Hội nghị hòa bình Ukraine: Nỗ lực cô lập Nga khó thành
VOV.VN - Sau hội nghị thượng đỉnh G7 và hội nghị Ngoại trưởng NATO, Ukraine vẫn là tâm điểm chú ý của thế giới với hội nghị hòa bình ở Thụy Sĩ trong hai ngày 15-16/6. Tuy nhiên, sự kỳ vọng vào thành công của hội nghị vẫn còn bỏ ngỏ khi vắng mặt những quốc gia quan trọng là Nga và Trung Quốc.
Thụy Sĩ đã mời hơn 160 phái đoàn dự hội nghị hòa bình, dựa theo yêu cầu của Ukraine. Nga không có mặt trong danh sách khách mời và Ukraine tuyên bố sẽ có thể mời Nga dự các hội nghị trong tương lai với những điều kiện của nước này.
Tuy nhiên, đến ngày hôm nay, theo các nguồn tin mà Reuters thu thập được, mới có khoảng 90 quốc gia và tổ chức xác nhận tham dự. Trong khi con số này theo hãng thông tấn TASS của Nga chỉ là 78. Dù là hội nghị thượng đỉnh, song nguyên thủ một số quốc gia chỉ cử các đại diện ngoại giao tham dự thay vì trực tiếp đến Thụy Sĩ.
Trong nhiều tháng qua, giới chức Nga cho rằng, hội nghị này là một sự lãng phí thời gian. Trung Quốc cũng tuyên bố không tham dự. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh giải thích: “Trung Quốc đã nhiều lần nhấn mạnh rằng hội nghị thượng đỉnh hòa bình cần có ba yếu tố quan trọng được phía Nga và Ukraine chấp nhận, sự tham gia bình đẳng của tất cả các bên và thảo luận công bằng về tất cả các đề xuất hòa bình.
Trung Quốc không thể tham dự hội nghị khi tin rằng hội nghị không đạt được 3 điểm nêu trên. Lập trường của Trung Quốc trong việc triệu tập hội nghị hòa bình là công bằng, khách quan và không nhằm chống lại bất kỳ bên nào và chắc chắn không chống lại hội nghị thượng đỉnh này. Việc Trung Quốc có tham gia hội nghị hay không hoàn toàn dựa trên nhận định của Trung Quốc về hội nghị và tôi tin rằng tất cả các bên liên quan đều có thể hiểu được lập trường của Trung Quốc”.
Đáng chú ý, dù thăm châu Âu nhiều ngày qua, song Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng không tham dự hội nghị này mà cử cấp phó của ông là bà Kamala Harris dẫn đầu phái đoàn Mỹ tham dự. Dù vậy, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida là những nhà lãnh đạo G7 xác nhận sẽ tham dự hội nghị này, sau cuộc họp thượng đỉnh của nhóm tại Italia.
Tổng thống Nga Putin cho rằng, hội nghị ở Thụy Sĩ là một nỗ lực của Ukraine nhằm “tìm kiếm sự ủng hộ của nhiều nước, thuyết phục họ rằng đề xuất tốt nhất là các điều khoản trong kế hoạch của Ukraine, rồi sau đó gửi cho Nga theo dạng tối hậu thư. Tuy nhiên, Nga sẽ không chấp nhận và các nước cần tính đến những thực tế mới.
Theo nước chủ nhà Thụy Sĩ, chương trình nghị sự của hội nghị được phát triển dựa theo kế hoạch hòa bình 10 điểm của Ukraine, song có thể tập trung vào chủ quyền lãnh thổ, nền hòa bình công bằng ở Ukraine. Thụy Sĩ cũng mong muốn các bên bàn về sự tham dự của Nga ở các hội nghị hòa bình tiếp theo.