Hội đồng Bảo an họp về Triều Tiên, Mỹ quyết theo đuổi đối thoại
VOV.VN - Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 8/10 có cuộc họp kín nhằm thảo luận về vụ phóng tên lửa mới đây của Triều Tiên.
Cuộc họp kín của Hội đồng bảo an được thực hiện theo đề xuất của Anh, Pháp và Đức sau khi Triều Tiên tuyên bố nước này bước vào giai đoạn mới trong nỗ lực phòng vệ, với vụ thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm vào tuần trước. Đây được cho là vụ phóng nghiêm trọng nhất kể từ khi Triều Tiên bắt đầu đối thoại với Mỹ vào năm 2018.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ họp kín trong 8/10, thảo luận về vụ phóng tên lửa mới đây của Triều Tiên. Ảnh: Mint |
Trong khi Mỹ im lặng thì các nước châu Âu cho rằng vụ phóng vi phạm các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc. Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Kim Song ngày 7/10 cảnh báo Mỹ, Anh, Pháp và Đức về việc nêu vụ thử tên lửa của Triều Tiên tại Hội đồng bảo an sẽ càng khiến nước này thúc đẩy các hoạt động phòng vệ xa hơn nữa.
“Chúng tôi biết rõ Mỹ đứng đằng sau các nước châu Âu kêu gọi cuộc họp này. Mỹ và các đồng minh nên hiểu rằng, nếu họ nêu vấn đề phòng vệ của Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc, sẽ càng khiến khuyến khích chúng tôi thúc đẩy chương trình vũ khí của mình. Triều Tiên đang theo dõi chặt chẽ mọi động thái của Mỹ và Hội đồng bảo an Liên hợp quốc”, ông Kim Song nhấn mạnh.
Vụ phóng của Triều Tiên diễn ra ngay trước thềm vòng đàm phán cấp chuyên viên đầu tiên giữa Mỹ và Triều Tiên tại Thụy Điển sau nhiều tháng bế tắc. Mặc dù vậy, đàm phán đã đổ vỡ mà không có bất cứ kết quả cụ thể nào, nhưng Mỹ và Hàn Quốc vẫn khẳng định sẽ tiếp tục duy trì động lực đối thoại với Triều Tiên.
Trưởng đoàn đàm Hàn Quốc Lee Do-hoon ngày 8/10 có chuyến thăm Mỹ để thảo luận với người đồng cấp Stephen Biegun về những biện pháp cụ thể để duy trì động lực đối thoại cũng như đạt được tiến triển rõ rệt trong tiến trình đàm phán. Quan chức Hàn Quốc thừa nhận có nhiều khó khăn, song nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phối hợp giữa Mỹ và Hàn Quốc. Dự kiến trong tuần này cũng sẽ có cuộc gặp quan chức cấp cao 3 bên Mỹ- Nhật -Hàn tại Washington để thảo luận về kết quả các cuộc đàm phán với Triều Tiên.
Hiện chưa rõ các nỗ lực ngoại giao gấp rút của Mỹ và các đồng minh có nằm trong kế hoạch nhằm nối lại các cuộc đàm phán với Triều Tiên trong 2 tuần tiếp theo hay không. Sau khi các cuộc đàm phán đổ vỡ, Thụy Điển đã mời Mỹ và Triều Tiên quay trở lại Stockholm trong 2 tuần tới để tham gia một vòng đàm phán tiếp theo. Trong khi Mỹ đã chấp nhận lời mời của Thụy Điển, nhưng Triều Tiên lại khẳng định có tiếp tục duy trì đàm phán nữa hay không là phụ thuộc vào Mỹ.
Với việc đẩy quả bóng trách nhiệm cho Mỹ, Triều Tiên muốn khẳng định lập trường rõ ràng sẽ chỉ tiếp tục tham gia đàm phán khi Mỹ điều chỉnh cách tiếp cận, chấm dứt chính sách thù địch với Triều Tiên. Tuy nhiên với lập trường vẫn còn quá nhiều khác biệt giữa hai bên trong vòng đàm phán cuối tuần qua cho thấy không có nhiều khả năng các cuộc đàm phán song phương được sớm nối lại.
Các quan chức Triều Tiên cũng thừa nhận, gần 100 ngày kể từ cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ- Triều Tiên vào tháng 6 vừa qua, Mỹ không mang theo bất cứ sáng kiến mới nào tới bàn đàm phán. Do đó sẽ không có nhiều khả năng Mỹ sẽ thực hiện được điều đó trong 2 tuần tới./.