Hội nghị COP29 đề xuất dành 1 nghìn tỷ USD/năm để ứng phó với biến đổi khí hậu
VOV.VN - Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP29) đã chính thức khai mạc ngày 11/11 tại Baku, Azerbaijan.
Trong bối cảnh một loạt thảm họa thiên nhiên đang gia tăng khắp các châu lục và năm 2024 được dự báo sẽ lập kỷ lục về nhiệt độ, COP29 thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng thế giới và được kỳ vọng sẽ mở ra kỷ nguyên hành động mới, mạnh mẽ và đồng bộ hơn trên phạm vi toàn cầu. Hai mục tiêu được dư luận đặc biệt gửi gắm tại hội nghị Cop 29 lần này. Đó là mức đóng góp tài chính và chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch, tác nhân làm gia tăng khí nhà kính.
Được mệnh danh là COP tài chính khí hậu, mục tiêu chính của Hội nghị lần này là thống nhất về số tiền cần dành ra hằng năm để giúp các quốc gia đang phát triển ứng phó với các vấn đề liên quan đến khí hậu. Theo đó, các quốc gia được kỳ vọng sẽ thay thế cam kết dành 100 tỷ USD/năm đã được các bên đã nhất trí tại Hội nghị diễn ra tại Copenhagen, Đan Mạch vào năm 2009, lên mức 1 nghìn tỷ USD/năm cho các nước đang phát triển 2009. Trong bối cảnh tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, con số 100 tỷ USD được cho là đã không còn đủ để đáp ứng nhu cầu thực tế. Nếu được thông qua, mục tiêu mới mang tên "Mục tiêu định lượng chung mới về tài chính khí hậu" (NCQG) được thảo luận tại COP29 sẽ có hiệu lực từ năm 2025.
Đây cũng là lần đầu tiên sau 15 năm, các quốc gia sẽ cùng đánh giá lại số tiền cũng như loại hình tài chính mà các nước đang phát triển nhận được để chi trả cho hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, theo đánh giá, vấn đề tài chính sẽ không hề dễ dàng. Hai quốc gia đóng góp lớn là Mỹ và Đức hiện đang đối mặt với nhiều thay đổi về chính trị, làm lung lay cam kết hỗ trợ, khiến cộng đồng quốc tế không khỏi lo ngại. Thực tế, bất đồng về tài chính khí hậu đã gây ra nhiều khó khăn cho các cuộc đàm phán COP trước đây, khi các nước phát triển gây ra nhiều khí phát thải bị chỉ trích không có đóng góp tương xứng.
Bên cạnh tài chính khí hậu, một vấn đề cũng nhận được sự quan tâm là cam kết chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch. Đây là kết quả quan trọng đã đạt được tại COP28. Tại Cop29, các quốc gia sẽ tiếp tục thảo luận về tiến độ thực hiện cam kết kể trên, trong bối cảnh Trái đất vẫn đang nóng lên từng ngày. Điều này càng trở nên cấp bách hơn khi COP29 diễn ra trong bối cảnh chỉ còn vài tháng nữa là tới hạn chót cho các quốc gia cung cấp kế hoạch cập nhật để giảm phát thải khí nhà kính theo Thỏa thuận Pa-ri.
Với mong muốn, Hội nghị COP 29 sẽ thành công, trước thềm hội nghị khai mạc, Giáo hoàng Francis hôm qua đã cầu nguyện cho tiến trình bảo vệ hành tinh sẽ được thực hiện tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP29".
Tôi hy vọng rằng hội nghị về biến đổi khí hậu, COP29, bắt đầu tại Baku, sẽ đóng góp hiệu quả vào việc bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta", ông Francis nói.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Gutteres trong thông điệp gửi tới Hội nghị COP29 cũng nhấn mạnh rằng nhân loại đang thiêu đốt Trái Đất và sẽ phải trả giá. Ông kêu gọi tăng cường hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, bao gồm tài trợ thích ứng với biến đổi khí hậu có mục tiêu, xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ.
"Chúng ta phải giải quyết tận gốc cuộc khủng hoảng: khí nhà kính. Các nước giàu phải dẫn đầu các nỗ lực toàn cầu nhằm cắt giảm 9% lượng khí thải mỗi năm cho đến năm 2030, loại bỏ nhiên liệu hóa thạch một cách nhanh chóng và công bằng, và đẩy nhanh cuộc cách mạng năng lượng tái tạo, để chúng ta có thể hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5 độ C. Cuộc khủng hoảng khí hậu đã ở đây. Chúng ta không thể trì hoãn việc bảo vệ. Chúng ta phải thích nghi ngay bây giờ", ông Gutteres nói.