Hòa bình Trung Đông liệu có thể cứu vãn?
VOV.VN - Theo các nhà quan sát, những nỗ lực này của Mỹ dường như là chưa đủ để thuyết phục các bên quay lại đàm phán.
Giai đoạn 9 tháng mà Mỹ đề ra cho các cuộc đàm phán hòa bình Israel- Palestine đã kết thúc vào ngày hôm qua (29/4) mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào như mong muốn, thậm chí còn chứng kiến sự gia tăng căng thẳng giữa các bên liên quan. Điều này đánh dấu sự thất bại lần thứ 5 liên tiếp của Mỹ trong các nỗ lực thúc đẩy con tàu hòa bình Trung Đông lăn bánh.
Cuối tuần trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cho Israel và Palestine thêm cơ hội khi cho rằng, đây có thể giai đoạn "tạm ngưng" của tiến trình đàm phán. Tuyên bố này được xem là sự sẵn sàng của Mỹ chờ đợi các bên nối lại đàm phán, cũng như nhằm làm dịu những chỉ trích liên quan tới sứ mệnh của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
Trong phát biểu mới đây, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cũng cho rằng, đây là một điểm dừng cần thiết để các bên xác định những bước đi tiếp theo: “Tiến trình hòa bình Trung Đông đang trong giai đoạn tạm dừng để các bên xác định những bước đi tiếp theo. Tôi nghĩ điều này là cần thiết bởi trong bất kỳ quá trình nào, chúng ta cũng cần một điểm dừng để đánh giá những điều có thể làm”.
Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, những nỗ lực này của Mỹ dường như là chưa đủ để thuyết phục các bên quay lại đàm phán. Bởi trên thực tế, cả Israel và Palestine dù đều tuyên bố sẵn sàng đàm phán, nhưng lại đưa ra một loạt những điều kiện mà bên kia khó có thể chấp nhận.
Trong một phát biểu hôm qua tại Ramala, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tuyên bố sẵn sàng theo đuổi đàm phán hòa bình với Israel nếu đàm phán ưu tiên cho việc xác định các đường biên giới và dẫn tới việc Israel đóng băng hoàn toàn các hoạt động định cư. Trong khi đó, Israel đưa ra 2 điều kiện để khôi phục đàm phán với Palestine rằng Hamas phải thừa nhận Israel hoặc ông Abbas từ bỏ thỏa thuận hòa giải dân tộc với Hamas. Đối với người Palestine đây có lẽ là một điều kiện rất khó đáp ứng, bởi vì hòa giải dân tộc là mong muốn lớn nhất của bất kỳ dân tộc nào, trong khi đó, phong trào Hamas mới đây khẳng định, sẽ không thay đổi lập trường đối với vấn đề Israel.
Người phát ngôn Hamas Sami Abu Zuhri nói: “Chính quyền Palestine của Tổng thống Mahmoud Abbas đã công nhận Israel và điều này không phải là mới. Chúng tôi tôn trọng thỏa thuận hòa giải, song lập trường của Hamas là không thay đổi. Chúng tôi sẽ không công nhận Israel, cũng như sự chiếm đóng của Israel. Việc thành lập chính phủ đoàn kết hoàn toàn không liên quan tới vấn đề này.”
Không chỉ là những căng thẳng giữa Israel và Palestine, tiến trình hòa bình Trung Đông cũng làm nảy sinh bất đồng giữa Israel với Mỹ, vốn được xem là đồng minh duy nhất của Israel tại khu vực. Hôm qua (29/4), một quan chức cấp cao chính phủ Israel đã gián tiếp chỉ trích những nỗ lực của Ngoại trưởng Kerry khi tạo ra những "ảo tưởng" cho người Palestine. Theo ông này, phía Palestine nhiều lần cáo buộc Israel phá hoại tiến trình hòa bình khi thông báo hàng loạt nhà định cư trên những vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine, mà không biết rằng, ngay từ đầu các quan chức Mỹ đã biết về các kế hoạch xây dựng này.
Phía Israel cũng "trách móc" chính phủ Mỹ dường như có ý "bỏ qua" thỏa thuận hòa giải giữa các phe phái Palestine, hướng tới thành lập một chính phủ kỹ trị trong vòng 5 tuần, trong khi nước này từng cam kết sẽ không làm việc với một chính phủ như thế trừ khi Hamas công khai thừa nhận nhận Israel. Rõ ràng, những nỗ lực của Mỹ thời gian qua chỉ như "muối bỏ biển". Bởi trên thực tế, cả Israel và Palestine chưa thực sự quyết tâm để chấm dứt những xung đột kéo dài hàng thập kỷ và những lý do họ đưa ra chỉ là những cái cớ. Và có lẽ, điều cần nhất lúc này là những bước đi xây dựng lòng tin. Có như thế, đàm phán mới không phải là một tiến trình vô ích và lãng phí./.