Hội nghị cấp cao Nga-NATO thúc đẩy quan hệ song phương

Đây là hội nghị được cả Nga và NATO chờ đợi, đồng thời được giới chuyên gia đánh giá là hứa hẹn mang đến một cơ hội để đưa quan hệ hai bên lên một tầm cao mới.

Ngày 19/11, Tổng thống Nga Medvedev sẽ gặp các nhà lãnh đạo 29 nước thành viên NATO trong Hội nghị cấp cao NATO - Nga diễn ra trong hai ngày 19 và 20/11 này.

Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày càng tìm được nhiều tiếng nói chung nhưng chừng đó là chưa đủ để hai bên xóa tan hết nghi ngại, cùng nhau hợp tác trong việc xây dựng lá chắn tên lửa chung.

Trong chuyến thăm mới đây tới thủ đô Moscow của Nga, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen nhận định, hội nghị này là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử NATO. Đồng thời, là một cơ hội tốt để đưa quan hệ Nga và NATO sang một trang mới, cũng như chôn vùi những bóng ma quá khứ trong quan hệ hai bên.

Trong bài phát biểu có tiêu đề “Nga và NATO - đối tác tương lai” ngày 17/9 vừa qua tại Viện Nhà nước Nga về quan hệ quốc tế, ông Rasmussen cũng bày tỏ tin tưởng, mối quan hệ đáng tin cậy giữa 29 quốc gia, bao gồm cả Nga có tiềm năng to lớn nhằm xây dựng một nước Nga an toàn hơn, đưa Nga trở thành đồng minh an toàn hơn của NATO và đóng góp thực sự đối với nền an ninh toàn cầu.

Ông Rasmussen cũng đã nhiều lần khẳng định một trong những hướng ưu tiên trong hoạt động của ông trên cương vị người đứng đầu NATO là củng cố quan hệ với Nga, nâng cao sự tin cậy lẫn nhau và hiệu quả của các cuộc tiếp xúc, quan tâm xây dựng quan hệ “đối tác thực sự” với Nga:

“Tôi muốn khẳng định rằng, một trong các ưu tiên của tôi khi đảm nhận vai trò Tổng thư ký NATO nhằm cải thiện mối quan hệ giữa Nga và NATO”.

Hội nghị cấp cao lần thứ 20 giữa Nga và NATO sẽ là cơ hội để các nước thành viên và Nga thảo luận nhiều vấn đề quan trọng mà hai bên cùng quan tâm bao gồm vấn đề Afghanistan, chống cướp biển, chống khủng bố. Trong đó, trọng tâm là vấn đề hệ thống phòng thủ tên lửa.

Về phần mình, để chuẩn bị cho cuộc gặp này, Nga đã nhiều lần cho biết, sẵn sàng hỗ trợ hoạt động của NATO ở Afghanistan, đồng thời cho phép NATO sử dụng lãnh thổ của Nga để vận chuyển trang thiết bị, cũng như phối hợp hoạt động giữa hai bên trong cuộc chiến chống buôn lậu ma túy.

Mối quan hệ giữa Nga và NATO thời gian gần đây đã được cải thiện. Tuy nhiên, an ninh là vấn đề lớn trong quan hệ giữa hai bên. Hàng loạt vấn đề như NATO đe dọa vùng đệm an ninh quanh biên giới nước Nga cũng như việc triển khai hệ thống lá chắn tên lửa áp sát vùng biên giới phía tây đã khiến cho quan hệ giữa hai bên không thể phát triển.

Ngược lại, NATO đã phản ứng mạnh mẽ khi Nga tiến hành cuộc chiến 5 ngày với Gruzia vào tháng 8/2008, dẫn đến quan hệ giữa hai bên trở nên lạnh băng. Rõ ràng, những vấn đề an ninh đã gây trở ngại cho quan hệ giữa hai bên./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên