Hội nghị Bộ trưởng WTO: Nguy cơ Gói Bali đổ vỡ
VOV.VN - Thất bại trong việc thúc đẩy Gói Bali là do Ấn Độ lo ngại đề xuất này có thể ảnh hưởng tới hơn 800 triệu người dân trong nước.
Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) lần thứ 9 tại Bali, Indonesia bước sang ngày làm việc thứ 3 với chương trình nghị sự về trợ cấp lương thực và thúc đẩy thương mại.
Bên cạnh những cam kết hợp tác thúc đẩy Chương trình nghị sự phát triển Doha (DDA), hội nghị tại Bali lần này tiếp tục chứng kiến sự bất đồng và chia rẽ không dễ vượt qua giữa các nước giàu và nghèo trong những vấn đề gai góc liên quan đến thuế quan, cạnh tranh và đặc biệt là trợ cấp nông nghiệp.
Các bộ trưởng WTO lo ngại về khả năng đổ vỡ gói Bali (Ảnh AP) |
Trước khi Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức Thương mại Thế giới bế mạc ngày 6/12, phái đoàn Ấn Độ hôm qua tuyên bố bác bỏ đề xuất về an ninh lương thực trong “Gói Bali”. Quyết định này đã mang lại không khí ảm đạm cho hội nghị lần này và có thể khiến nỗ lực thúc đẩy “Gói Bali” trong suốt những ngày họp vừa qua “đổ sông đổ bể”.
Ấn Độ lo ngại rằng, đề xuất về an ninh lương thực trong “Gói Bali” sẽ ảnh hưởng tới chương trình trợ giá nông nghiệp nhằm cung cấp lương thực giá rẻ cho hơn 800 triệu người dân nước này.
Trung Quốc và Indonesia cũng chia sẻ thách thức tương tự như Ấn Độ khi phải đảm bảo an ninh lương thực cho lực lượng dân số đông đảo hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, 2 nước này đã đồng ý thỏa hiệp với Mỹ về vấn đề này trong khi Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Anand Sharma vẫn kiên định rằng, ngành nông nghiệp duy trì sự sống cho hàng triệu nông dân. Vì vậy, lợi ích của họ phải được đảm bảo. Ông Sharma nhấn mạnh, đối với Ấn Độ, “lương thực không phải là vấn đề để mang ra mặc cả".
“Chúng tôi không đến đây để làm hội nghị thất bại. Ấn Độ cam kết thúc đẩy kết quả tích cực cho hội nghị tại Bali lần này. Nhưng Ấn Độ cũng cam kết một kết quả công bằng và riêng đối với an ninh lương thực, việc đạt một thỏa thuận công bằng là rất quan trọng. Chúng ta có thể không đạt được thỏa thuận nào, còn hơn là đạt được một thỏa thuận tồi”, ông Sharma khẳng định.
Tuy nhiên, tuyên bố của ông Shamar cũng cho thấy, Ấn Độ thực sự không muốn hội nghị tại Bali lần này đi vào bế tắc. Vấn đề còn lại là các bên phải tìm được “mẫu số chung” cho bài toán chống trợ giá nông nghiệp và đảm bảo an ninh lương thực giữa các nước giàu và nghèo.
Chính vì thế, Cao ủy Liên minh châu Âu về Thương mại Karel De Gucht cho biết, các nước vẫn nỗ lực tiếp tục thuyết phục Ấn Độ thay đổi quyết định trước khi hội nghị bế mạc vào ngày mai: “Chúng ta vẫn có khả năng đạt được một giải pháp trong thời điểm hiện nay, nhưng với điều kiện các bên cần phải thể hiện sự linh hoạt cần thiết. Điều này có nghĩa là quan điểm “không thể thỏa hiệp” mà Ấn Độ cần phải thay đổi, nếu không, chúng ta sẽ không bao giờ đạt được sự đồng thuận”.
Dù hết sức khó khăn, nhưng nếu được chấp nhận tại hội nghị lần này thì “Gói Bali” sẽ là một thành công lớn mở đường cho việc tiến tới hoàn tất Vòng đàm phán Doha, trong đó các nước tiên tiến, phát triển hơn phải dành sự quan tâm thích đáng và đảm bảo các lợi ích cho các nước ở vị trí khó khăn hơn, nhất là các nước chậm phát triển nhất.
Nhưng nếu thất bại, đây sẽ là một “thảm kịch” đối với Tổ chức thương mại thế giới. Vai trò của tổ chức này trong tương lai có nguy cơ bị lấn lướt dần bởi những thỏa thuận thương mại khu vực đang được thúc đẩy mạnh mẽ như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 nước do Mỹ khởi xướng, hay Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU)./.