Hoà bình Trung Đông - vấn đề gai góc với Mỹ

Khi nào các vấn đề cốt lõi như đường biên giới giữa Israel-Palestine, số phận Jerusalem và người tị nạn Palestine… chưa có giải pháp cụ thể thì hy vọng về một Trung Đông hoà bình vẫn sẽ làm “đau đầu” chính quyền Mỹ.  

Đặc phái viên của Mỹ về Trung Đông George Mitchell trong những ngày vừa qua đã tới Trung Đông và đang thăm khu vực Vùng Vịnh. Trọng tâm của chuyến công du là thúc đẩy tiến trình hoà bình Trung Đông và kêu gọi các nước hỗ trợ Mỹ giải quyết vấn đề này. Chuyến công du thứ hai này của ông George Mitchell tới Trung Đông kể từ khi được bổ nhiệm, cùng chuyến công du ngay sau khi được bổ nhiệm của tân Ngoại trưởng Hillari Clinton hồi đầu tháng 3 cho thấy, chính quyền mới ở Mỹ đang thực hiện cam kết tìm kiếm hoà bình cho Trung Đông. Nhưng liệu Mỹ có thể thực hiện được cam kết này hay không ?

Trung Đông là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama. Điều này thể hiện ngay sau khi nhậm chức, ông Obama đã bổ nhiệm ông George Mitchell, người từng tham gia đàm phán hòa bình tại Bắc Ireland làm đặc phái viên thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Trung Đông. Kể từ khi lên nhậm chức hồi cuối tháng 1, ông Mitchell đã hai lần công du khu vực này. Trong chuyến công du thứ 2 tới Algeria, Maroc, Ai Cập, Israel, Palestine và một số nước Vùng Vịnh, ông Mitchell đều khẳng định, giải pháp hai nhà nước Israel và Palestine sống bên cạnh nhau trong hoà bình và thịnh vượng là chính sách của Mỹ và là giải pháp giải quyết xung đột giữa Israel và Palestine.

Giải pháp này ai cũng biết và mong muốn nhưng tiến hành cụ thể như thế nào thì ngay cả chính quyền mới của Mỹ vẫn chưa đưa ra được. Và vì thế mà trong chuyến công du này, đặc phái viên của Mỹ vẫn chỉ phát biểu chung chung “giải pháp hai nhà nước, xây dựng nhà nước Palestine độc lập”. Cộng đồng quốc tế và đặc biệt là người dân Palestine muốn Mỹ đưa ra một giải pháp cụ thể cho các vấn đề cốt lõi như đường biên giới, số phận Jerusalem và người tị nạn Palestine.

Thật không đơn giản cho chính quyền Obama khi đồng minh chiến lược Israel không cùng quan điểm. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói rằng, ưu tiên trong các cuộc đàm phán là kinh tế, an ninh và ngoại giao chứ không phải là đàm phán xây dựng nhà nước Palestine. Còn Ngoại trưởng Liberman thì thẳng thừng bác bỏ thoả thuận Annapolis khi nói rằng “Israel không ràng bị buộc bởi thoả thuận đã ký kết với Palestine tại Hội nghị hoà bình Trung Đông do Mỹ bảo trợ tháng 11/2007”.

Về phía Palestine, Phong trào Hamas đang kiểm soát Dải Gaza kịch liệt phản đối việc công nhận nhà nước Do Thái vì cho rằng đây là vùng lãnh thổ có từ nghìn năm của người Palestine. Chính quyền Palestine thì yêu cầu các cuộc đàm phán phải trên cơ sở giải pháp hai nhà nước. Trưởng đoàn đàm phán của Phong trào giải phóng Palestine Saib Erekat ngày 20/4, khẳng định, tiến trình hoà bình không cần sáng kiến mới nào mà chỉ cần thực hiện theo lộ trình hoà bình và sáng kiến hoà bình A-rập. Đấy là chưa kể tới tình hình nội bộ Palestine với những bất đồng giữa Fatah và Hamas, vai trò của Tổng thống Abbas suy giảm, cuộc đàm phán trao đổi tù nhân giữa Hamas và Israel do Ai Cập làm trung gian chưa có kết quả…

Các mâu thuẫn và bất đồng trong nội bộ Palestine, giữa Israel và Palestine, giữa Hamas và Israel... thực sự là những vấn đề gai góc khi Mỹ nhận trách nhiệm mang lại hoà bình cho Trung Đông. Đó là lý do vì sao dù đã nỗ lực ở cuối nhiệm kỳ nhưng chính quyền của Tổng thống Bush vẫn không đạt được kết quả nào. Mục tiêu của nước Mỹ tại khu vực Trung Đông, như lời bà Clinton đã tuyên bố là “tiếp tục theo đuổi mục tiêu thành lập một nhà nước Palestine bao gồm Dải Gaza và khu Bờ Tây chung sống bên cạnh một Israel được bảo đảm an ninh”. Để đạt được mục tiêu đó phải qua nhiều bước, giải quyết từng vấn đề liên quan và chính phủ Palestine, Israel, các nước khu vực A-rập cẫn nỗ lực thực sự.

Với vai trò của mình, Tổng thống Mỹ Obama có thể gây sức ép để các bên đạt được thoả thuận hoà bình sơ bộ. Nhưng để làm được điều này, trước hết Mỹ cần hỗ trợ Israel và Palestine giải quyết các vấn đề trao đổi tù nhân đang bế tắc, hỗ trợ cuộc đối thoại đoàn kết Palestine và tổ chức thành công cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội nước này vào đầu năm tới. Đặc biệt cả Mỹ và Israel cần phải công nhận Hamas là một tổ chức hợp pháp ở Palestine. Tiếp đó là đưa ra giải pháp và kế hoạch cụ thể cho việc giải quyết vấn đề đường biên giới, số phận Jerusalem, người tị nạn Palestine…

Có thể nói, trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Obama và các cộng sự nỗ lực thực sự để có thể giải quyết được một số trong hàng loạt các vấn đề ở Trung Đông đã được coi là thành công./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên