Chúng tôi không đẩy Nga tới chỗ can thiệp nhưng chúng tôi có ý thức làm tăng xác suất điều đó xảy ra”.
Brzezinski nói: “Cái ngày Liên Xô chính thức đưa quân qua biên giới, tôi có viết cho Tổng thống Carter như thế này: “Chúng ta giờ có cơ hội làm cho Liên Xô sa lầy như Mỹ ở Việt Nam”.”
Cuộc phỏng vấn nói trên diễn ra vào năm 1998. Nhưng ba năm sau đó, Mỹ lại bước vào một cuộc chiến mới ở Afghanistan, ngay sau loạt tấn công khủng bố 11/9/2001. Và Mỹ lại đối mặt với mối đe dọa của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, lần này được tài trợ và hậu thuẫn từ ngay bên trong Afghanistan./.