Học hỏi kinh nghiệm của Hà Lan trong quản lý nước
VOV.VN - Cuối tuần qua, đoàn công tác của Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan do Đại sứ Phạm Việt Anh dẫn đầu, đã đến thăm mô hình quản lý nước tại làng Zevenhuizen, Hà Lan.
Chuyến thăm nhằm tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm của quốc gia đi đầu thế giới về quản lý nước và xây dựng hệ thống đê điều, trong điều kiện địa lý khó khăn dưới mực nước biển.
Làng Zevenhuizen là một trong những nơi thấp nhất Hà Lan, dưới mực nước biển 6m, nằm cạnh sông Rotte. Xa xưa, vùng này chìm trong nước. Khoảng đầu thế kỷ 18, dân làng họp nhau lại, đào kênh và xây dựng 4 cối xay gió để bơm dần nước theo 4 cấp độ, đưa nước ra khỏi làng, hòa chung với hệ thống cao hơn để đưa nước ra sông Rotte. Dần dần, đất nổi lên khỏi mặt nước và biến thành cánh đồng cho dân canh tác, sinh sống.
Cho đến năm 1952, 4 chiếc cối xay gió được nghỉ ngơi nhờ trạm bơm điện thay thế. Nhưng đến bây giờ, các cối xay gió cổ này vẫn hoạt động, mỗi tháng bơm 2-3 lần, vừa giữ được cảnh quan lịch sử, vừa thiết thực tận dụng nguồn năng lượng gió thay cho nhiệt điện. Ông Jos Springer, người hiện sinh sống và vận hành một trong 4 chiếc cối xay gió ở đây cho biết chính phủ Hà Lan vẫn trợ cấp cho ông để duy tu, bảo dưỡng cối xay gió. Những cối xay gió tại Hà Lan đều như vậy, có lịch để tất cả chạy đồng bộ, bơm nước từ thấp lên cao dần và ra sông. Điều kiện khắc nghiệt buộc con người phải làm việc tập thể. Cứ thế, lịch sử những vùng đất thấp của Hà Lan dần hình thành. Quả thực, không hề sai nếu nói người Hà Lan đã vượt tạo ra diện mạo đất nước mình. Và trong suốt chiều dài thời gian đó, bơm nước trở thành việc thường xuyên, không thể ngưng nghỉ nếu muốn giữ đất. Cũng vì vậy, thuế nước thải, ngoài việc để xử lý ô nhiễm đối với môi trường còn là để chi trả cho việc bơm nước ra sông. Thuế nước thải phụ thuộc độ thấp của khu đất so với mặt biển.
Ông Robbert Moree, điều phối viên Delta Việt Nam thuộc Cục Thích ứng với Biến đổi khí hậu và Chính sách nước quốc tế (Bộ Cơ sở hạ tầng và Quản lý nước), một chuyên gia về Việt Nam và đồng bằng sông Cửu Long, đã đồng hành cùng Đại sứ Phạm Việt Anh tại làng Zenvenhuizen, chia sẻ: đồng bằng sông Cửu Long chỉ cao hơn mực nước biển 1- 2 mét, vừa đối diện với nguy cơ nước biển dâng, vừa có nguy cơ sụt lún nên nguy cơ ngập mặn là rất cao. Ông vui mừng nhận thấy hợp tác Hà Lan - Việt Nam về đồng bằng Sông Cửu Long thời gian gần đây đã có những chuyển biến tích cực hơn so với trước. Là người yêu nghề, yêu Việt Nam, ông Robbert Moree luôn mong muốn quan hệ hợp tác này phát triển tốt đẹp, giúp Việt Nam ứng phó tốt với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững./.