Học giả Nga đánh giá cao tầm quan trọng của UNCLOS trong giải quyết vấn đề Biển Đông
VOV.VN - Ngày 19/1, Hội thảo khoa học “40 năm UNCLOS ở Biển Đông và Bắc Cực” đã được tổ chức tại Viện Đông phương học, Viện Hàn lâm khoa học Nga. Trong đó các học giả Nga đánh giá cao tầm quan trọng của UNCLOS trong giải quyết hoà bình vấn đề Biển Đông.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Giám đốc Viện Đông phương học Valentin Golovachev nhấn mạnh, mục đích của hội thảo là thảo luận, phân tích việc áp dụng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông và Bắc Cực và đưa ra các khuyến nghị nhằm giải quyết hoà bình các tranh chấp.
Hội thảo được tiến hành dưới cả hình thức trực tiếp và trực tuyến với 10 tham luận của các chuyên gia nghiên cứu Biển Đông hàng đầu của Viện Hàn lâm khoa học Nga. Qua các tham luận, các học giả đều đánh giá Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 có vai trò rất quan trọng và cần thiết trong việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Học giả Nga nhấn mạnh, UNCLOS là nền tảng của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) mà các bên đang đàm phán. Các chuyên gia Nga cũng khẳng định sự cần thiết của việc nhanh chóng kết thúc đàm phán, tiến tới ký kết Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông để giải quyết hoà bình các tranh chấp.
Các chuyên gia đánh giá các nước ASEAN đều ủng hộ vai trò quan trọng của UNCLOS trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Trong đó, các chuyên gia khẳng định rằng, Việt Nam thể hiện vai trò quan trọng trong việc ổn định tình hình ở Biển Đông qua việc theo đuổi chính sách giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên, ông Dmitry Mosyakov - Giám đốc Trung tâm Đông Nam Á, Australia và châu Đại Dương thuộc Viện Đông phương học cho biết: “Hội thảo được tổ chức nhân kỷ niệm 40 năm ngày thông qua Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Công ước vẫn là văn bản cơ bản và rất cần thiết để có thể giải quyết các vấn đề xung đột quốc tế trên biển. Chính sách của Việt Nam cho thấy rằng, chỉ trên cơ sở luật pháp quốc tế, các văn bản được quốc tế công nhận mới có thể giải quyết được các vấn đề tranh chấp lãnh thổ phức tạp nhất”./.