Hội nghị COP26 kéo dài ngày họp để cố đạt thỏa thuận

VOV.VN - Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP26 đang diễn ra tại thành phố Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh) sẽ kéo dài các phiên thảo luận đến ít nhất là chiều 13/11 theo giờ địa phương, do các bên đang nỗ lực đạt được một thỏa thuận tham vọng vào phút chót.

Theo dự kiến ban đầu, Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu COP26 sẽ kết thúc vào lúc 18h, theo giờ địa phương, ngày 12/11 sau gần 2 tuần họp tại thành phố Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh. Tuy nhiên, sau nhiều ngày thảo luận và đàm phán căng thẳng, hầu hết các bên tham dự COP26 đều thống nhất sẽ kéo dài các phiên họp sang ngày thứ Bảy (13/11), thậm chí có thể sang ngày Chủ nhật (14/11), nhằm đạt được một văn bản cuối cùng tham vọng hơn.

Trước đó trong sáng ngày 12/11, với tư cách là quốc gia chủ nhà, chính phủ Anh đã công bố một bản dự thảo thứ hai của Tuyên bố chung COP26 sau khi có quá nhiều chỉ trích về việc thiếu các từ ngữ tham vọng trong bản dự thảo đầu tiên. Trong bản dự thảo thứ hai, một số điều chỉnh đã được tiến hành, trong đó có phần nghị quyết liên quan đến việc các quốc gia cam kết loại bỏ các loại nhiên liệu hóa thạch.

Ngoài ra, dự thảo cũng đưa ra lời kêu gọi các quốc gia quay trở lại bàn đàm phán ngay từ năm sau để cụ thể hóa các cam kết đã đưa ra tại COP26, hướng đến việc tuân thủ đầy đủ các mục tiêu do Thỏa thuận Paris về khí hậu 2015 đưa ra, trong đó quan trọng nhất là các biện pháp cụ thể để giữ Trái Đất không nóng thêm quá 1,5 độ C vào cuối thế kỷ 21.

Tuy nhiên, trong các phiên thảo luận trong chiều 12/11, bản dự thảo thứ hai do chính phủ Anh công bố vẫn tiếp tục gặp nhiều chỉ trích. Tổ chức “Theo dõi hành động khí hậu” - một tổ chức chuyên phân tích về các chính sách môi trường, đánh giá với các cam kết mà các nước đưa ra tại COP26, Trái Đất vẫn sẽ nóng lên 2,4 độ C vào cuối thế kỷ 21 và đó sẽ là một kịch bản thảm họa cho nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc đảo ở Thái Bình Dương và các nước châu Phi.

Ngoài các tranh cãi về cam kết giảm khí phát thải, ngày họp cuối của COP26 cũng chứng kiến việc các nước đang phát triển gây sức ép lớn buộc các quốc gia phát triển giàu có thực hiện đúng cam kết của Thỏa thuận Paris 2015, là đến năm 2020 phải đóng góp ít nhất 100 tỷ USD mỗi năm nhằm hỗ trợ các nước nghèo chống biến đổi khí hậu. Yêu cầu này nhận được sự ủng hộ lớn từ Thủ tướng Anh Boris Johnson, tuy nhiên các nước phát triển dự kiến đến năm 2023 mới hoàn thành được cam kết này.

Trước việc còn quá nhiều bất đồng chưa tìm được giải pháp, trong tối ngày 12/11, đại diện nhiều nước đã lên tiếng thúc giục các bên chấp nhận nhân nhượng để đạt thỏa thuận bởi nếu COP26 thất bại, hậu quả đối với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sẽ vô cùng tồi tệ. Dự kiến, Chủ tịch COP26 - ông Alok Sharma sẽ công bố một dự thảo mới trong sáng ngày 13/11 và kêu gọi các nước sớm thống nhất để đạt được thỏa thuận trong chiều 13/11.

Đặc phái viên Mỹ về khí hậu, ông John Kerry cho rằng đây là mệnh lệnh bắt buộc vì ngay ở thời điểm hiện tại đã có những quốc gia đối mặt với nguy cơ sống còn vì biến đổi khí hậu. Người đứng đầu về chính sách khí hậu của Liên minh châu Âu - ông Frans Timmerman thì cho rằng thỏa thuận vẫn có thể đạt được nhưng cần một nỗ lực lớn cuối cùng của tất cả các bên./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

COP26: Nỗ lực và kỳ vọng cho mục tiêu giảm khí phát thải toàn cầu
COP26: Nỗ lực và kỳ vọng cho mục tiêu giảm khí phát thải toàn cầu

VOV.VN - Hôm nay (12/11) là ngày làm việc cuối cùng của hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại Glasgow, Vương quốc Anh.

COP26: Nỗ lực và kỳ vọng cho mục tiêu giảm khí phát thải toàn cầu

COP26: Nỗ lực và kỳ vọng cho mục tiêu giảm khí phát thải toàn cầu

VOV.VN - Hôm nay (12/11) là ngày làm việc cuối cùng của hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại Glasgow, Vương quốc Anh.

Ngày cuối Hội nghị COP26: Thỏa thuận lung lay, nhiều giải pháp tranh cãi
Ngày cuối Hội nghị COP26: Thỏa thuận lung lay, nhiều giải pháp tranh cãi

VOV.VN - Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) vừa công bố bản dự thảo tuyên bố chung thứ hai với một số sửa đổi so với bản dự thảo đầu tiên công bố hôm qua (11/11).

Ngày cuối Hội nghị COP26: Thỏa thuận lung lay, nhiều giải pháp tranh cãi

Ngày cuối Hội nghị COP26: Thỏa thuận lung lay, nhiều giải pháp tranh cãi

VOV.VN - Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) vừa công bố bản dự thảo tuyên bố chung thứ hai với một số sửa đổi so với bản dự thảo đầu tiên công bố hôm qua (11/11).

Thỏa thuận đột phá và kỳ vọng lớn tại Hội nghị khí hậu COP26
Thỏa thuận đột phá và kỳ vọng lớn tại Hội nghị khí hậu COP26

VOV.VN - Ngày 10/11, Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) ở Glasgow (Anh) đã bước sang giai đoạn đàm phán mới khi bản dự thảo đầu tiên về tuyên bố chung được công bố sau hơn 1 tuần diễn ra.

Thỏa thuận đột phá và kỳ vọng lớn tại Hội nghị khí hậu COP26

Thỏa thuận đột phá và kỳ vọng lớn tại Hội nghị khí hậu COP26

VOV.VN - Ngày 10/11, Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) ở Glasgow (Anh) đã bước sang giai đoạn đàm phán mới khi bản dự thảo đầu tiên về tuyên bố chung được công bố sau hơn 1 tuần diễn ra.