Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thảo luận về tôn giáo và xung đột
VOV.VN - Các diễn giả cho rằng các nhóm, cộng đồng tôn giáo đã có đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy tiến trình hòa bình, hỗ trợ công tác nhân đạo, công cuộc phát triển tại nhiều quốc gia và khu vực trên giới.
Ngày 19/3 (theo giờ New York), Anh, Mỹ, Estonia và Na Uy đã đồng tổ chức phiên họp trực tuyến của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc theo thể thức Arria với chủ đề “Tôn giáo, tín ngưỡng và xung đột: Bảo vệ các nhóm tôn giáo, tín ngưỡng trong xung đột và các chủ thể tôn giáo trong giải quyết xung đột”. Phiên họp do Quốc Vụ Khanh của Anh, Nam tước Tariq Mahmood Ahmad chủ trì với sự tham dự của đại diện tất cả các nước thành viên Hội đồng Bảo an và một số diễn giả khách mời.
Các diễn giả cho rằng các nhóm, cộng đồng tôn giáo đã có đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy tiến trình hòa bình, hỗ trợ công tác nhân đạo, công cuộc phát triển tại nhiều quốc gia và khu vực trên giới. Một số ý kiến bày tỏ quan ngại về sự gia tăng chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa bạo lực cực đoan có liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng trong những năm qua, tác động tiêu cực đến tình hình hòa bình, ổn định tại một số khu vực. Các diễn giả cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng và kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường bảo vệ các nhóm, cộng đồng tôn giáo trong xung đột.
Phát biểu tại phiên họp, các nước thành viên Hội đồng Bảo an khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng và tăng cường các nỗ lực chống chủ nghĩa bạo lực cực đoan; đồng thời phản đối tất cả các hình thức tấn công, đàn áp nhằm vào các nhóm, cộng đồng tôn giáo trong xung đột. Một số nước cho rằng cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự tham gia của các nhóm, cộng đồng tôn giáo trong các tiến trình hòa bình ở những nước có xung đột, đặc biệt là các đại diện tôn giáo là nữ.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc nhấn mạnh tôn giáo, tín ngưỡng đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy hòa bình, tăng cường sự hiểu biết, khoan dung và tôn trọng lẫn nhau giữa các cộng đồng. Đại sứ cho rằng cần tăng cường các nỗ lực giải quyết các vấn đề gốc rễ của xung đột và hận thù tôn giáo, tạo điều kiện hơn nữa cho người dân tham gia vào các hoạt động tôn giáo ở cấp độ địa phương, quốc gia và toàn cầu cũng như tăng cường hợp tác và đối thoại giữa các nhóm tôn giáo.
Đại sứ Đặng Đình Quý nhấn mạnh Việt Nam có 54 dân tộc với tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau cùng chung sống hòa bình và hài hòa. Đại sứ khẳng định Việt Nam luôn nỗ lực để thúc đẩy đoàn kết, bình đẳng và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các nhóm tôn giáo, tín ngưỡng./.