Hội nghị cấp cao về Afghanistan khai mạc, đại diện của Taliban vắng bóng
VOV.VN - Hôm qua (18/2), tại Doha, Qatar, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã khai mạc hội nghị cấp cao về Afghanistan với với sự tham dự của các đại diện đặc biệt của nhiều quốc gia.
Đây cũng là hội nghị cấp cao lần thứ hai về Afghanistan do Liên Hợp Quốc chủ trì trong vòng 1 năm qua. Tuy nhiên cũng như hội nghị hồi tháng 5 năm ngoái, đại diện chính quyền Taliban tiếp tục vắng mặt khiến dư luận lo ngại về tính khả thi về các kết quả của hội nghị lần này.
Phát biểu trước thềm Hội nghị, Stéphane Dujarric, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho biết, hội nghị kéo dài trong thời gian hai ngày sẽ tập trung thảo luận về các vấn đề mà người dân Afghanistan đang phải đối mặt cũng như các cách thức để cộng đồng quốc tế phối hợp hơn với quốc gia Trung Á này. Ông Stéphane Dujarric nhấn mạnh, đảm bảo quyền của phụ nữ sẽ là một nội dung quan trọng được các bên tập trung, trong bối cảnh các cáo buộc về việc “xâm phạm” quyền của phụ nữ Afghanistan ngày càng gia tăng.
Ông Stéphane Dujarric cho biết: “Phái bộ Liên Hợp Quốc tại Afghanistan quan ngại sâu sắc về các vụ bắt giữ và giam giữ phụ nữ và trẻ em gái một cách tùy tiện gần đây của chính quyền Afghanistan với lý do không tuân thủ quy định về trang phục của người Hồi giáo. Phái đoàn Liên Hợp Quốc đang xem xét các cáo buộc về việc ngược đãi và giam giữ biệt lập, đồng thời cho thấy các cộng đồng tôn giáo và dân tộc thiểu số dường như bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc đàn áp này của chính quyền Taliban”.
Dự kiến, cuộc họp tại Doha sẽ xem xét các khuyến nghị trong đánh giá độc lập của Liên Hợp Quốc về Afghanistan, với việc đề nghị các bên công nhận chính quyền Taliban gắn liền với việc xóa bỏ các hạn chế đối với quyền của phụ nữ và khả năng tiếp cận giáo dục. Bên cạnh đó, các bên cũng đề nghị bổ nhiệm một đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Afghanistan - nội dung mà nhiều lần chính quyền Taliban bác bỏ.
Tuy nhiên, việc vắng bóng đại diện chính quyền Taliban tại Hội nghị lần này cũng khiến dư luận đặt câu hỏi về tính khả thi đối với các kết quả đạt được. Trước đó, chính quyền Taliban đã từ chối lời mời tham dự của Liên Hợp Quốc với lý do các điều kiện chưa được đáp ứng. Taliban muốn được công nhận “là đại diện chính thức duy nhất của Afghanistan” và muốn tổ chức đàm phán với Liên Hợp Quốc về “tất cả các vấn đề ở cấp độ cao”.
Phó Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Anna Evstigneeva nhận định, các bên cần phải cân nhắc đến phản ứng của Taliban trong mọi quyết định liên quan đến Afghanistan:“Chúng tôi vẫn tin vào tầm quan trọng của các cuộc thảo luận, các khuyến nghị rộng rãi và kiên nhẫn, bao gồm cả việc tham vấn với các cơ quan chức năng trên thực tế. Điều quan trọng là phải có đánh giá tỉnh táo về tình hình thực tế, có tính đến phản ứng của chính Taliban”.
Từ tháng 8/2021, Taliban lên nắm quyền tại Afghanistan, mặc dù vậy cho đến nay chính quyền do Taliban lãnh đạo vẫn chưa được cộng đồng quốc tế công nhận. Việc Taliban áp đặt hàng loạt lệnh cấm ngặt nghèo, hạn chế các quyền của người dân Afghanistan, đặc biệt là với phụ nữ và trẻ em gái là lý do khiến cộng đồng quốc tế siết chặt các biện pháp trừng phạt và tẩy chay với chính quyền Taliban.