Hội nghị BRICS: Vấn đề hạt nhân Triều Tiên bất ngờ thành chủ đạo
VOV.VN - Vấn đề Triều Tiên được cho là sẽ lấn lướt chủ đề chính sau khi Triều Tiên thông báo đã thử thành công bom H có khả năng gắn vào tên lửa tầm xa.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 4/9 khai mạc hội nghị thượng đỉnh hàng năm nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) trong bối cảnh Triều Tiên vừa tiến hành vụ thử hạt nhân mới nhất.
Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: Reuters
Hội nghị thượng đỉnh BRICS có sự tham dự của Thủ tướng Ấn Độ Narendara Modi, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Brazil Michel Temer, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Hội nghị BRICS diễn ra tại thành phố Hạ Môn (Đông Nam Trung Quốc) nhằm xóa đi dư luận rằng, tổ chức gồm các nền kinh tế lớn mới nổi này thiếu sự gắn kết và không còn phù hợp.
Nhóm BRICS đang nỗ lực xóa tan nghi ngờ về sự gắn kết của khối sau vụ binh sỹ Ấn Độ và Trung Quốc mới đây có cuộc đụng độ dọc biên giới tranh chấp ở phía Tây dãy Hymalaya.
Trong một tuyên bố ngày 3/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh các thành viên BRICS cần chứng tỏ sự tôn trọng lẫn nhau, tránh xung đột nhưng không nhắc đến tranh chấp biên giới với Ấn Độ.
Tuy nhiên, vấn đề Triều Tiên được cho là sẽ lấn lướt chủ đề chính sau khi Triều Tiên ngày 3/9 thông báo đã thử bom nhiệt hạch có khả năng gắn vào tên lửa tầm xa.
Nhóm BRICS ra đời cách đây 10 năm nhằm thúc đẩy tiếng nói, lợi ích của các nước đang phát triển. Tuy nhiên các chuyên gia phân tích ngày càng nghi ngờ mục tiêu này bởi các thành viên có rất ít điểm chung và đối mặt với rất nhiều thách thức kinh tế.
Trung Quốc vẫn là cường quốc kinh tế tuy tốc độ phát triển có chậm lại. Kinh tế Ấn Độ đang nổi lên nhưng giá hàng hóa nguyên vật liệu hạ đang ảnh hưởng xấu tới các nền kinh tế của Nga, Brazil, Nam Phi.
Thành công lớn nhất của BRICS cho đến nay là việc thiết lập Ngân hàng Phát triển Mới có trụ sở ở Thượng Hải vào năm 2016, được mệnh danh là ngân hàng thế giới của các nước đang phát triển./.