Hội đồng Bảo an LHQ ghi nhận sự thay đổi thái độ của Mỹ trong các vấn đề quốc tế
VOV.VN - Thái độ đối với Trung Quốc và nghĩa vụ đối với các tổ chức quốc tế trong đó có Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là hai yếu tố cho thấy rõ sự thay đổi lập trường của chính quyền mới ở Mỹ khi tiếp cận các vấn đề quốc tế.
Hôm qua (17/2) tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã có Phiên thảo luận trực tuyến Cấp cao với chủ đề “Duy trì hòa bình và an ninh quốc tế: Thực hiện Nghị quyết 2532 nhằm bảo đảm tiếp cận vaccine Covid-19 một cách công bằng trong bối cảnh xung đột và mất an ninh”. Đây là phiên họp đầu tiên tại Hội đồng Bảo an có sự tham gia của Mỹ kể từ sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức hồi tháng 1/2021 và nó cho thấy sự thay đổi quan điểm của chính quyền mới ở Mỹ khi tiếp cận các vấn đề quốc tế.
Thái độ đối với Trung Quốc và nghĩa vụ đối với các tổ chức quốc tế trong đó có Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là hai yếu tố cho thấy rõ sự thay đổi lập trường của chính quyền mới ở Mỹ khi tiếp cận các vấn đề quốc tế.
Khác hẳn so với chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump, chính quyền của Tổng thống Biden có thái độ mềm mỏng hơn đối với Trung Quốc tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an ngày hôm qua. Không còn cảnh đối đầu gay gắt, thậm chí chỉ trích Trung Quốc liên quan đến nguồn gốc virus SARS-CoV-2, khi nói về cuộc điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới đang diễn ra ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc.
Đại diện Mỹ - Ngoại trưởng Antony Blinken chỉ nói rằng, cuộc điều tra cần phải đảm bảo yếu tố độc lập, tôn trọng khoa học và thực tế, tránh sự can thiệp từ bên ngoài, mà không trực tiếp đề cập đến Trung Quốc. Đây được xem là sự thay đổi thái độ rõ rệt của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với Trung Quốc so với chính phủ Mỹ tiền nhiệm. Chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump từng cáo buộc Trung Quốc thiếu minh bạch và cho rằng điều này khiến tình hình dịch Covid-19 trên thế giới trầm trọng hơn, bất chấp việc Trung Quốc phủ nhận cáo buộc.
Ngay từ khi lên nắm quyền, chính quyền mới của Tổng thống Joe Biden cũng cho thấy sự thay đổi lập trường đối với các vấn đề quốc tế so với chính phủ tiền nhiệm. Tổng thống Joe Biden đã ký một loạt sắc lệnh đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm, trong đó đáng chú ý là việc đình chỉ tiến trình rời khỏi Tổ chức Y tế Thế giới và đưa Mỹ quay trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Trong một động thái này được xem là sự cụ thể hóa cam kết của Mỹ, Ngoại trưởng Antony Blinken hôm qua tuyên bố sẽ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Tổ chức Y tế Thế giới và cho biết, từ nay đến cuối tháng 2/2021, Mỹ sẽ đóng góp hơn 200 triệu USD cho cơ quan quốc tế này.
“Hôm nay, tôi vui mừng công bố, đến cuối tháng 2, Mỹ có ý định chi trả hơn 200 triệu USD cho các hoạt động của WHO. Đây là bước đi quan trọng nhằm thực hiện nghĩa vụ tài chính của chúng tôi với vai trò là thành viên của WHO. Và nó cũng phản ánh cam kết của chúng tôi nhằm duy trì đảm bảo Tổ chức Y tế Thế giới có được sự ủng hộ cần thiết để dẫn dắt cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu hiện nay”, ông Antony Blinken nói.
Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 cũng được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc rất quan tâm. Tính đến sáng 18/2, toàn thế giới đã ghi nhận hơn 110.404.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, trong đó có hơn 2.439.000 ca tử vong. Tại cuộc họp, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres khẳng định đại dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh quốc tế, làm chậm quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; nhấn mạnh cần kịp thời phổ cập và bảo đảm công bằng trong tiếp cận vaccine.
“Chúng ta cần đảm bảo rằng, mọi người, mọi quốc gia đều nhận được vaccine càng sớm càng tốt. Tiến độ tiêm chủng vaccine cho đến nay vẫn chưa đồng bộ và không công bằng. Mới chỉ có 10 quốc gia triển khai 75% lượng vaccine phòng ngừa Covid-19 trong khi hơn 130 quốc gia khác chưa nhận được một liều vaccine nào. Đây đều là quốc gia bị ảnh hưởng của xung đột và mất an toàn an ninh, có nguy cơ bị bỏ lại phía sau", ông Antonio Guterres nói.
Đáng lưu ý, tại cuộc họp, với vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tháng 2/2021, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã hối thúc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua một nghị quyết kêu gọi ngừng bắn để tạo điều kiện cho việc tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 ở những khu vực xung đột trên thế giới. Tuy nhiên, đề xuất này đang vấp phải sự phản đối của một số nước thành viên Hội đồng Bảo an trong đó có Nga. Theo quan điểm của Nga, Nghị quyết 2532 của Hội đồng Bảo an đã đầy đủ và không cần đến một nghị quyết khác. /.