Hội nghị ASEAN +1: Kết nạp Na Uy làm thành viên thứ 22
(VOV) - Kết nạp Na Uy trở thành thành viên thứ 22 ngoài ASEAN tham gia vào Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á.
Tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 46 đang diễn ra tại Brunei, hôm nay (1/7), các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã tiến hành một loạt các hội nghị theo phương thức ASEAN + 1 với 8 đối tác đối thoại là Australia, Canada, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ, New Zealand, Nga và EU. Cùng ngày, Hội nghị Hạ nguồn Mekong với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đã diễn ra.
Tại các Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và các Đối tác đã tập trung kiểm điểm quan hệ và hợp tác trong thời gian qua, đề xuất định hướng thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới, đồng thời trao đổi các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm và chuẩn bị cho hội nghị Cấp cao giữa ASEAN với một số Đối tác vào cuối năm nay.
Các nước đối thoại đều đánh giá tích cực về sự phát triển sâu rộng của quan hệ hợp tác cùng có lợi giữa ASEAN với các Đối tác thời gian qua, và cho rằng hợp tác với ASEAN đã đóng góp cho thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung của khu vực.
Các nước nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác thông qua triển khai hiệu quả các Kế hoạch hành động hiện có giữa ASEAN với từng Đối tác, hướng vào các trọng tâm như kinh tế, thương mại, đầu tư, thu hẹp khoảng cách phát triển, quản lý thiên tai, giao lưu văn hóa và giáo dục, du lịch...
Các Đối tác cam kết tiếp tục ủng hộ vai trò Trung tâm của ASEAN, hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng vào năm 2015, đẩy mạnh liên kết và kết nối. Đồng thời, các nước đối tác tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cam kết phối hợp chặt chẽ cùng ASEAN để hoàn tất Hiệp định theo đúng lộ trình vào năm 2015.
Các Bộ trưởng tham dự Hội nghị hạ nguồn sông Mekong |
Tại các Hội nghị trên, các Bộ trưởng cũng trao đổi và thảo luận về nhiều vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông. Các nước chia sẻ tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực và Biển Đông, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Tuyên bố Cấp cao ASEAN - Trung Quốc kỷ niệm 10 năm DOC; khẳng định sự cần thiết phải sớm có Bộ Quy tắc ứng xử COC và bày tỏ mong muốn ASEAN và Trung Quốc duy trì tham vấn sớm đàm phán chính thức về COC.
Cũng trong ngày hôm nay, ASEAN chính thức kết nạp Na Uy trở thành thành viên thứ 22 ngoài ASEAN tham gia vào Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á, lễ ký kết chính thức cho Na Uy gia nhập Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á (gọi tắt là TAC) dưới sự chứng kiến của Tổng thư ký ASEAN và các Bộ trưởng ASEAN. Được hình thành từ năm 1976, Hiệp ước TAC đã trở thành cơ chế quan trọng điều phối các hoạt động của ASEAN với các đối tác. Việc Na Uy tham gia vào TAC cho thấy sự hấp dẫn của ASEAN, đồng thời chứng tỏ mong muốn mở rộng và tăng cường hợp tác với các đối tác bên ngoài ASEAN của các nước trong khu vực
Ngay sau các Hội nghị ASEAN + 1 với các đối tác kết thúc, Hội nghị Bộ trưởng Hạ nguồn Mekong - Mỹ lần thứ 6, Hội nghị Hạ nguồn Mekong và những người bạn lần thứ 3, Hội nghị Bộ trưởng Mekong - Nhật Bản lần thứ 6 và Hội nghị Bộ trưởng Mekong – Hàn Quốc lần thứ 3 đã diễn ra với những cam kết thúc đẩy hợp tác và hỗ trợ các nước thuộc Hạ nguồn Mekong phát triển.
Các hội nghị lần này tập trung kiểm điểm các hoạt động hợp tác trên 6 lĩnh vực trụ cột là Môi trường, Nước, Y tế, giáo dục, kết nối, an ninh năng lượng, nông nghiệp và an ninh lương thực trên cơ sở những Kế hoạch hành động đã có.
Tại các hội nghị Mekong lần này, các đối tác của Mekong là Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục khẳng định những cam kết hỗ trợ các nước Hạ nguồn Mekong hội nhập, thu hẹp khoảng cách phát triển ngay trong ASEAN, để từ đó giúp ASEAN có thể nhanh chóng xây dựng thành công cộng đồng chung vào năm 2015.
Sự tham gia của Việt Nam tại các Hội nghị ASEAN + 1 và Mekong + đã giúp thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác quan trọng của khu vực và tiểu vùng như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, EU…. Ngoài ra, thông qua các cơ chế hợp tác này sẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác của Việt Nam với các đối tác trong Mekong và trong ASEAN, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác phát triển đối với các dự án phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam./.