Hội nghị quốc tế Nga-Gruzia thất bại

Hội nghị đã không thể khởi đầu quá trình hoà giải giữa hai nước mà ngược lại mở ra một tương lai vô định cho mối quan hệ này.

Như đã được dự đoán trước, hội nghị quốc tế đầu tiên thảo luận về cuộc xung đột Nga - Gruzia tại Geneva (Thuỵ Sỹ) ngày 15/10 đã kết thúc thất bại. Nguyên nhân là hai phái đoàn có liên quan trực tiếp là Nga và Gruzia từ chối tiếp xúc trực tiếp với nhau.

“Chưa ai từng mong đợi rằng cuộc họp sẽ khởi đầu dễ dàng!”. Nhận định của Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn Nga Grigori Karasin cũng là điều mà các nhà phân tích đã dự đoán từ đầu. Tuy nhiên, không ai biết trước được rằng không khí tại hội nghị lại căng thẳng đến vậy. Hội nghị chỉ kéo dài được nửa ngày, hai đoàn đàm phán của Nga và Gruzia không chấp nhận ngồi cùng một phòng để gặp gỡ trực tiếp. Các nhà trung gian quốc tế gồm Liên Hợp Quốc (LHQ), Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) đã phải tiến hành các cuộc đàm phán theo kiểu “ngoại giao con thoi” giữa hai phòng họp. Thực tế này cũng khiến người ta không thể coi đây là cuộc đàm phán hoà bình trực tiếp đầu tiên giữa Nga và Gruzia sau cuộc xung đột, như các nước trung gian của châu Âu vẫn gọi.

Nguyên nhân của vấn đề vẫn là chuyện có hay không mời đại diện của hai khu vực ly khai Nam Ossetia và Abkhazia tham dự cuộc gặp. Phía Nga đã tuyên bố sẽ không ngồi đàm phán với Gruzia nếu không có sự có mặt của đại diện hai khu vực đó, bởi Nga cho rằng đây là cuộc thảo luận về Nam Ossetia và Abkhazia nên không thể vắng mặt hai chủ thể này. Bản thân Pháp- nước trung gian đã đưa ra sáng kiến tổ chức Hội nghị quốc tế về Nga- Gruzia cũng từng nhấn mạnh rằng hội nghị cần tập hợp đại diện của tất cả các bên liên quan. Trong khi đó, Gruzia tuyên bố chỉ chấp nhận sự có mặt của phái đoàn Nga, LHQ, EU, Mỹ và OSCE.

Được đưa ra nhằm đặt dấu chấm hết cho mối thù hằn sau cuộc chiến tranh ngày 8/8 và tạo cơ hội hoà giải giữa Nga và Gruzia, hội nghị quốc tế về xung đột Nga - Gruzia trên thực tế đã kết thúc thất bại, thậm chí còn làm gia tăng căng thẳng giữa hai bên. Gruzia cáo buộc Nga làm gián đoạn cuộc thương lượng khi từ chối gặp gỡ trực tiếp với phía Gruzia và khiến tình hình “căng thẳng nghiêm trọng” ngay từ ban đầu.

Cũng trong ngày 15/10, các quan chức Gruzia lên tiếng cáo buộc quân Nga vi phạm thoả thuận ngừng bắn khi nổ súng vào một trạm cảnh sát và xâm nhập không phận Gruzia ở gần Nam Ossetia.

Kết thúc ngắn ngủi của hội nghị quốc tế về Nga và Gruzia đã khiến mọi vấn đề cần thảo luận giữa hai bên hiện vẫn còn treo. Đó là vấn đề lực lượng  Nga hiện còn đóng tại quận Akhangori thuộc Nam Ossetia – nơi Gruzia vẫn coi là vùng đệm và yêu cầu Nga rút đi.

Một vấn đề khác cũng mang tính cấp bách đó là hoạt động của phái bộ LHQ và OSCE tại Gruzia. LHQ vừa gia hạn sứ mệnh hoà bình tại Gruzia thêm 4 tháng nữa, song thừa nhận rằng phái bộ LHQ đang rất bối rối trong hoạt động tại đây.

Tại hội nghị, một lần nữa, người ta thấy thái độ kiên định của Nga ủng hộ một tư cách độc lập và bình đẳng của Nam Ossetia và Abkhazia trong đàm phán với Gruzia. Việc phái đoàn của hai vùng đất ly khai này có mặt tại Geneva vào thời điểm diễn ra hội nghị cũng cho thấy sự sẵn sàng của Nam Ossetia và Abkhazia đón nhận tư cách độc lập đó. Vấn đề đặt ra hiện nay là Mỹ và đặc biệt là châu Âu sẽ làm gì tiếp theo để hoàn thành vai trò trung gian hoà giải giữa Nga với Gruzia? Giới quan sát cho rằng sự trỗi dậy của nước Nga cùng việc Nga công nhận độc lập của Nam Ossetia và Abkhazia đang và sẽ buộc Mỹ và phương Tây thay đổi quan điểm trong vấn đề này và chỉ khi đó, mới hy vọng đàm phán Nga - Gruzia đạt được kết quả như mong muốn.

Một diễn biến đáng chú ý là trong ngân sách quốc phòng vừa được đưa ra, Mỹ không dành khoản nào cho việc hỗ trợ Gruzia khôi phục sức mạnh quân sự như tin đồn trước đó. Phải chăng đây là một dấu hiệu cho thấy Mỹ có thể sẽ nhượng bộ Nga để Nam Ossetia và Abkhazia có được cơ chế độc lập như Kosovo đang có?/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên