Hội đồng Bảo an LHQ họp kín về tình hình Cao nguyên Golan, Việt Nam nêu lập trường
VOV.VN - Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, khẳng định lập trường không thay đổi của Việt Nam về quy chế của Cao nguyên Golan.
Ngày 2/10 (theo giờ New York), Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) đã biểu quyết thông qua Nghị quyết 2546 về gia hạn các biện pháp chống buôn bán người và vận chuyển trái phép người di cư liên quan đến Libya và tiến hành họp định kỳ hàng Quý về tình hình Cao nguyên Golan.
Nghị quyết 2546, do Đức chủ trì soạn thảo, quyết định gia hạn đến ngày 2/10/2021, cho phép các quốc gia thành viên LHQ, thông qua các tổ chức khu vực, tiến hành kiểm tra các tàu trên vùng biển cả bên ngoài Libya, khi có căn cứ về việc các tàu này có thể có hành vi buôn bán người, hoặc vận chuyển trái phép người di cư từ Libya. Nghị quyết hoan nghênh Báo cáo cập nhật của Tổng Thư ký LHQ về vấn đề buôn bán người liên quan đến Libya, ghi nhận hoạt động “Eunavfor Med Irini” của Liên minh châu Âu (EU) trong triển khai các biện pháp chống buôn bán người liên quan đến Libya. Các nước EU và Na Uy cùng tham gia đồng bảo trợ Nghị quyết này.
Ngay sau đó, HĐBA đã họp kín để nghe báo cáo của Trợ lý Tổng Thư ký LHQ phụ trách khu vực Trung Đông Khaled Khiari về tình hình Cao nguyên Golan. Ông Khiari cho biết, Thoả thuận ngừng bắn cơ bản được duy trì trên thực địa, tuy nhiên có dấu hiệu gia tăng số các vụ vi phạm Thoả thuận Rút lực lượng giữa Israel và Syria, trong đó có cả các vụ sử dụng máy bay và bắn tên lửa qua đường ngừng bắn. Các hoạt động quân sự của cả hai bên ở các khu vực hạn chế và khu vực giãn cách vẫn tiếp tục diễn ra. Lực lượng Quan sát viên của LHQ (UNDOF) đang tích cực thúc đẩy triển khai các hoạt động liên lạc, tuần tra và thanh tra để bảo đảm ổn định tình hình.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, khẳng định lập trường không thay đổi của Việt Nam về quy chế của Cao nguyên Golan, chia sẻ quan ngại về những thách thức an ninh tại đây, đặc biệt là việc gia tăng các vụ vi phạm Thoả thuận Rút lực lượng giữa hai bên. Đại sứ kêu gọi các bên kiềm chế, tôn trọng Hiến chương LHQ, Nghị quyết của HĐBA cùng các thoả thuận liên quan nhằm bảo đảm hoà bình, ổn định tại Cao nguyên Golan nói riêng và trong toàn khu vực nói chung. Đại sứ khẳng định ủng hộ vai trò quan trọng của Lực lượng Quan sát viên của LHQ tại đây.
** Các biện pháp chống buôn bán người hoặc vận chuyển trái phép người di cư trên vùng biển cả, không liên quan đến vùng biển của Libya được HĐBA cho phép theo Nghị quyết 2240 (2015) trong bối cảnh tình trạng người di cư, tị nạn từ châu Phi đổ vào các nước châu Âu thông qua Libya diễn biến phức tạp. Trên cơ sở Nghị quyết 2240 và các Nghị quyết gia hạn sau đó, EU đã thiết lập hoạt động “Eunavfor Sophia” (2015-2019) và “Eunavfor Med Irini” (2020-nay) để triển khai các biện pháp nêu trên cũng như triển khai các biện pháp thực thi lệnh cấm vận vũ khí của HĐBA liên quan đến Libya theo Nghị quyết 2292 (2016).
** UNDOF được thành lập năm 1974 theo Nghị quyết 350 của HĐBA với mục đích hỗ trợ duy trì Thoả thuận ngừng bắn giữa Israel và Syria và giám sát Thoả thuận Rút lực lượng của hai nước này tại Cao nguyên Golan. Lực lượng này hiện có 1014 nhân sự đến từ các nước Úc, Bhutan, Czech, Fiji, Ghana, India, Ireland, Nepal, Ha Lan và Uruguay; có sự hỗ trợ của 75 quan sát viên quân sự của UNTSO./.