Xung đột Nga - Ukraine cận kề ngưỡng chiến tranh tổng lực giữa các siêu cường
VOV.VN - Trước việc lằn ranh đỏ của Nga bị phương Tây vượt qua nhiều lần, đã xuất hiện ý kiến cho rằng Mỹ nên mạnh dạn cho phép Ukraine tập kích lãnh thổ Nga bằng vũ khí tầm xa của phương Tây mà không sợ bị trả đũa. Nhưng giới nghiên cứu đánh giá đây là quan điểm nông cạn, ẩn chứa rủi ro đẩy xung đột Nga - Ukraine tới bờ vực chiến tranh tổng lực.
Áp lực của phe cứng rắn bên miệng hố chiến tranh
Phe ủng hộ Ukraine ở Mỹ và châu Âu hối thúc Tổng thống Mỹ Biden phải cứng rắn với Nga và viện trợ mạnh mẽ hơn nữa cho Ukraine trong cuộc đối đầu quân sự với Nga. Tuy nhiên, trong cuộc gặp gỡ với Tổng thống Ukraine Zelensky vào cuối tháng 9/2024, ông Biden đã khước từ yêu cầu của ông Zelensky muốn Mỹ cho phép Ukraine dùng tên lửa phương Tây để tập kích tầm xa vào sâu trong lãnh thổ Nga.
Những người ủng hộ Ukraine đã chế giễu sự thận trọng của ông Biden, cho rằng đó là biểu hiện của sự yếu đuối. Nhưng sự chỉ trích như vậy là quá dễ dãi. Nhà Trắng cần có một cái đầu lạnh tỉnh táo. Trên thực tế, khi khước từ đề nghị của ông Zelensky, người đứng đầu Nhà Trắng đã chủ động tránh rủi ro Nga sẽ trả đũa Mỹ và phương Tây. Nhằm tránh leo thang xung đột, Tổng thống Biden đã làm theo lời khuyên của các cố vấn tình báo, đồng thời hoàn thành nghĩa vụ của tổng thống Mỹ trong việc làm giảm nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Mỹ hoàn toàn có thể thực hiện những bước đi theo cách khác để giúp đỡ Ukraine sớm đạt được một giải pháp ổn thỏa tránh bị ngã gục trong xung đột kéo dài với một đối thủ có tiềm lực vượt trội như Nga.
Kịch bản leo thang xung đột Nga - Ukraine và nguy cơ đối đầu trực tiếp Nga - phương Tây có thể xấu tới mức đưa các bên tới bờ vực chiến tranh tổng lực mang tính hủy diệt giữa các siêu cường như trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba vào năm 1962 giữa hai cường quốc hạt nhân hàng đầu là Mỹ và Liên Xô. Thực tế vào tháng 10/2022, khi lực lượng Nga gặp khó khăn lớn ở khu vực Kherson và Kharkov của Ukraine, cộng đồng tình báo Mỹ đã cảnh báo rằng có xác suất 50 - 50 Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật để đáp trả đối phương.
Rất may cho thế giới vào năm 1962 khi cả Tổng thống Mỹ Kennnedy và Lãnh tụ Liên Xô Khrushev đã kịp kiềm chế và có những động thái tháo ngòi nổ xung đột vào phút chót.
Nguy cơ vượt giới hạn đỏ của an ninh toàn cầu là có thật
Thời gian qua, Nga đã rầm rộ gửi tín hiệu rằng kịch bản Ukraine tập kích lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa của phương Tây sẽ là lằn ranh đỏ mới. Nga không phản ứng gay gắt trước việc Ukraine tập kích Nga bằng vũ khí tự chế của Ukraine như UAV bầy đàn và rocket tầm xa nhưng Nga đặc biệt nhạy cảm trước tình huống Ukraine có thể sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ để bắn phá mục tiêu bên trong nước Nga. Theo quan điểm của Tổng thống Putin, những vũ khí như ATACMS cần có sự hỗ trợ của Mỹ (như về dẫn đường, định vị mục tiêu) thì mới thực hiện được việc tấn công.
Dù Mỹ rất ủng hộ Ukraine nhưng giới tình báo Mỹ vẫn khuyên Tổng thống Biden rằng nguy cơ leo thang xung đột tại Ukraine là có thật. Giới phân tích tình báo của Mỹ tin rằng Tổng thống Nga Putin xác định Mỹ và đồng minh đều đặn gia tăng viện trợ cho Ukraine nhằm ngăn ngừa khả năng thất bại của Ukraine trong cuộc đối đầu với Nga, thậm chí còn hướng tới mục tiêu cao hơn là chiến thắng Nga.
Tổng thống Putin muốn giới hạn xung đột tại Ukraine nhưng cuộc đột kích bất ngờ của Ukraine vào lãnh thổ Nga tại Kursk hồi đầu tháng 8/2024 đã phá vỡ giới hạn đó. Ngoài ra, xung đột đẫm máu giữa quân đội Nga và Ukraine trong hai năm rưỡi qua đã gây ra thương vong không nhỏ cho quân nhân Nga và điều này dễ khiến Nga có thái độ quyết đoán hơn.
Đối sách của Moscow và rủi ro cho Kiev nếu Mỹ gỡ rào vũ khí cho Ukraine
Giới nghiên cứu tin rằng Nga đang đối phó với phương Tây bằng phương pháp leo thang xung đột theo “chiều ngang”, đó là mở ra nhiều mặt trận mới như tập kích mạng lưới năng lượng của Ukraine, tổ chức các chiến dịch ngầm bên trong các nước NATO, và làm sâu sắc quan hệ đồng minh với Iran và Triều Tiên.
Giới phân tích cho rằng nếu Mỹ dỡ bỏ rào cản đối với việc Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây, Nga có thể áp dụng một loạt đối sách cụ thể như sau.
Thứ nhất, Nga có thể vũ trang cho các địch thủ của Mỹ, như lực lượng Hồi giáo Houthi ở Yemen. Thứ hai, Nga có thể tấn công các trạm trung chuyển vũ khí Mỹ ở Ba Lan trước khi vào Ukraine. Thứ ba, táo bạo hơn, Nga có thể đánh mạnh hơn và trực diện hơn vào các hoạt động của phương Tây trên đất Ukraine, như tấn công các công ty quân sự hoặc các hoạt động tình báo hỗ trợ Kiev. Thứ tư, Nga có thể chia sẻ công nghệ quân sự (như công nghệ tàu ngầm) với các đối thủ của Mỹ, bao gồm Trung Quốc, Iran và Triều Tiên. Thứ năm, đáp trả việc tuyến đường khí đốt “Dòng chảy phương Bắc” của Nga bị phá hoại, Nga có thể, như lời cảnh báo của cựu Tổng thống Nga Medvedev, cắt đứt các tuyến cáp viễn thông của phương Tây chạy ngầm dưới biển.
Như vậy rủi ro cho Ukraine và phương Tây từ các đòn đánh bằng ATACMS vào lãnh thổ Nga là rất lớn. Không những thế, những rủi ro này còn vượt quá những lợi ích mà Ukraine có thể thu lại nếu cố tấn công Nga theo cách đó.
Giới phân tích Mỹ cho rằng những lợi ích cho Kiev ở cấp chiến thuật là không mang tính quyết định vì Nga đã dịch chuyển những kho vũ khí và kho đạn lớn của họ ra ngoài tầm bắn 300km của ATACMS (viết tắt của cụm Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân Mỹ). Đến đây, Ukraine vẫn có thể dùng tên lửa ATACMS để đánh các trung tâm hậu cần và chỉ huy của Nga. Nhưng giới phân tích của Mỹ lại cho rằng nếu Ukraine dùng ATACMS để tấn công những vùng lãnh thổ Ukraine đang do Nga chiếm đóng thì điều đó mới mang lại lợi ích thiết thực hơn cho Ukraine.
Xem thêm:
>> Ngoại trưởng Lavrov: Ukraine "thu nhỏ lại" sau mỗi lần đàm phán với Nga bị đình trệ
>> Hé lộ về chi tiết giúp Ukraine đột kích sâu vào vùng Kursk của Nga
>> Mỹ dự báo kịch bản Nga trả đũa nếu phương Tây cho phép Ukraine tập kích tầm xa